Phóng to |
Lĩnh vực tài chính hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ tháng 12-2007 với việc các ngân hàng, các công ty chứng khoán và bảo hiểm thông báo chịu lỗ 214,3 tỉ USD. Riêng Tập đoàn bảo hiểm AIG lỗ 99,3 tỉ USD, rơi từ vị trí 13 trong danh sách xuống vị trí 245.
Nhưng nền kinh tế thế giới xuống dốc thảm hại lại chứng kiến sự “ăn nên làm ra” của ngành năng lượng, khi giá dầu tăng cao kỷ lục ở mức 147 USD/thùng. Trong đánh giá của Fortune đối với 500 công ty hàng đầu của Mỹ năm 2009 dựa trên doanh thu năm 2008, các công ty năng lượng chiếm ba trong bốn vị trí hàng đầu.
Tập đoàn năng lượng Exxon Mobil, với doanh thu năm 2008 đạt 442,85 tỉ USD, tăng gần 19% so với năm 2007, đã vượt tập đoàn bán lẻ Wal Mart, chiếm vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng. Có trụ sở tại bang Texas, với 80.000 nhân viên toàn cầu, Exxon Mobil sản xuất 3% sản lượng dầu thế giới, là công ty có lợi nhuận cao nhất trong năm 2008, đạt 45,2 tỉ USD. Tập đoàn năng lượng Chevron xếp vị trí thứ ba và ConocoPhillips ở vị trí thứ tư trong danh sách.
Bị đẩy khỏi danh sách Fortune 500 là những tên tuổi lớn ở Wall Street như Ngân hàng Lehman Brothers và Washington Mutual. Hãng bia Anheuser-Busch và hãng sản xuất kẹo cao su Wrigley cũng biến mất khỏi danh sách do bị mua lại. Các công ty kinh doanh thức ăn nhanh cũng có lợi nhuận tăng 43%, còn các hãng hàng không chịu lỗ nặng.
Theo tỉ lệ, nếu năm 2006, 500 công ty này có lợi nhuận 1 USD thì họ chỉ kiếm được 13 cent vào năm 2008 (1 USD=100 cent). Nền kinh tế đã “rơi tự do theo phương thẳng đứng” khiến các công ty không có thời gian để điều chỉnh hoạt động của mình, Fortune nhận định.
* Theo New York Times, 19 ngân hàng hàng đầu nước Mỹ sẽ trải qua một đợt đánh giá về khả năng tài chính và vốn trong thời gian từ 24-4 đến 4-5. Đợt kiểm tra nhằm xác nhận nhiều định chế tài chính, bao gồm cả Ngân hàng Mỹ, cần thêm hàng tỉ USD để chống chọi với khủng hoảng kinh tế. Trong khi đó, ban cố vấn kinh tế của Tổng thống Barack Obama khẳng định có thể vực dậy các ngân hàng hàng đầu của Mỹ mà không cần xin thêm tiền từ quốc hội, đơn giản bằng cách chuyển các khoản cho vay thành cổ phần. Theo đó, chính phủ không cần chi thêm tiền cứu trợ nhưng vẫn giúp các ngân hàng tăng vốn đến 100 tỉ USD. “Nếu họ cần vốn, chúng tôi có khả năng đó” - chánh văn phòng Nhà Trắng Rahm Emanuel trấn an.
Một số nhà bình luận đánh giá phương án này là “cánh cửa sau” của quá trình quốc hữu hóa, vì thông qua cách này, chính phủ có thể trở thành cổ đông lớn nhất ở một số ngân hàng. Theo The Times, Bộ Tài chính Mỹ đã thương lượng việc này với Citigroup và tuyên bố sẽ đặt vấn đề tương tự với các ngân hàng khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận