12/06/2016 13:55 GMT+7

Nâng đường chống ngập chắn nhà dân: bồi thường hay hỗ trợ?

QUANG KHẢI ghi (quangkhai@tuoitre.com.vn)
QUANG KHẢI ghi (quangkhai@tuoitre.com.vn)

TTO - Nâng đường chống ngập thời gian qua tại TP.HCM đã đẩy hàng vạn nhà dân bỗng dưng nhà biến thành hầm hoặc bị đẩy lên cao, người dân chịu quá nhiều thiệt hại. Chính quyền sẽ phải bồi thường hay hỗ trợ người dân?

Nhà trên đường Kinh Dương Vương, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM bị đơn vị thi công công trình chống ngập xây bức tường chắn hết lối ra vào như thế này, muốn ở phải nâng nhà lên cao rất tốn kém - Ảnh: Hữu Khoa
Nhà trên đường Kinh Dương Vương, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM bị đơn vị thi công công trình chống ngập xây bức tường chắn hết lối ra vào như thế này, muốn ở phải nâng nhà lên cao rất tốn kém - Ảnh: Hữu Khoa

Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng ban hành khung pháp lý giải quyết các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án nâng đường, có nhiều ý kiến tranh luận cho rằng bất kể các dự án khi triển khai gây thiệt hại cho người dân thì phải bồi thường thay vì hỗ trợ.

Tuổi Trẻ đăng các ý kiến khác nhau về vấn đề này, gợi mở thêm các cách để giúp người dân bị thiệt hại và mong nhận thêm các ý kiến khác.

Việc nâng đường đã gây thiệt hại cụ thể cho người dân đang yên ổn, tôi nghĩ bằng cách nào đó Nhà nước phải có chính sách bồi thường cụ thể chứ không đơn thuần là hỗ trợ bằng hình thức cho vay sửa chữa nhà cửa
Bà Nguyễn Thị Hồng Xuân

* Bà Nguyễn Thị Hồng Xuân (đường Kinh Dương Vương, Q.Bình Tân):

Gây thiệt hại phải bồi thường

Đường Kinh Dương Vương trước nay vốn ngập, vì vậy khi triển khai dự án chống ngập người dân rất mừng. Nhưng chống ngập bằng cách nâng đường quá cao chẳng khác nào đẩy người dân vào thế khó.

Bà Nguyễn Thị Hồng Xuân
Bà Nguyễn Thị Hồng Xuân

Nguồn thu nhập của hai vợ chồng tôi chỉ trông chờ vào mấy máy photocopy, đường sá bụi bặm, đi lại khó khăn thế này, có khi ngồi chờ cả ngày chẳng ai ghé, cuộc sống gần như rơi vào bế tắc. Nhà xây từ năm 1972, trần nhà cao tới 4,5m.

Trải qua bốn lần nâng nền, trần nhà chỉ còn lại 2,6m, nếu đường nâng lên 1,7m thì nền nhà chẳng khác nào căn hầm.

Không có tiền sửa nhà là một lẽ, nhưng nếu vay mượn để làm rồi quy hoạch triển khai sau đó như thế nào chưa biết thì gia đình lại vất vả phải kiếm chỗ ở khác với cục nợ cũ chưa giải quyết xong.

Việc nâng đường đã gây thiệt hại cụ thể cho người dân đang yên ổn, tôi nghĩ bằng cách nào đó Nhà nước phải có chính sách bồi thường cụ thể chứ không đơn thuần là hỗ trợ bằng hình thức cho vay sửa chữa nhà cửa.

Bởi vay thì người dân phải trả lãi, trả nợ trong khi chi phí để sửa chữa nhà cửa buộc người dân phải làm do việc nâng đường gây ra.

* Ông Nguyễn Minh Nhựt (phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân):

Cần có chính sách hỗ trợ

Rút kinh nghiệm từ dự án nâng cấp đường, cải tạo hệ thống thoát nước trên đường Kinh Dương Vương, UBND Q.Bình Tân đã đề xuất các sở ngành liên quan cũng như UBND TP.HCM việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, đồng thời sẽ đề nghị chủ đầu tư các công trình tương tự phải đưa chi phí hỗ trợ này vào dự án khi triển khai.

Để có cơ sở triển khai dự án cũng như việc hỗ trợ, đơn vị tư vấn thiết kế phải khảo sát kỹ lưỡng tầm ảnh hưởng để đưa chi phí hỗ trợ vào dự án.

Về vấn đề này, Sở Xây dựng cùng các đơn vị liên quan đang xây dựng khung pháp lý cụ thể, ví dụ như trường hợp nâng đường cao hơn nền nhà 40cm sẽ hỗ trợ bao nhiêu, 50cm hỗ trợ bao nhiêu cho các dự án triển khai trong tương lai trên địa bàn TP.

Nếu đề án này sớm thông qua thì tạo thuận lợi hơn cho các dự án tương tự tiếp theo.

Các công trình nâng đường chống ngập, cải thiện hạ tầng giao thông thì chính những người dân sống xung quanh tuyến đường đó là người đầu tiên hưởng lợi.

Tuy nhiên do hạ tầng hiện hữu và yêu cầu chống ngập, việc nâng đường có thể gây ảnh hưởng đến người dân, vì vậy cần có chính sách hỗ trợ là cần thiết chứ không nên gọi là đền bù.

* Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM):

Có thể kiện đòi quyền lợi

Tất cả dự án, công trình khi triển khai thi công ảnh hưởng, gây hại đến quyền lợi của người dân thì hộ dân bị ảnh hưởng có quyền khiếu nại yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị phê duyệt dự án bồi thường thiệt hại, trường hợp nâng đường chống ngập cũng không ngoại lệ. Nếu không được giải quyết thỏa đáng, người dân có thể kiện ra tòa để đòi quyền lợi.

Ông Nguyễn Hữu Thế Trạch
Ông Nguyễn Hữu Thế Trạch

Riêng dự án nâng đường Kinh Dương Vương được chủ đầu tư cho rằng đã lấy ý kiến và có tới 90% người dân đồng thuận, người dân vẫn có thể khởi kiện bởi cách lấy ý kiến không chuẩn về pháp lý.

90% người dân được lấy ý kiến đồng thuận không thể đại diện cho 90% người dân bị ảnh hưởng đồng tình. Hơn nữa, cách tổ chức lấy ý kiến cũng là vấn đề cần xem xét, bởi nhiều người dân được lấy ý kiến không hiểu về mặt kỹ thuật, không nhận thức được mức độ ảnh hưởng thực tế.

Rõ ràng nếu giải thích rõ rằng việc nâng đường cao 2m, mặt đường sẽ cao hơn nhà hộ A là 1,5m, nhà hộ B là 1,8m... chắc không mấy người đồng tình.

Thực tế khi nâng đường Kinh Dương Vương được triển khai, rất nhiều người dân phản ứng đã chứng minh nhận định trên. Đó là chưa kể những người dân không được lấy ý kiến và bị ảnh hưởng cũng hoàn toàn có quyền khởi kiện đòi quyền lợi.

* Ông Trần Minh Quang (Q.Gò Vấp):

Phải được bù đắp đầy đủ

Tình trạng nâng đường chống ngập đã được triển khai từ rất lâu, có hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng tự khắc phục thiệt hại do các đơn vị nâng đường gây ra. Bức xúc này được người dân phản ảnh rất nhiều, cơ quan truyền thông đã thông tin, các sở ngành đã họp bàn, xây dựng chính sách nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa có mức bồi thường cụ thể cho người dân là quá chậm.

Chính sách bồi thường hay hỗ trợ theo tôi không quan trọng, chủ yếu là tên gọi, quan trọng hơn là những thiệt hại của dân phải được bù đắp đầy đủ, có như vậy việc triển khai các công trình nói riêng và công trình nâng đường chống ngập nói chung mới được trọn vẹn, ý nghĩa thực sự. Đừng để người dân chúng tôi phải tiếp tục chờ điều mà đáng lẽ đã phải được giải quyết từ rất lâu.

Sở Xây dựng: Bồi thường và hỗ trợ

Sau khi Tuổi Trẻ phản ánh tình trạng “Bỗng dưng nhà biến thành hầm” (26-10-2014), UBND TP.HCM đã giao các đơn vị xây dựng khung chính sách giải quyết.

Cuối năm 2015, Sở Xây dựng đã có tờ trình về vấn đề này, trong đó nêu rõ: các quy định hiện hành đều có chung quan điểm là tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng đến công trình có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Sở dẫn theo quy định của TP.HCM (năm 2015): đối với các trường hợp hạn chế khả năng sử dụng đất hoặc hạn chế xây dựng do xây dựng đường cao tốc, công trình giao thông ngầm hoặc các hạn chế khác theo quy định của công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được bồi thường hỗ trợ.

Cũng theo tờ trình trên, Sở Xây dựng đã đề xuất chính sách hỗ trợ và bồi thường đối với các trường hợp bị ảnh hưởng. Đối với chính sách hỗ trợ: sẽ cho vay vốn ưu đãi để thực hiện cải tạo, sửa chữa nhà ở phần diện tích bị ảnh hưởng.

Còn chính sách bồi thường đối với nhà thấp hơn đường 1m trở xuống còn khả năng sửa chữa, cải tạo thì mức bồi thường được lập trên cơ sở dự toán của chủ đầu tư lập được UBND quận huyện phê duyệt. Đối với trường hợp nhà thấp hơn đường từ 1m trở lên không còn khả năng sửa chữa, cải tạo thì được bồi thường 100% đơn giá xây dựng mới (1 tầng)…

Tuy nhiên đến nay khung pháp lý này chưa được phê duyệt. Trong khi đó, theo khảo sát gần đây của Sở Xây dựng, có nhiều quận có nhà dân bị ảnh hưởng bởi các dự án làm đường mới.

Nhiều nhất là Q.8 có đến 7.315 hộ dân đã, đang và dự kiến bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng đường, nâng hẻm (chưa tính hơn 500 hộ dân đường Kinh Dương Vương, Q.Bình Tân). Trong đó, 2.136 nhà dân thuộc 15 dự án thấp hơn mặt đường khoảng 0,4m, 4.200 nhà dân thấp hơn mặt đường 1m...

[poll width="400px" height="230px"]225[/poll]

QUANG KHẢI ghi (quangkhai@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên