Không nhiều phim Việt Nam khai thác câu chuyện xung quanh nhân vật là... một chú chó, vậy nên năm 2017 có thể xem là năm đầu tiên những chú chó được “tung tăng” trên màn ảnh rộng.

Những chú chó xuất hiện trong phim Việt đã có từ thời Cánh đồng hoang của đạo diễn Hồng Sến. Nhưng xuất hiện như một vai chính không thể thiếu, xuyên suốt hành trình, diễn biến tâm lý của các... diễn viên người đóng, thậm chí biết... nói thì phải kể đến hai bộ phim Chờ em đến ngày mai của  đạo diễn Đinh Tuấn Vũ và Kẻ trộm chó của đạo diễn Ngụy Minh Khang.

Năm Tuất nói chuyện chó: Khi chó đóng phim - Ảnh 1.

So với những loài động vật khác, chó có vẻ là động vật dễ chịu, dễ bảo và cũng tình cảm nhất với con người, nên khi nhớ lại “nhân vật” Mít Tròn (ngoài đời tên thật là Tony) trong Chờ em đến ngày mai, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ không khỏi bật cười: “Thanh niên đấy cũng hài phết đấy. 

Thực ra Tony là chó của một người quen, không phải là chó trong rạp xiếc. Cho nên khi mượn chú chó này đóng phim, đoàn phim của tôi phải mời luôn cả chủ của Tony đi theo. Có những cảnh quay chú chó chạy trên đường với vẻ mặt rất phấn khởi, thì thực ra một đầu là chú chủ, còn đầu kia là... vợ chú đã đứng sẵn, để nó hăm hở chạy đến theo góc máy quay”.

Năm Tuất nói chuyện chó: Khi chó đóng phim - Ảnh 2.

Có những khi quay liên tục từ sáng đến tối, thậm chí đến khuya, đoàn phim mệt một thì chú mệt... mười vì cũng phải lao động vất vả. Chuyện đạo diễn phải sửa kịch bản trên phim trường có chó đóng, sửa đi sửa lại là... bình thường thôi.

Ngụy Minh Khang nhớ lại bộ phim Kẻ trộm chó có một cảnh quay ở lò mổ chó lấy thịt. “Theo kịch bản tôi sẽ vào để giải cứu một bầy gồm chó mẹ và mấy chó con chuẩn bị bị người ta làm thịt cả đàn. 

Thực tế bầy con này đúng là của chó mẹ trong chuồng, và nó mới sinh nên rất dữ để bảo vệ đàn con. Vừa mới thò tay vào lồng để đưa một chó con ra ngoài, lập tức chó mẹ táp vào tay. 

May mắn là không sao, nhưng đoàn cảm thấy không ổn rồi (cười) nên phải sửa lại ngay trong kịch bản, thay vì tôi lấy từng con chó con ra thì chỉ nói khẽ qua lồng: Tao đến để cứu mẹ con mày đây!”.

Chú chó Hột Gà trong phim Kẻ trộm chó cũng có xuất thân rất đặc biệt, vì không phải là chó mượn hay thuê của ai, đây chính là chó của đạo diễn Ngụy Minh Khang đã nuôi trong gần hai năm, trước khi bộ phim Kẻ trộm chó bấm máy. 

Thế nên những cảnh quay đầy tình cảm khi con chó đi theo nhân vật Ghẻ (Ngụy Minh Khang đóng) trên cánh đồng, chạy theo kéo áo, liếm mặt và rất nghe lời Khang đều hoàn toàn là thật. 

Kẻ trộm chó cũng là bộ phim đầu tay được Ngụy Minh Khang thai nghén đến sáu năm, từ sau khi con chó ngoài đời tên Phèn bị bắt đi mất ngay trước mắt anh ngày còn nhỏ. 

Năm Tuất nói chuyện chó: Khi chó đóng phim - Ảnh 3.

“Gia đình tôi có hoàn cảnh khá đặc biệt, nên từ bé tôi lớn lên với bà ngoại và con chó Phèn. Ngoại già nên hầu như bầu bạn duy nhất là nó. Hình ảnh nó bị bắt, kéo lê trên đường, tiếng kêu thống thiết của nó... ám ảnh tôi trong giấc ngủ suốt nhiều năm liền. Đến nỗi khi tôi thi vào khoa Đạo diễn và sau đó học tiếp khoa Diễn viên ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, mong muốn duy nhất của tôi chỉ là có đủ kiến thức để làm một bộ phim với nhân vật là một chú chó” - Ngụy Minh Khang kể. 

Và như thế, những chú chó đã bước vào những thước phim của các đạo diễn trẻ một cách tự nhiên, lao động nghiêm túc, và lấy đi nụ cười, nước mắt của rất nhiều khán giả khi xem phim. Kẻ trộm chó không phải là bộ phim đạt được thành công về mặt doanh thu nhưng ghi điểm bởi sự mạnh dạn của đạo diễn khi chọn một đề tài lạ (nạn trộm chó) và nhiều phân đoạn đầy đặn về mặt cảm xúc.

Năm Tuất nói chuyện chó: Khi chó đóng phim - Ảnh 4.

Nói về cách thức để làm việc hiệu quả với những diễn viên bốn chân, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ dành lời khen chân thật cho những chú chó.

“Những bộ phim có chó đóng ở nước ngoài mọi người xem thích cũng một phần vì hệ thống casting của họ rất tốt. Một bộ phim có thể có nhiều chú chó cùng tham gia, thay thế lẫn nhau. 

Nhưng ở Việt Nam rất khó. 

Tony trong phim Chờ em đến ngày mai phải một mình “đảm đương” tất cả những phân cảnh của chú trong phim. Một lần quay khuya, ai cũng mệt mỏi, mọi người tìm xung quanh thì chẳng thấy Tony đâu. Đang hoảng hết cả lên, bỗng nghe một tiếng ngáy đều đều trong góc. Hóa ra là chú ta mệt quá, ngủ quên và ngáy to như người” - Vũ nhớ lại.

Trong một cảnh quay khó, Tony phải... ngồi trên bồn cầu để đi đại tiện. Bình thường bảo chó ngồi im được một chỗ đã khó, đằng này trước khi thực hiện cảnh quay ấy, do đoàn phim đông người, Tony bị giẫm vào chân đau điếng nên đâm ra sợ và không muốn làm gì nữa.

“Chủ của Tony phải vào động viên, và cả bản thân nó, tôi cũng cảm thấy nó hiểu và rất cố gắng. Chân đau như thế mà vẫn cố leo lên được bồn cầu ngồi đó quay cho xong. Cũng có khi mải chơi bị mắng là nó cúp đuôi, mắt ướt ướt nhìn... ra vẻ dỗi, vừa buồn cười vừa rất thương” - đạo diễn kể.

Thế nên, dù chó không phải là một diễn viên bảo đi là đi, dừng là dừng, mà rất bản năng và hiếu động, nhưng làm việc với chó dù mệt mấy cũng dễ... phát sinh tình cảm với giống loài rất hiểu chuyện và gần gũi với con người này.

Năm Tuất nói chuyện chó: Khi chó đóng phim - Ảnh 5.
Năm Tuất nói chuyện chó: Khi chó đóng phim - Ảnh 6.

Đóng phim với động vật nói chung và chú chó nói riêng rất cực, tốn thời gian và tiền bạc nên không có nhiều đạo diễn lĩnh vực truyền hình mặn mà với thể loại này.

Với đoàn phim Sơn ca không hát, dù đã bốn năm trôi qua nhưng những kỷ niệm với diễn viên chó đáng yêu trong phim cho đến giờ vẫn chưa phai mờ.

Trong phim, chú chó là bạn thân của nhân vật nữ chính Linh Nhi  (do ca sĩ Xuân Nghi đóng) và là một nhân vật có số phận hẳn hòi chứ không phải chỉ để minh họa. 

Ban đầu, bộ phận thiết kế có nuôi một chú chó con, rồi cho đi học để chuẩn bị đóng phim. Thế nhưng đến gần ngày quay, cún ta lăn ra bệnh. Thế là đoàn phim lại phải tất bật tìm một chú chó khác để thay thế.

Sơn ca không hát là bộ phim thiếu nhi mang tính phiêu lưu, bối cảnh chính là Phan Thiết, di chuyển xa nhiều. Oái oăm thay, chú chó này lại bị... say xe.  Mỗi lần lên xe rồi xuống xe cún ta nằm bẹp gí, mệt mỏi, lừ đừ. Đến lúc cần ghi hình mọi người kéo chú ra thì chú gầm gừ, tỏ ra hung hãn... Thất bại lần hai.

Không còn nhiều thời gian, thế là đoàn phim lại nháo nhào chia nhau đi gõ cửa các nhà dân xung quanh để tìm chú chó khác. May mắn có người phát hiện gần chỗ đoàn phim có gia đình nuôi một chó con phù hợp với phim. Thế là đoàn phim tiếp tục đến tiết mục năn nỉ chủ nhà để họ đồng ý bán chó.

Năm Tuất nói chuyện chó: Khi chó đóng phim - Ảnh 7.

“Thuyết phục được chủ nhà đồng ý thì lại gặp phản ứng của cô chủ nhỏ. Khi về nhà không thấy chó cưng của mình, cô bé khóc lóc quá chừng đến nỗi người nhà phải chở cô bé đến đoàn phim... đòi lại. Thế là chúng tôi tiếp tục năn nỉ để cô bé đồng ý. Sau đó chúng tôi phải nhờ cô bé khi nào rảnh đến đoàn phim để giúp điều khiển cún. Cô bé vui vẻ đồng ý” - đạo diễn Minh Cao thở phào nhẹ nhõm.

May mắn chú chó này biết diễn nên mỗi cảnh quay rất nhanh. Đoàn làm phim cử hẳn chị Thảo lo về phục trang cho Tobi. Ai cũng cưng Tobi, đi ăn món gì ngon cũng nhớ để dành cho Tobi một miếng. Tobi quyến luyến đoàn phim không rời.

Năm Tuất nói chuyện chó: Khi chó đóng phim - Ảnh 8.

Diễn viên Lê Khâm và Tobi trong phim "Sơn ca không hát"

Được chăm sóc kỹ, Tobi lớn nhanh như thổi. Chỉ hai tháng thôi mà chú lên cả ký. Theo lịch quay thì quay cảnh gần cuối trước rồi mới quay cảnh đầu. Tìm không ra chó khác gần giống để thay thế nên đoàn phim tiếp tục để Tobi đóng. 

Lúc Tobi được giải thoát khỏi tay bọn bắt cóc quay đầu tiên nên nàng còn nhỏ, nhốt vào lồng chim. Hai tháng sau đó, quay cảnh bắt cóc Tobi thì nàng ta tròn lẳn, nhét vào lồng chim chật cứng.

“Tôi còn nhớ cảnh diễn viên Lê Khâm cầm lồng chim nhốt Tobi chạy nhanh. Ham diễn quá, Lê Khâm không phát hiện cái đáy lồng chim và Tobi rớt xuống đất hồi nào vì quá nặng... Mọi người trong đoàn cười rần rần vì cảnh diễn có một không hai này. Khán giả nào tinh ý xem phim phát hiện chó trong phim càng về sau càng... thu nhỏ lại” - phó đạo diễn Hoàng Lê Phước kể.

Sau khi kết thúc phim, chị Thảo xin đoàn đem Tobi về nuôi. Giờ đây, Tobi sống vui vẻ với chị Thảo ở Tiền Giang. Chị Thảo thông tin: “Tobi giờ là một thành viên không thể thiếu trong gia đình tôi".


MINH TRANG - HOÀNG LÊ
VŨ HOÀNG
BẢO SUZU
14/02/2018
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0