06/11/2018 11:45 GMT+7

Nạn tranh giả và khi ta chỉ quen 'buôn' nghệ thuật

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Thiếu nữ cầm quạt của họa sĩ Nam Sơn bán được 12 tỉ đồng ở Pháp nhưng ở VN, người ta có thể mua tranh của Nam Sơn với giá chỉ... vài triệu đồng?

Nạn tranh giả và khi ta chỉ quen buôn nghệ thuật - Ảnh 1.

Bức tranh Chân dung nhà sư của Nam Sơn (trái) và bức tranh giả được rao bán trên mạng - Ảnh: Ngô Kim Khôi và Facebook nhân vật

Niềm vui với gia đình họa sĩ Nam Sơn vẫn còn lấp lánh khi bức Thiếu nữ cầm quạt của họa sĩ này vừa được đấu giá thành công tại Pháp với mức giá kỷ lục 12 tỉ đồng, thì cháu ngoại của họa sĩ - ông Ngô Kim Khôi - lại vừa hốt hoảng lên tiếng trên trang Facebook cá nhân việc ở trong nước có người đang "hiên ngang" rao bán tranh giả của Nam Sơn.

1. Dòng cảm thán của ông Khôi trên trang Facebook cá nhân: "Tranh giả Nam Sơn hiên ngang rao bán trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng vào cuộc hay không?", nhận được nhiều chia sẻ, bình luận của giới mỹ thuật.

Dù nhận được nhiều lời khuyên can từ bạn bè trong nước rằng việc đấu tranh với các trường hợp tranh giả tranh nhái này chỉ mệt mỏi và vô vọng, ông Ngô Kim Khôi vẫn kiên quyết rằng hành động này cần lên án.

Ông cho biết ở Pháp, vi phạm quyền sở hữu bị từ 2 đến 3 năm tù và phải nộp phạt từ 150.000 đến 300.000 Euros tùy theo mức độ nặng nhẹ.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Ngô Kim Khôi từ Paris cho biết vài ngày trước, một người bạn trong nước đã gửi cho ông đường link dẫn vào trang Facebook có tên Đồ Gỗ Gia Bảo, rao bán 5 bức tranh cho "bác nào đam mê nghệ thuật", trong đó có bức tranh giả của họa sĩ Nam Sơn, giả cả chữ ký.

Đó là bức giả bức Chân dung nhà sư, được họa sĩ Nam Sơn vẽ bằng chất liệu chì sơn và chì than vào năm 1939, kích thước 64 x 50cm. Bức tranh gốc trước đây thuộc bộ sưu tập của ông Nguyễn Văn Lâm (Lâm cà phê), hiện nay thuộc sở hữu của một nhà sưu tập tư nhân tại TP.HCM.

Nạn tranh giả và khi ta chỉ quen buôn nghệ thuật - Ảnh 2.

Bức tranh Thiếu nữ cầm quạt của Nam Sơn

2. Liên hệ với số điện thoại trên trang Facebook rao bán tranh giả của Nam Sơn, PV Tuổi Trẻ nhận được câu trả lời từ một người đàn ông trẻ.

Anh giới thiệu tên T., 32 tuổi, người ở Hà Tây cũ, vào TP.HCM lập nghiệp bằng nghề buôn bán đồ gỗ, gần đây "tập tành chơi thêm món đồ gốm sứ cổ và tranh".

Hỏi về bức tranh giả của Nam Sơn thì anh này cho biết anh mua bức tranh gần 1 năm trước ở Gò Vấp (TP.HCM). Hỏi về chất liệu và kích thước của tranh thì anh nói "hình như là sơn trên... vải", và nói đợi anh lấy thước đo mới biết kích thước.

Con số mà anh cung cấp đúng bằng kích thước bức tranh của Nam Sơn. Hỏi anh về giá của bức tranh, anh đưa ra con số 8 triệu đồng kèm giải thích là bức tranh này rất quý vì là "tranh cũ", được vẽ từ năm 1979 (anh nhầm với con số 1939 được người chép tranh bắt chước Nam Sơn đề dưới chữ ký).

Hỏi tác giả của bức tranh, anh nói "hình như chữ kỹ ấy là... Nam Lớn thì phải".

Chỉ vài câu trao đổi, đủ hiểu người rao bán bức tranh giả hoàn toàn "mù" về hội họa, đương nhiên không biết Nam Sơn là ai, càng không biết mình đang tiêu thụ hàng giả. Bi kịch là ở chỗ đó.

Rằng, ai cũng có thể "buôn"... nghệ thuật và có quá nhiều người buôn tranh, từ một anh buôn đồ gỗ như anh T. này cho tới hàng loạt chủ phòng tranh khắp đất nước. Nhiều người ngán ngẩm than rằng chúng ta chỉ mới đang có các "con buôn" tranh chứ không có một thị trường tranh chuyên nghiệp.

3. Về câu chuyện này, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho biết lâu nay các gallery được thả nổi hoàn toàn, giống như mọi cửa hàng kinh doanh thông thường.

Chủ các gallery không có bằng cấp gì về quản trị kinh doanh nghệ thuật (manage of art), không hề vì mục đích nghệ thuật chung, chỉ thuần vì lợi nhuận. Các chủ gallery mà còn vậy, nói gì đến các nhà buôn tranh "vặt" như anh T..

Ông Thượng cho rằng đáng lẽ từ lâu giới mỹ thuật cần đưa các gallery vào hoạt động mỹ thuật chung (chứ không phải chỉ là hoạt động mua bán đơn thuần) và phải kết nạp các chủ gallery vào hội mỹ thuật để giúp đỡ, tư vấn về kiến thức nghệ thuật và các quy chế nghệ thuật cho họ.

Theo ông, khi chúng ta xây dựng được một nền nghệ thuật chuyên nghiệp có chiều sâu, ở đó thương mại nghệ thuật phải là một ngành đặc biệt, một ngành sạch thì tự nó sẽ có khả năng triệt tiêu được việc vi phạm bản quyền nghệ thuật. Còn như hiện nay thì những người yêu tranh sẽ chỉ còn biết xả bức xúc trên... Facebook, cùng lắm là trên báo.

Tranh Việt muốn về nước cũng khó, muốn hiến tặng bị từ chối Tranh Việt muốn về nước cũng khó, muốn hiến tặng bị từ chối

TTO - Thêm 9 bức tranh quý trong bộ sưu tập của gia đình họa sĩ Lê Thị Lựu đã được đưa từ Pháp về Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vào ngày 30-10, khiến giới hội họa trong nước và công chúng đang nhen nhóm hi vọng vào xu hướng tranh quý hồi hương.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên