23/02/2011 00:25 GMT+7

Năm nay nắng nóng không bằng những năm trước

QUANG KHẢI thực hiện
QUANG KHẢI thực hiện

TT - Những ngày qua dù có không khí lạnh từ miền Bắc lan tỏa xuống khu vực Nam bộ nhưng không đủ xua tan oi bức khi Nam bộ vào mùa khô. Liệu mùa khô năm nay tình hình nắng nóng tại Nam bộ có gay gắt hơn so với mùa khô năm 2010? Ông Nguyễn Minh Giám, phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết:

kbQB2Opt.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Minh Giám - Ảnh: Q.Khải

- Nhìn chung nền nhiệt độ tại Nam bộ có tăng nhưng so với cùng thời điểm năm 2010 thì nhiệt độ vẫn còn thấp. Dự báo mùa khô năm nay nắng nóng không bằng những năm trước.

* Dựa vào đâu để có thể đưa ra những nhận định trên, thưa ông?

Theo ông Lê Thanh Hải - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, ở Bắc bộ nước phục vụ thủy lợi, thủy điện, nông nghiệp đang bị thiếu nghiêm trọng. Nguyên nhân do mùa khô năm 2010 kéo dài và lượng nước về các hồ thấp. Năm 2011 đang chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Nina nên sẽ có mưa trái mùa nhiều hơn, thời tiết lạnh hơn. Tuy nhiên, tại khu vực Bắc bộ cũng như Nam bộ, mưa trái mùa ít có khả năng tạo ra dòng chảy đưa nước về các hồ và đẩy mặn.

- Số liệu phân tích cho thấy nền nhiệt độ tuần cuối tháng 1 đến giữa tháng 2-2011 có nhích lên nhưng vẫn chưa bằng nền nhiệt độ cùng kỳ mùa khô năm 2010. Cụ thể, tháng 2-2011 nhiệt độ cao nhất tại Nam bộ chỉ ở mức 35,5OC (tại Biên Hòa ngày 17-2).

Trong khi đó, nhiệt độ cao nhất tại Nam bộ thời điểm tháng 2-2010 lên đến 37OC. Ngoài ra, năm nay không khí lạnh và những nhiễu động trong trường gió đông xuất hiện nhiều hơn.

Mặt khác, mùa khô năm 2010 mưa trái mùa rất ít, đặc biệt trong tháng 3 và 4 hầu như không mưa. Trong khi đó theo dự báo, thời điểm tháng 3 và 4 năm nay sẽ xuất hiện mưa trái mùa nhiều hơn nên nhiệt độ sẽ đỡ nóng bức hơn.

Dự báo nhiệt độ cao nhất tại Đông Nam bộ có thể lên đến 38OC (năm 2010 là 39OC, năm 2009 hơn 40OC), tại Tây Nam bộ từ 36-37OC. Riêng tại TP.HCM có cảm giác oi bức hơn do có sự cộng hưởng nhiệt từ các khối bêtông (nhà cao tầng), các thiết bị điện, nhiệt từ ôtô, môtô.

* Mưa trái mùa nhiều hơn trong tháng 3 và 4 có giúp cải thiện tình trạng thiếu nước ngọt không, thưa ông?

- Việc định lượng và dự báo lượng mưa trái mùa chính xác là bao nhiêu, xảy ra ở khu vực nào là cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, thông thường mưa trái mùa diễn ra trên diện hẹp, có nơi có thể có lượng mưa dông khá nhưng mang tính chất cục bộ. Trong các ngày 20 và 21-2 đã xuất hiện mưa trái mùa ở Tây Ninh, Đồng Phú (Đồng Xoài, Bình Phước) nhưng có lưu lượng rất thấp (Tây Ninh 1mm, Đồng Phú 25,7mm). Vì vậy, dự báo mưa trái mùa ở Nam bộ chủ yếu sẽ xoa dịu chút ít nền nhiệt độ oi bức của mùa khô và chỉ đủ thấm đất, làm mát cây trồng chứ ít có khả năng đủ nguồn nước để rửa mặn.

* Như vậy, tình hình nhiễm mặn năm nay sẽ căng thẳng hơn năm trước? Theo ông, giải pháp nào giúp hạn chế tình trạng xâm nhập mặn mùa khô này?

- Theo số liệu quan trắc mới cập nhật, độ mặn tại hầu hết các sông Nam bộ đã tiếp tục tăng thêm so với đầu tháng 2 và tăng cao so với cùng kỳ năm 2010. Cụ thể, tại sông Nhà Bè (TP.HCM) độ mặn đã lên đến 15,7g/lít (cao hơn 1,3g/lít so với năm 2010), tại sông Vàm Cỏ, sông Hậu, sông Cổ Chiên... đều có độ mặn tăng 1-4g/lít so với cùng thời điểm năm 2010.

Trên sông Sài Gòn có hồ Dầu Tiếng giúp xả nước đẩy mặn nhưng nguồn nước này cũng có giới hạn và sẽ ưu tiên phục vụ các nhà máy nước trong trường hợp thiếu nước. Riêng tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL không có giải pháp nào để khắc phục, chỉ trông chờ vào tình hình thời tiết. Người dân ở những khu vực được dự báo nhiễm mặn nên chú ý chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích hợp.

QUANG KHẢI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên