05/02/2005 11:38 GMT+7

Nam Sài Gòn 50 năm sau: Giấc mơ hoa

TẠ THỊ NGỌC THẢO
TẠ THỊ NGỌC THẢO

TT - Chỉ cách trung tâm TP.HCM khoảng 4km đi về hướng Nam Sài Gòn là quốc khách và quí khách đã đặt chân đến một trung tâm của trung tâm, trong đó gồm có: trung tâm thương mại, trung tâm tài chính, trung tâm vui chơi và giải trí với nhiều công viên đẹp, quảng trường rộng, công trình văn hóa tuyệt vời nhất khu vực Đông Nam Á.

5XqrzlI1.jpgPhóng to
Đại lộ Nguyễn Văn Linh
TT - Chỉ cách trung tâm TP.HCM khoảng 4km đi về hướng Nam Sài Gòn là quốc khách và quí khách đã đặt chân đến một trung tâm của trung tâm, trong đó gồm có: trung tâm thương mại, trung tâm tài chính, trung tâm vui chơi và giải trí với nhiều công viên đẹp, quảng trường rộng, công trình văn hóa tuyệt vời nhất khu vực Đông Nam Á.

Biểu tượng đặc trưng của khu trung tâm này là chín tháp – Cửu Trùng tháp; tháp thấp nhất được xây dựng 90 tầng (tháp đôi Petronas thuộc thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia gồm 88 tầng, cao 452m). Mỗi tháp có chiều cao áp đảo trên 510m (tòa nhà cao nhất thế giới là trung tâm tài chính ở Đài Bắc, Đài Loan cao 508m).

Toàn bộ chương trình tầm cỡ quốc tế này nằm gọn trong khu đất rộng 330ha, chiếm một vị trí đẹp nhất TP.HCM; có dòng sông Sài Gòn bao bọc, đoạn hẹp nhất của dòng sông này rộng 0,5km! “Quĩ đất quí hiếm này ở đâu ra?”. Xin thưa, đó là toàn bộ quĩ đất của khu chế xuất (KCX) Tân Thuận được xây dựng vào cuối thế kỷ 20, mà người thiết kế chương trình đã chủ tâm để dành tặng lại cho nhiều thế hệ sau thụ hưởng.

KCX Tân Thuận nằm gọn trên bán đảo Tân Thuận Đông – thuộc phường Tân Thuận Đông, quận 7 – là một vùng đất đầm lầy, ngập mặn, không cây gì và con gì sống nổi, kể cả con người. Người dân huyện Nhà Bè cũ vào thời điểm đó đói khổ quanh năm suốt tháng. Từ năm 1989, đề án “Chương trình khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận” được đưa vào nghiên cứu, chủ nhiệm đề án này là ông Phan Chánh Dưỡng – nay là phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Xây dựng và kinh doanh KCX Tân Thuận.

Tháng 9-1991, Công ty liên doanh Xây dựng và kinh doanh KCX Tân Thuận đi vào hoạt động, trong đó IPC – nay là Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận – góp 30% vốn pháp định bằng quĩ sử dụng đất và phía nước ngoài là Tập đoàn Central Trading & Development Corporation (CT & D) và Pan Viet Corporation góp 70%. Hiện nay, KCX Tân Thuận tạo ra hàng vài chục ngàn công ăn việc làm cho nhiều đối tượng; đặc biệt luôn ưu tiên cho người dân địa phương. Từ một vùng đất nghèo khổ nhất TP.HCM, nay đã trở thành nơi thu hút đầu tư mạnh nhất nước và KCX Tân Thuận được công nhận là một trong những KCX thành công nhất Đông Nam Á.

2Mf10kRB.jpgPhóng to
Một góc công viên
Hiệu quả chính trị – kinh tế – xã hội do dự án này đem đến không những góp phần nâng cao vai trò của TP.HCM trong tổng thể của nền kinh tế cả nước, mà còn làm thay da đổi thịt của một vùng đất đầm lầy ngập mặn. Những bờ đê ngày xưa chỉ vừa một bàn chân bước, nay là những con đường tráng nhựa rộng thênh thang, người xe tấp nập; những căn nhà tranh vách lá lùi dần vào quá khứ, thay thế vào đó là những dãy phố sang trọng, những cao ốc hiện đại. Và những con người lam lũ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn không đủ sống, nay đã là những công nhân “cổ xanh, cổ xám” có một trình độ dân trí cao và một tương lai xán lạn.

Với phương thức cho thuê đất 50 năm lấy mốc từ năm 1991, thì dù các chủ đầu tư ký hợp đồng thuê đất sớm hay muộn đến năm 2041 toàn bộ những hợp đồng này sẽ hết hiệu lực. Vậy thì, ngay bây giờ các nhà chiến lược kinh tế đã phải bàn để chuẩn bị một quĩ đất mới cho KCX Tân Thuận di dời, nhằm đảm bảo cho các nhà máy này tiếp tục hoạt động ổn định vì họ đã có mối lái sẵn.

Nghĩa là, một đề án KCX mới phải được nhen nhóm và việc đầu tiên là các vị tổng công trình sư phải đặt bút chọn và khoanh vùng đất “bất khả xâm phạm” để dành cho 30 năm sau; điều cần nhớ là bên cạnh KCX mới phải có một dòng sông đủ sâu và rộng để bảo đảm cho những con tàu có trọng tải vài chục ngàn tấn được lưu thông thông suốt. Từ nay đến năm 2041, ta còn 37 năm nữa để chuẩn bị một KCX mới, nhưng chỉ hơn 10 năm nữa là các chủ đầu tư trong KCX Tân Thuận đã phải toan tính tìm đất để di dời. Không có gì thú vị bằng thành phố ta chuẩn bị xây dựng một KCX mới mà không phải nhọc công tiếp thị vì đã có một lượng khách khổng lồ xếp hàng chờ sẵn.

Còn quĩ đất 330ha của KCX Tân Thuận vào năm 2041 đương nhiên lại thuộc về quĩ đất TP.HCM. Ta hãy thử tính nhẩm, vào năm 2041 đất ở vị trí này (đất đã có hạ tầng) không dưới 10 triệu đồng/m2, thì – nếu không làm gì cả – thành phố cũng có thêm khoảng hơn 2 tỉ USD. Nhưng làm gì có cái chuyện “bán buôn” 330ha đất đó. Vì thế, cũng từ bây giờ ta phải hoạch định hướng phát triển kinh tế và kinh doanh trên quĩ đất này sao cho thật hiệu quả cho nền chính trị – kinh tế – xã hội – văn hóa của TP.HCM ở mức cao nhất.

Khi quốc khách và quí khách đến trung tâm của trung tâm TP.HCM, xin mời hãy cùng chúng tôi đặt chân lên vùng đất có diện tích 28ha nằm ngay trong khu 330ha của KCX Tân Thuận ngày xưa. Tại đây, quí vị sẽ được thưởng thức một không gian ngoạn mục mà người chủ đề tài – ông Phan Chánh Dưỡng – đã quyết tâm lén dành lại để minh chứng cho tương lai, đó là một vùng đất nguyên trạng của Nhà Bè cũ trước khi xây dựng KCX Tân Thuận.

Quí vị sẽ hiểu thế nào là một vùng đất có hệ thống sông ngòi chằng chịt – một nét đặc trưng của miền sông nước Nam bộ, thế nào là một vùng đầm lầy ngập mặn và thế nào là “nhà” trên “bè”. Cũng tại đây chúng tôi đã tạo dựng lại những làng ngành nghề của nông – ngư dân để quí vị được tham dự những sinh hoạt hằng ngày: cưỡi trâu, mò cua bắt ốc, cày cấy, gieo gặt và cùng sống, cùng làm và cùng ăn như những con người ở vùng đất Nhà Bè vào cuối thế kỷ 20. Thú vị quá phải không!

Đó là chuyện ngày xửa ngày xưa... Còn bây giờ xin mời quí vị hãy cùng chúng tôi lên những tầng cao nhất của “Cửu Trùng tháp” để nhìn bao quát những khu đô thị mới sừng sững mọc lên bên cạnh thành phố Sài Gòn cũ. Quí vị hãy phóng tầm mắt ra xa hơn nữa để nhìn thấy con đường rộng 120m kéo dài từ Sài Gòn cũ đến tận cùng vùng đất giáp biển Đông (huyện Cần Giờ) và nhìn xuyên suốt đại lộ Nguyễn Văn Linh, con đường này dài 17,8km, bắt đầu từ bắc Nhà Bè và kết thúc ở nam Bình Chánh. Và quí vị có thấy gì không? Xa xa kia là những dòng sông uốn quanh đổ ra biển rộng, như TP.HCM đã có một thời ấp ủ ước mơ “phát triển thành phố về hướng biển Đông”, mà hôm nay ước mơ đó đã trở thành hiện thực.

Quí vị hỏi tôi: “Ai hát gì mà hay vậy?”. Không đâu, người ta hò đấy, đó là câu hò đặc trưng của vùng sông nước Nhà Bè này: “Hò ơi...Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định – Đồng Nai thì về”.

TẠ THỊ NGỌC THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên