"Máy lạnh tự chế" từ thau đá để trước quạt theo hướng dẫn của mạng xã hội, nhưng cũng không mát hơn là bao - Ảnh: THƯ BÙI
Đau đầu vì tiền điện
Ngọc Ngân (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn) đang thuê trọ ở quận 3 chia sẻ: "Tháng này trọ của tôi tăng giá điện từ 3.500 đồng/kWh lên 4.000 đồng/kWh, nên dù phòng có máy lạnh cũng không dám bật vì không chịu nổi tiền điện. Phòng trọ tôi lại nóng, sáng nào dậy áo cũng ướt hết mồ hôi dù mở quạt".
Do quê gần nên cuối tuần nào Ngân cũng chạy về nhà để tránh nóng và tiết kiệm tiền điện. Cô cho biết tháng vừa rồi phải đóng gần 300.000 đồng tiền điện.
Éo le hơn, phòng trọ của Huỳnh Như (19 tuổi, sinh viên Trường ĐH Văn Lang) hứng trọn nắng nóng gay gắt vào buổi trưa và chiều. "Tôi đã dùng đủ biện pháp che chắn, nhưng phòng vẫn nóng như lò lửa. Nếu không bật quạt liên tục thì không thể nào chịu nổi", Huỳnh Như chia sẻ.
Dư âm của cái nóng kéo dài đến tận khuya, vì thế ban đêm Như phải "cắn răng" mở máy lạnh để dễ ngủ hơn.
Mặc dù giá điện khu trọ Huỳnh Như được cho là rẻ so với mặt bằng chung, nhưng con số gần 1 triệu đồng tiền điện cho một tháng đã khiến các bạn "sốc nặng". So với tháng trước, tiền điện của Huỳnh Như đã tăng hơn một nửa.
Ở làng đại học (TP Thủ Đức), tháng vừa rồi tiền điện nước của nhiều phòng ký túc xá tăng lên do nhu cầu sử dụng nhiều hơn.
Đức Tài (20 tuổi, Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM) ở phòng 4 người có máy lạnh, tổng chi phí điện nước phải đóng cho phòng này là 1 triệu đồng, tăng 300.000 đồng so với tháng trước.
Sinh viên tìm mẹo làm mát
Để tiết kiệm tiền điện, nhiều sinh viên đã áp dụng những mẹo tránh nóng được chia sẻ rầm rộ trên các trang mạng xã hội.
Phòng trọ ở quận Bình Thạnh của Minh Thư (20 tuổi, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) khá nhỏ và không có máy lạnh. Theo lời Thư chia sẻ, ngoài hành lang còn mát hơn trong phòng. Vì thế, Thư phải "trang bị" cho mình hai cây quạt gió và một cây quạt phun sương để chống chọi với thời tiết nắng nóng của thành phố.
"Tôi thử đủ mọi cách, hướng quạt gió ra phía cửa để đẩy khí nóng ra ngoài, đặt đá lạnh ở bốn góc phòng… nhưng cũng chỉ bớt nóng được một chút và trong thời gian ngắn", Thư nói.
Còn Quốc Nhân (19 tuổi, Trường ĐH Văn Lang) cũng phải vật lộn với cái nóng oi bức trong phòng trọ. Cứ cách vài tiếng, Nhân lại đi lau nhà để nằm cho mát.
"Nhà có bao nhiêu quạt tôi bật lên hết nhưng không ăn thua", Nhân than thở.
Không chỉ vậy, các thiết bị điện tử như tủ lạnh và máy tính, vốn phải hoạt động, tỏa nhiệt liên tục để phục vụ cho sinh hoạt cá nhân, càng khiến cho căn phòng thêm ngột ngạt và khó chịu.
Huỳnh Như cũng thử làm theo "mẹo" làm mát trên mạng xã hội, nhưng kết quả còn nóng hơn ban đầu - Ảnh: KHÁNH BÙI
Tránh đi cái nóng gần 40 độ ở TP.HCM, Hoàng Linh (19 tuổi, Trường ĐH Sài Gòn) thường qua trung tâm học liệu ở trường để "tá túc".
Hoàng Linh cho biết: "Sinh viên phải làm một bài kiểm tra online về kiến thức và kỹ năng sử dụng trung tâm học liệu, nếu đậu mới được vào, thường thời gian thông báo trên web trường sẽ có sau 1 tuần.
Nhưng dạo này nóng quá nên thầy quản lý cũng châm chước cho sinh viên chưa có kết quả vào học. Khu này có máy lạnh nên rất mát".
Nhật Trang (20 tuổi, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) thường ở lại trường làm việc đến khi thư viện đóng cửa vào lúc 20h.
"Dù không được nói chuyện to tiếng hay bật nhạc bằng loa ngoài, nhưng tôi vẫn rất thích ngồi ở đây sau giờ học".
Trang chia sẻ thêm vì Wi-Fi nhà trọ của bạn khá yếu và không khí trong phòng quá bí bách, hầm hập, nên thay vì chi tiền cho "cà phê học tập" như hồi trước, Trang ưu tiên đến thư viện "chạy deadline" cùng bạn bè.
Hai chiếc quạt của Nhân chạy hết công suất nhưng cũng không mấy hiệu quả - Ảnh: KHÁNH BÙI
Hoài Ngân (19 tuổi, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) thường đi thư viện hoặc phòng tự học vì phòng ký túc xá quá nóng - Ảnh: THƯ BÙI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận