Đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic Paris với 39 thành viên, trong đó có 16 VĐV, 16 HLV và chuyên gia. Đoàn do ông Đặng Hà Việt, cục trưởng Cục TDTT, làm trưởng đoàn.
Nỗi lo Olympic trắng tay
Olympic 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26-7 đến 11-8 tại Paris, Pháp. Đại hội tổ chức 329 nội dung của 32 môn thi, có sự góp mặt của 10.700 VĐV. Đây là lần thứ ba Pháp là chủ nhà của Olympic mùa hè, hai lần trước vào các năm 1900 và 1924. 100 năm Olympic trở lại Paris, năm 2024 cũng là dịp kỷ niệm 130 năm thành lập Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).
Trong 16 VĐV Việt Nam giành vé đến Paris có 14 vé chính thức và 2 vé mời. Như các kỳ Olympic trước đó, mục tiêu của thể thao Việt Nam là phấn đấu có huy chương. Nhưng với lực lượng VĐV mỏng, thông số chuyên môn để tranh chấp huy chương không vượt trội, áp lực lên đoàn trước ngày lên đường là không nhỏ.
Thể thao Việt Nam đang trong chu kỳ đi xuống về thành tích. Tại Olympic Brazil 2016, Việt Nam đến đại hội với 23 VĐV và đoạt 1 HCV, 1 HCB do công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Đến Olympic Tokyo 2020, Việt Nam chỉ còn 18 VĐV góp mặt và không đoạt huy chương nào.
Tại Olympic Paris 2024, số VĐV Việt Nam vượt qua vòng loại chỉ có 14, thêm 2 VĐV được nhận vé đặc cách (Trần Thị Nhi Yến - điền kinh, Võ Thị Mỹ Tiên - bơi). Giảm về số VĐV giành vé, chất lượng các VĐV đến Paris cũng được đánh giá là không có khả năng vượt trội so với các đối thủ cùng hạng cân, nội dung thi đấu.
Một số VĐV đến Olympic chỉ để cọ xát. Ngay những nội dung được kỳ vọng có thể tranh chấp HCĐ, thành tích của VĐV Việt Nam cũng chỉ ở mức chấp chới nếu chơi hết khả năng.
Trưởng đoàn Đặng Hà Việt chia sẻ nhìn vào số lượng VĐV giành vé đến Olympic thấy sụt giảm so với các đại hội trước. Việt Nam có đầu tư, có phát triển nhưng các nước đầu tư còn mạnh hơn với sự can thiệp của khoa học, công nghệ.
Olympic là đấu trường với sự góp mặt của những VĐV mạnh nhất thế giới. Để thể thao Việt Nam có thể giành được 1 huy chương là điều không đơn giản, đòi hỏi rất nhiều yếu tố bên cạnh sự chuẩn bị kỹ về chuyên môn.
Hy vọng vào cử tạ, bắn súng, bắn cung
Trong số 16 VĐV của 11 môn thể thao Việt Nam tranh tài tại Olympic Paris, ba môn được hy vọng có thể tranh chấp huy chương là cử tạ, bắn súng, bắn cung. Ở hạng cân 61kg nam môn cử tạ, trên bảng xếp hạng vòng loại Olympic, lực sĩ Trịnh Văn Vinh đang xếp thứ 9 với mức tổng cử 294kg. Đây là mức tốt nhất của anh kể từ khi trở lại thi đấu vào đầu năm 2023.
Ở mức tổng cử tốt nhất, kỷ lục gia Li Fabin (Trung Quốc) đang dẫn đầu với mức cử 314kg ở vòng loại. Đây cũng là ứng viên số 1 cho HCV tại Paris. Xếp sau Li Fabin ở vòng loại lần lượt là Hampton Morris (Mỹ, 303kg); Sergio Massidda (Ý, 302kg); Eko Yuli Irawan (Indonesia) và John Ceniza (Philippines) với cùng 300kg.
Trước đó, thành tích cá nhân tốt nhất của Trịnh Văn Vinh là tại SEA Games 2017 với mức tổng cử 307kg. Muốn cạnh tranh HCĐ, Vinh được dự báo cần đạt tối thiểu 300kg tổng cử hoặc phải đạt mức tốt nhất 307kg anh từng thiết lập.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ trước ngày lên đường, Vinh nói: "Thời gian chuẩn bị 40 ngày rất ngắn để tôi có thể đạt phong độ cao nhất. Mục tiêu vẫn là chiến thắng bản thân. Về chấn thương, tôi chắc chắn sẽ phải dùng thuốc giảm đau, bởi hiện mới hồi phục được hơn 80%".
Xạ thủ Trịnh Thu Vinh (nội dung 10m súng ngắn hơi nữ), cung thủ Lê Quốc Phong (nội dung cung 1 dây), cũng được hy vọng có thể may mắn làm nên điều kỳ diệu. Trong quá trình tập luyện, Vinh và Phong đều đang đạt mức điểm có thể vào nhóm 4 VĐV dẫn đầu vòng loại - xét theo điểm số ở Olympic Tokyo 2020.
Nói về sự chuẩn bị, Lê Quốc Phong cho biết: "Tôi lên đường với tâm thế quyết tâm cao nhất. Các đối thủ rất mạnh nhưng không vì thế mà tôi lung lay tinh thần".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận