09/10/2015 07:19 GMT+7

Năng suất lao động thấp do tính theo đúng chuẩn thế giới

C.V.KÌNH thực hiện
C.V.KÌNH thực hiện

TT -  Cách tính năng suất lao động tức là lấy tổng số hàng hóa dịch vụ cuối cùng được tạo ra của nền kinh tế chia cho lao động tham gia tạo ra GDP...

Nguồn: Nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế quốc dân - Đồ họa: Tấn Đạt
Nguồn: Nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế quốc dân - Đồ họa: Tấn Đạt

Báo cáo của Bộ Kế hoạch - đầu tư trình Chính phủ về năng suất lao động do Tổng cục Thống kê trực tiếp nghiên cứu và soạn thảo. Trả lời Tuổi Trẻ về báo cáo này, ông Đậu Ngọc Hùng - vụ phó Vụ Thống kê tổng hợp Tổng cục Thống kê - nói:

- Con số năng suất lao động mà chúng tôi tính ra cho VN là 74,7 triệu đồng/lao động (hay 3.530 USD) là tính trên phương pháp lấy tổng GDP năm 2014 khoảng 3,93 triệu tỉ đồng chia cho số người lao động có việc làm cùng thời điểm là khoảng 52,7 triệu.

Cách thức tính toán chúng tôi đã theo đúng khuyến cáo, thông lệ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tức là lấy tổng số hàng hóa dịch vụ cuối cùng được tạo ra của nền kinh tế chia cho lao động tham gia tạo ra GDP.

Ông Đậu Ngọc Hùng
Ông Đậu Ngọc Hùng

* Qua nghiên cứu, theo ông, đâu là những nguyên nhân chính khiến năng suất lao động của VN thấp đến như vậy? Phải chăng VN tính cả xe ôm, bán hàng rong... vào những người có việc làm nên năng suất chia ra được ít?

- Trong báo cáo gửi Chính phủ, chúng tôi đã phân tích kỹ các nguyên nhân và xin khẳng định lại cách tính là theo đúng khuyến cáo của các tổ chức uy tín thế giới. Tất nhiên, mỗi quốc gia có một đặc thù riêng. Để phản ánh đúng tình trạng thiếu việc làm, chúng tôi có tính năng suất lao động theo giờ.

Báo cáo trước khi trình Chính phủ đã được gửi các bộ ngành, sau đó chỉnh sửa, bổ sung dựa trên những góp ý.

Tổng hợp lại, chúng tôi thấy những nguyên nhân chính khiến năng suất lao động của VN thấp hơn nhiều nước trong khu vực là do cơ cấu nền kinh tế; xuất phát điểm của nền kinh tế VN thấp (như GDP của VN năm 1990 chỉ bằng GDP của Thái Lan những năm 1960); máy móc thiết bị và quy trình công nghệ của chúng ta còn lạc hậu, trình độ quản lý chưa cao.

Đặc biệt, số người lao động trong ngành nông lâm nghiệp, thủy sản cao (tới trên 46%). Trong khi đó, năng suất lao động khu vực này lại thấp nhất, tới năm 2014 chỉ đạt 29,2 triệu đồng/lao động - chỉ bằng 39,1% mức trung bình của cả nền kinh tế.

Dù chiếm gần một nửa số lao động có việc làm nhưng khu vực này chỉ tạo ra khoảng 18% GDP. Vì vậy, năng suất chung bị ảnh hưởng.

* Vậy theo ông, đâu là giải pháp quan trọng nhất để nâng cao năng suất lao động ở VN? Năng suất lao động thấp thế thì làm sao cạnh tranh nổi với hàng nước ngoài?

- Tôi nghĩ các giải pháp phải thực hiện đồng bộ. Trong đó, khu vực doanh nghiệp là rất quan trọng. Chúng tôi có điều tra doanh nghiệp hằng năm, qua nghiên cứu, thấy các doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu sáng tạo có năng suất cao rõ rệt, tăng tới 19,3% so với các doanh nghiệp bình thường.

Tuy nhiên, ở VN chỉ có 0,2% doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Vì vậy thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, áp dụng khoa học công nghệ là rất quan trọng. Bên cạnh đó, trong báo cáo chúng tôi cũng kiến nghị nhiều giải pháp, như cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế kinh tế…

* GS.TS Nguyễn Đình Cử (Viện Dân số và các vấn đề xã hội):

“Tụ đọng” quá lớn lao động ở nông thôn

Dựa trên những tính toán của mình, mới đây ILO đưa ra nhận định năng suất lao động của người Việt Nam hiện đang ở mức thấp, chỉ bằng 1/5 lao động Malaysia, 2/5 Thái Lan và 1/15 Singapore.

Chúng tôi cho rằng một trong những nguyên nhân là cơ cấu lao động theo nhóm ngành kinh tế lạc hậu, tình trạng “tụ đọng” quá lớn dân số, lao động ở nông thôn - khu vực đất chật người đông, thiếu việc làm, nhiều rủi ro, năng suất thấp.

Vì sao lao động lại “tắc nghẽn” ở đây? Thực tế cho thấy dòng di dân nông thôn - đô thị yếu ớt chẳng những làm quá trình đô thị hóa mà cả quá trình phân công lại lao động theo hướng hiện đại, hiệu quả diễn ra chậm chạp.

Vì sao dòng chảy lao động nông thôn - thành thị không được khơi thông? Câu trả lời là dường như cả dư luận xã hội và các nhà hoạch định chính sách đều không mấy thiện cảm với dòng di cư nông thôn - thành thị, luôn coi nó là tự phát, là làm quá tải cơ sở hạ tầng đô thị, gây tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, khó đáp ứng dịch vụ xã hội cơ bản...

Chính vì vậy, đến nay các chính sách thường nghiêng về phía hạn chế nhập cư đô thị chứ chưa tạo điều kiện cho quá trình này diễn ra trôi chảy.V.V.Thành ghi

TS Hoàng Ngọc Vinh (vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT):

Đẩy mạnh tư nhân hóa đào tạo kỹ năng nghề

Để tăng năng suất lao động, Chính phủ cần một giải pháp tổng thể không chỉ liên quan đến công tác giáo dục và đào tạo mà còn phải thực hiện hàng loạt giải pháp khác cải thiện thể chế kinh tế thị trường, môi trường đầu tư...

Xét riêng về đào tạo, nên thực hiện đồng bộ ngay các giải pháp: Một là đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp theo phương pháp tiếp cận năng lực gắn với nhu cầu của thị trường lao động.

Hai là hình thành mô hình đào tạo nhân lực gắn kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và các viện nghiên cứu khoa học và công nghệ, có cơ chế để mô hình này phát huy hiệu quả trong đời sống.

Ba là tập trung điều phối nguồn lực tài chính quốc gia, hiệu quả, tránh đầu tư phân tán như hiện nay (có trường mà không có người học), hiệu quả đầu tư không cao, không có trọng tâm, trọng điểm và không gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Đổi mới mạnh cơ chế tài chính cho đào tạo nhân lực, mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở đào tạo và ràng buộc trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo.

Bốn là cần phải có chương trình quốc gia phát triển kỹ năng cho các doanh nghiệp có vai trò chủ đạo trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nhà nước cần có cơ chế mạnh về tài chính để khuyến khích doanh nghiệp phát triển kỹ năng cho người lao động, kèm theo chính sách đãi ngộ lương tối thiểu, điều kiện làm việc được cải thiện. Xem xét đẩy mạnh tư nhân hóa trong công tác đào tạo kỹ năng nghề như nhiều quốc gia phát triển khác đã làm.

* Ông Nguyễn Anh Tuấn (viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam - Bộ Khoa học và công nghệ):

Cần phải xúc tác mạnh mẽ hơn

Khi so sánh năng suất lao động của Việt Nam với các nước trong khu vực thì năng suất lao động của nước ta còn ở mức quá thấp, chỉ bằng 43% mức năng suất trung bình của các nước ASEAN, thấp hơn năng suất lao động của Singapore tới gần 15 lần.

Với mức này, Việt Nam cùng với Lào, Myanmar, Campuchia nằm trong nhóm các nước có năng suất lao động thấp nhất trong khu vực.

Đặc biệt, khoảng cách về mức năng suất lao động của Việt Nam so với các nước hầu như không có thay đổi đáng kể nào từ năm 2010 - 2013, thậm chí Lào đang có xu hướng vượt Việt Nam và Myanmar dần thu hẹp khoảng cách với Việt Nam.

Xét về điều kiện, Việt Nam đang có các lợi thế để thu hẹp khoảng cách về năng suất lao động so với các nước như: ổn định về chính trị xã hội, đang trong thời kỳ dân số vàng rất thuận lợi cho thúc đẩy tăng năng suất lao động; giai đoạn tăng trưởng vừa qua đã tạo điều kiện cho việc tích lũy vốn, tích lũy về công nghệ và hiện nay doanh nghiệp đã thấy được nhu cầu tăng năng suất lao động để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển.

Vấn đề là cần phải xúc tác mạnh mẽ hơn để phát huy nội lực của doanh nghiệp, khả năng của người lao động và đặc biệt là tinh thần đoàn kết vì một mục tiêu phát triển.

THANH HÀ ghi

C.V.KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên