Vượt qua cú sốc tâm lý cần sự chung tay hỗ trợ từ cộng đồng, xã hội (ảnh chụp tại chương trình Kỹ năng sống được tổ chức tại báo Tuổi Trẻ TP.HCM vào tháng 9-2013) - Ảnh: Thuận Thắng |
Tháng 12-2013, nạn nhân N.-một nhân viên ngân hàng tại TP.HCM - đã bị sát hại bởi một kẻ cuồng yêu dù cả hai không có mối quan hệ tình cảm. Đầu tháng 2-2014, một thiếu nữ 14 tuổi tại tỉnh Hậu Giang bị người yêu đâm chết vì ghen tuông.
Và chỉ mới cuối tuần trước, sau một tháng cầm cự, một nam sinh viên tại TP.HCM đã qua đời vì bảo vệ bạn gái cùng lớp trước kẻ cuồng yêu...
* Là người thường xuyên trò chuyện, tham vấn với giới trẻ, anh nghĩ gì về chuyện cuồng tình ở một bộ phận người trẻ hiện nay?
- Tình trạng cuồng yêu hiện đang khá phổ biến. Tuy nhiên rất nhiều người chưa nhận thức rõ sự nghiêm trọng của vấn đề và cho rằng cuồng yêu là một trong những biểu hiện hiển nhiên trong tình yêu. Chính vì việc xem nhẹ này đã đẩy hầu hết nạn nhân rơi vào trạng thái chông chênh, không có điểm tựa vì không tìm được giải pháp phù hợp do thiếu vốn sống, không nhận được sự hỗ trợ từ người thân lẫn cơ quan chức năng.
Cuồng yêu thực chất là biểu hiện của chứng rối loạn nhân cách, là một căn bệnh cần sự can thiệp của cả chuyên viên tâm lý, bác sĩ tâm thần lẫn gia đình và cơ quan chức năng.
* Được biết anh là người tham gia tham vấn gần như toàn bộ hai trong ba câu chuyện thương tâm kể trên. Nhìn lại, điều khiến anh suy nghĩ nhiều nhất là gì?
- Với trường hợp bạn gái được nam sinh viên bảo vệ trước sự tấn công của kẻ cuồng yêu, tôi cảm thấy hết sức băn khoăn. Thực chất, bạn gái này đã chịu đựng tình trạng bị can thiệp thô bạo vào cuộc sống cá nhân suốt hơn một năm (tài khoản Facebook bị hack, bạn nam hay nữ đi chơi cùng bạn này đều bị kẻ cuồng yêu trên tấn công...). Bạn đã báo với cơ quan chức năng địa phương nhưng hầu như không nhận được sự hỗ trợ. Đến khi sự việc đáng tiếc xảy ra thì chính cơ quan đó xoay ra trách móc bạn... vì sao không báo sớm! Khi mở sổ ghi chép họ mới nhận thấy bạn đã tới trình báo cách đó... sáu tháng. Trong trường hợp này, rõ ràng bạn gái nói trên đã nỗ lực tìm giải pháp nhưng tiếng nói chưa được lắng nghe. Hiện một người đã mất, một người lâm vào cảnh tù tội, còn bạn gái rơi vào trạng thái stress sau sang chấn...
Còn trường hợp nữ nhân viên ngân hàng, theo tôi được chia sẻ, người nhà của nạn nhân này bị sốc khi một số báo mạng đã đăng thông tin sai lệch. Họ viết rằng cả hai có quan hệ tình cảm với nhau, tuy nhiên sự thật là tình yêu chỉ đến từ phía kẻ cuồng tình. Người nhà nạn nhân sau đó không giấu được bức xúc đã viết một status dài trên Facebook để thanh minh cho nạn nhân, mọi người theo đó quay sang nghi ngại với báo chí. Đôi khi truyền thông đăng thông tin thiếu kiểm chứng cũng chính là nguyên nhân khiến người trẻ co rúm lại, tạo thêm rào cản giữa họ với việc chia sẻ hoàn cảnh khó khăn đang mắc phải.
Nếu người lớn nhận biết đúng tầm quan trọng của vấn đề, mở nhiều cánh cửa để người trẻ có thể tìm tới san sẻ thì có lẽ những câu chuyện trên đã không kết thúc bi thảm như vậy.
Phóng to |
Nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An - Ảnh: nhân vật cung cấp |
* Một số giải pháp tức thời mà nạn nhân của nạn cuồng yêu có thể áp dụng?
- Trước tiên, các bạn nên hạn chế những hành động đáp trả một cách mạnh mẽ mà phải tập mềm mỏng, bình tĩnh để không làm đối tượng nổi giận, khiến họ mất kiểm soát, dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Hầu hết kẻ cuồng yêu thường không kiểm soát được lý trí.
Giữ khoảng cách đừng quá gần nhưng cũng đừng quá xa với đối tượng. Trong khoảng thời gian này có thể nhờ sự hỗ trợ từ bạn bè, người thân hoặc cơ quan chức năng tùy cấp độ.
Tìm cách báo cho gia đình đối tượng để họ có thể tác động phần nào. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng quan trọng nhất là sự can thiệp của cả gia đình, chuyên viên tâm lý, tâm thần lẫn cơ quan chức năng.
Làm sao nhận diện kẻ cuồng yêu? Theo “Sổ tay thống kê và chẩn đoán các rối loạn tâm thần” của Hội Tâm thần học Hoa Kỳ (DSM-IV), cuồng yêu có thể được xếp vào nhóm rối loạn nhân cách (personality disorders). Rối loạn nhân cách là một loại bệnh tâm thần mà nhận thức, cảm xúc, hành vi và vấn đề kiểm soát các cơn xung động của người bệnh khác với người bình thường, đi lệch so với phông văn hóa mà họ đang sinh sống. Về nhận thức: người cuồng yêu nghi ngờ sự chung thủy của người mình yêu không có cơ sở (hoang tưởng) dẫn đến cảm xúc ghen tuông, giận dữ, căm thù người yêu và “tình địch”, không kiểm soát được cảm xúc. Người bệnh xem mình là trung tâm của sự chú ý, thu hút sự chú ý của mọi người; không ăn năn hối lỗi với những hậu quả mà mình đã gây ra. Về hành vi: người cuồng yêu dễ bị kích động, gây hấn, lừa dối người khác; sẵn sàng vi phạm pháp luật (giết người yêu khi bị từ chối/chia tay và cả những người bị tình nghi là “tình địch”) để chiếm được người yêu; kiểm soát người yêu một cách quá mức thông qua điện thoại, tin nhắn và các mối quan hệ của đối phương trong đời thực; phụ thuộc vào người yêu một cách quá mức... NGÔ MINH DUY (thạc sĩ, chuyên gia tham vấn và trị liệu tâm lý) |
Cần chuẩn bị những gì khi đến gặp cơ quan chức năng? Nạn nhân cần lưu giữ tất cả bằng chứng có được từ kẻ cuồng yêu như tin nhắn đe dọa, số lượt điện thoại... nếu có thêm nhân chứng sẽ càng thuyết phục. Khi đi trình báo tại cơ quan chức năng, công an thì nên đi cùng người lớn (phụ huynh, đại diện nhà trường, giáo viên...) và phải bình tĩnh khi khai báo, viết đơn tố cáo. Cung cấp đầy đủ thông tin, tránh trường hợp chủ quan cho rằng chi tiết nào đó không cần thiết nên không khai (ví dụ: trường hợp kẻ cuồng yêu dùng sim rác quấy rối mình). Tất cả thông tin đều quan trọng và là cơ sở để cơ quan chức năng phân tích, tìm hướng xử lý người vi phạm. Với trường hợp đã có đơn báo nhà trường hoặc ban quản lý tổ dân phố, đoàn thể tại nơi sinh sống... nên cung cấp thông tin này khi trình báo. Sau khi nộp đơn thì nên xin số liên lạc của người lưu trữ hồ sơ, đường dây nóng của công an khu vực. Hiện một số cơ quan công an đã rất chú trọng và xử lý rất tốt vấn đề cuồng yêu này. Thiếu tá, thạc sĩ tâm lý NGUYỄN THỊ THANH VÂN (giảng viên ĐH An ninh nhân dân) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận