12/12/2013 08:51 GMT+7

Nâng cao sức đề kháng

TRẦN DU LỊCH(phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM)
TRẦN DU LỊCH(phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM)

TT - Đọc loạt bài của Tuổi Trẻ về thực trạng vì sao chúng ta lại nhập siêu quá nhiều từ Trung Quốc, cá nhân tôi cho rằng nếu chúng ta không hành động quyết liệt, tình hình này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Giật mình với nhập siêu từ Trung Quốc: Nhanh, nhiều, rẻNhập từ miếng vải đến... công nghệNhập khẩu từ Quảng Đông vào VN tăng hơn 61%

Đó là gì? Chúng ta cần phải phát triển cho được các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Vì không có ngành công nghiệp hỗ trợ, đương nhiên chúng ta sẽ không có các doanh nghiệp vệ tinh để sản xuất các loại nguyên phụ liệu, linh kiện, máy móc đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Cho nên, có thể hình dung nền kinh tế sản xuất của chúng ta dù có bộ khung, nhưng xương sống lại rất yếu và lỏng lẻo thì làm sao có năng lực để chống đỡ những đòn tấn công dồn dập của đối thủ quá gần, quá tiện về mọi mặt như Trung Quốc đang làm đối với Việt Nam?

Thứ đến, công tác chống gian lận thương mại qua biên giới còn quá kém, các chính sách bảo hộ hàng rào kỹ thuật của ta lại lỏng lẻo, dễ dãi, việc xử lý hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng từ Trung Quốc tuồn vào cũng đã đẩy tình trạng kiểm soát hàng nhập siêu trở nên khó khăn. Những điều này suy cho cùng đều thuộc phạm vi quản lý của cơ quan các cấp của Nhà nước, chứ doanh nghiệp hay người dân không thể làm gì được.

Hơn nữa, để giảm nhập siêu từ Trung Quốc, chúng ta cũng không thể nói suông khi không có một lộ trình quyết liệt hơn để chuyển đổi mô hình kinh tế từ thuần gia công sang sản xuất. Lộ trình này bắt buộc phải thực hiện, khi hàng loạt hiệp định thương mại đã và đang trên bàn đàm phán như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng đòi hỏi rất lớn về việc chúng ta đã làm chủ được bao nhiêu phần trăm trong việc nội địa hóa nguồn nguyên liệu của chính mình sản xuất. Thế nên, nếu không thực hiện lộ trình này và với thực tiễn không thể chối cãi rằng Trung Quốc đang đi trước và phát triển nhanh hơn chúng ta về trình độ phát triển thì khả năng giảm nhập siêu chỉ là ảo tưởng.

Riêng đối với doanh nghiệp, dù phải chấp nhận thực tế Trung Quốc đang là “đại bản doanh” sản xuất tất cả mọi thứ cho thế giới sử dụng, nhưng cũng cần phải thấy rằng trách nhiệm chính của doanh nghiệp là phải nâng tầm và nâng cao sức cạnh tranh của mình lên trong tất cả mọi mặt. Và phải biết tấn công, thay vì thụ động phòng thủ như bây giờ. Vì đã chấp nhận cuộc chơi hội nhập, mình xuất sang họ nhiều thứ thì họ xuất sang mình thứ gì mình cũng phải chấp nhận. Hãy tìm những sản phẩm tương tự như của Vinamit, kềm Nghĩa, cân Nhơn Hòa, giày Bita’s... đang cạnh tranh và có chỗ đứng rất vững ngay tại thị trường Trung Quốc để khơi dậy tinh thần quật cường vốn có của doanh nhân Việt, để thấy rằng doanh nghiệp Việt Nam vẫn làm được những điều kỳ diệu ở nơi mà không ít lời xì xầm cho rằng “chở củi về rừng”.

Vấn đề cuối cùng nằm ở người tiêu dùng là họ sẽ lựa chọn sản phẩm gì, với mức giá nào phù hợp nhất với túi tiền của họ. Chỉ cần hàng chất lượng, giá cả hợp lý, thích ứng với mục đích và nhu cầu sử dụng thì người tiêu dùng sẽ mua, chứ không còn quan tâm hay phân biệt hàng Trung Quốc hay hàng trong nước.

TRẦN DU LỊCH(phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên