Một hoạt động của trại hè kỹ năng sống |
Hàng loạt câu hỏi về kỹ năng đối phó với tình huống nguy cấp, khi bị khống chế, kỹ năng kêu cứu, kỹ năng nhận diện hiểm nguy được nhiều bạn đọc đặt ra. Học kỹ năng phòng vệ lúc nguy cấp là rất cần thiết, đặc biệt là các em nhỏ.
Học kỹ năng nhận diện hiểm nguy và phòng vệ
Trao đổi với TTO, phó giáo sư (PGS) Trần Thu Hương, phó chủ nhiệm Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXHNV, Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng: “Thực tế, nhiều người vẫn chưa được trang bị về kỹ năng nhận diện hiểm nguy. Cần phải làm đại trà, phổ cập rộng chuyện này. Nếu đưa được những chương trình kỹ năng sống lên các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình thì rất tốt”.
Hiện tại có nhiều lớp dạy về kỹ năng tự vệ khi bị cướp, kỹ năng hóa giải khi bị siết cổ,... tại các trung tâm văn hóa, võ thuật - Ảnh: Các võ sinh nữ lớp võ Karate-do Shorin Ryu Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM tập đòn tự vệ - Ảnh: M.C |
“Các bạn có thể dùng phương pháp tưởng tượng, tự đặt câu hỏi nếu rơi vào những tình huống nguy hiểm như gặp cướp trên đường hay đang ngủ mà phát hiện trộm vào nhà, việc mình có thể và cần làm là gì (như chốt chặt cửa, tìm sự trợ giúp từ bên ngoài một cách kín đáo, bí mật…)”, ThS Đào Lê Hòa An nói.
Ngoài ra, ông An còn cho rằng việc trang bị những kỹ năng sống như các thế võ tự vệ, cách thoát hiểm khi gặp cướp, khi nhà cháy, khi gặp tai nạn trên đường… là rất cần thiết.
“Từ việc tưởng tượng cộng với những kỹ năng học được, các bạn có thể tập thành những thói quen, sự phản ứng nhanh khi rơi vào tình huống nguy hiểm. Như vậy, sẽ giảm được phần nào sự bất ngờ và chúng ta cũng có cơ hội giành được thế chủ động trong tình huống nguy cấp”, ông An nói thêm.
Ngoài kiến thức, cần phải học những kỹ năng sống để tự bảo vệ mình |
ThS Đào Lê Hòa An kể có lần mình đã hỏi các bạn trẻ có ai lưu số điện thoại khẩn của công an phường nơi mình sinh sống hay không, đa phần đều trả lời là không và hỏi tại sao phải lưu.
“Tôi cho rằng việc lưu những số điện thoại khẩn là vô cùng cần thiết. Không chỉ lưu, bạn còn có thể cài phím tắt cho các số điện thoại này để khi cần có thể bấm gọi trong thời gian nhanh nhất, bởi lúc nguy cấp ai cũng biết là không có nhiều thời gian để chúng ta chần chừ, tìm kiếm hay lục lại trí nhớ của mình”, ông An chia sẻ kinh nghiệm.
Ngoài ra, theo ông An, việc sử dụng chức năng soạn sẵn tin nhắn cũng là một cách phòng vệ cho bản thân. “Chúng ta có thể soạn những tin nhắn với nội dung như tôi tên là, tôi ở tại, hiện tại tôi đang gặp nguy hiểm, tôi cần sự giúp đỡ vì…. Trong lúc nguy cấp, chỉ cần một đến hai thao tác trong thời gian vài giây là những tin nhắn này đã có thể được gửi đi”, ông An nói.
Đừng quên điện thoại khẩn, bấm trực tiếp: 113, 114, 115
Trong tình huống cần trợ giúp, dùng điện thoại di động hoặc điện thoại cố định bấm trực tiếp các số điện thoại 113, 114, 115 (không cần bấm mã vùng) để yêu cầu công an giúp đỡ, cứu hộ và cứu nạn.
113 là số điện thoại gọi đến lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh trong các tình huống nguy hiểm như: tội phạm đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, phát hiện một người bị nghi là tội phạm hoặc có dấu hiệu phạm tội…
114 là số điện thoại khẩn chữa cháy, đuối nước, sập nhà, kẹt thang máy, điện giật…
115 là số điện thoại khẩn khi cần gặp hoặc phát hiện vấn đề về chấn thương, bệnh tật, tai nạn lao động, tai nạn giao thông…
Khi gọi đến các số điện thoại khẩn này, hệ thống tổng đài sẽ tự động chuyển cuộc gọi đến địa phương gần nhất để tiếp nhấn xử lý.
Cố gắng bình tĩnh cung cấp những thông tin một cách rõ ràng, rành mạch. Thông tin rõ ràng sẽ giúp cho việc cứu hộ, cứu nạn diễn ra nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Cuối tháng 5 vừa qua, TP.HCM đã triển khai hệ thống kết nối liên thông tổng đài khẩn cấp 113 - 114 - 115. Sự kết nối liên thông này đã cho phép người dân gọi đến một trong ba tổng đài, mọi tin báo khẩn cấp hoặc yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp sẽ được chuyển đến tổng đài tiếp nhận phù hợp.
Ví dụ, người dân có thể yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp của cảnh sát qua tổng đài 114 hay 115, thay vì phải nhớ và gọi đúng vào tổng đài 113 như trước đây.
Chia tay cũng cần kỹ năng
Một buổi học của người hồi gia tái hòa nhập cộng đồng |
Tiến sĩ (TS) tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (ĐH Sư phạm TP.HCM) tư vấn rằng những người yêu nhau, khi chia tay nhau không nên quá đột ngột, không xúc phạm nhau, không phủ nhận sạch trơn quá khứ, không phũ phàng và đừng bao giờ khiêu khích cơn ghen tức.
TS Khắc Hiếu cho rằng dưới góc độ xã hội, việc ra tay trả thù vì hận tình còn là biểu hiện của lỗ hổng giáo dục những kỹ năng ứng xử trong cuộc sống, kỹ năng đối phó với những cú sốc trong cuộc đời.
“Có môn nào dạy chúng ta khi thất tình thì phải làm gì để giải tỏa? Có bao nhiêu thầy cô còn thời gian để dạy học sinh biết cách yêu và biết cả cách chia tay? Bao nhiêu cha mẹ dạy con cái cách kiềm chế cảm xúc để làm chủ bản thân mình? Xã hội có làm gương cho giới trẻ biết cách tránh xa lòng tham, cám dỗ?”, TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đặt câu hỏi.
Nghe các phát biểu trong bài
>> Phó giáo sư Trần Thu Hương
>> Thạc sĩ Đào Lê Hòa An
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận