Đồng đội tiễn đưa hài cốt anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh - Ảnh tư liệu gia đình |
Đó là tiếng nấc nghẹn của những người lính sư đoàn 356 hôm cải táng đưa hài cốt anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh từ Vị Xuyên về an táng tại quê hương anh, xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.
Lời thề trên báng súng
Từ biên giới, chúng tôi tìm về quê hương của anh, miền trung du Phú Thọ trong một chiều giáp tết, trên những bãi cỏ ven làng nhiều đàn ông, phụ nữ đang hăng hái hò hét luyện bóng chuyền để chuẩn bị tranh giải cấp xã mấy ngày tết.
Anh ngã xuống đã tròn 30 năm Ngày 19-1-1985, trong cuộc chiến bảo vệ điểm cao 685 mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang), trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh thuộc đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 876, sư đoàn 356 đã hi sinh. Ngày anh hi sinh nhằm 29 tháng chạp năm Giáp Tý, ngay trước đêm giao thừa. Tháng 8-1985, liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm hi sinh anh Ninh vừa tròn 24 tuổi. Đến mùa xuân năm 2015 này, anh đã ngã xuống tròn 30 năm. |
Anh Đỗ Văn Bằng, phó chủ tịch UBND xã Minh Hòa, người dẫn chúng tôi về nhà liệt sĩ Ninh, buột miệng: “Nếu Ninh còn sống, dịp bóng chuyền mùa tết thế này thế nào cũng có mặt nó. Hồi chưa đi bộ đội, nó là tay đập chủ công của đội bóng xã. Quê nghèo thiếu ăn thiếu mặc mà Ninh cao tộc ngộc cả lên, dễ cao đến gần mét tám”.
Anh Bằng là bạn học từ thuở mẫu giáo với anh Ninh. Ngôi nhà của anh Nguyễn Văn Sơn, người em kế út của anh Ninh, nơi đặt bàn thờ anh Ninh nằm trên mái đồi lơ thơ những gốc chè và sắn.
Ngôi mộ vừa mới xây khi đưa hài cốt anh về đây, hồi cuối tháng 11-2014. Chị Quyên - vợ anh Sơn, em dâu của anh Ninh - cũng vừa đi chợ sắm sửa đồ lễ về để chuẩn bị giỗ anh Ninh vào ngày giáp tết.
Câu chuyện về sự hi sinh của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh tại mặt trận Vị Xuyên luôn được đồng đội nhắc nhớ không chỉ vì lòng dũng cảm mà còn có lời thề khắc trên báng súng của anh.
Không biết có phải anh Ninh đã đọc được Bài thơ trên báng súng của nhà thơ Hoàng Trung Thông rồi cũng muốn ghi lên báng súng của mình một lời tuyên thệ hay như bất cứ người lính trẻ nào khi ra trận, trên báng súng của mình luôn khắc một câu gì đó, có thể là tên mẹ cha, tên của người yêu.
Kỷ luật quân sự không được phép khắc chạm gì lên súng, nhưng với những người lính trẻ, trên lằn ranh sống chết, viết một lời thề lên báng súng là chuyện ai cũng thích làm. Lính mà! Anh Ninh đã khắc lên báng súng của mình vào một buổi trưa trên chốt: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”.
Qua ký ức đồng đội
Trận đánh khốc liệt của sư đoàn 356 vào sáng 12-7-1984, chỉ riêng sư đoàn 356 trong ngày hôm đó đã có hơn 600 chiến sĩ hi sinh.
Nhiều cao điểm vẫn bị quân Trung Quốc chiếm giữ. Anh Nguyễn Đình Thắng, cựu binh sư đoàn 356, cho biết: Thời điểm ngày 12-7-1984, anh là y tá tăng cường cho đại đội 5 của Ninh, sau trận đó anh chuyển về trung đoàn 153 đi “lấn dũi” lên điểm cao 685.
Cuộc chiến đấu giành lại các điểm cao biên giới Vị Xuyên dằng dai suốt từ đấy cho đến cuối năm 1984 đến đầu năm 1985. Với chiến thuật “lấn dũi”, những người lính Vị Xuyên vừa phòng ngự vừa tấn công đã chiếm lại được nhiều cao điểm quan trọng. Cuộc chiến chiếm lại điểm cao 685, nơi được lính Vị Xuyên những năm ấy gọi là “lò vôi thế kỷ” diễn ra vô cùng khốc liệt.
Tiểu đoàn 2 của Nguyễn Viết Ninh giữ điểm E5 của cao điểm 685 từ tháng 12-1984, từ hang suối cụt, anh em “lấn dũi” lên điểm cao 685. Những ngày giáp tết, địch ác liệt nã pháo và xua quân tiến đánh hòng chiếm lại 685.
Năm đó, ta ăn Tết âm lịch trước Trung Quốc một tháng. Điểm cao 685 và bình độ 300-400 của mặt trận Vị Xuyên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Ông Thái Khắc Ba - đại đội trưởng đại đội 5, chỉ huy trực tiếp của trung đội Nguyễn Viết Ninh nay sống ở Tân Kỳ (Nghệ An) - kể rằng chỉ trong ba ngày khốc liệt nhất từ 17 đến 19-1-1985 (tức từ 27 đến 29 tết), đại đội của ông hi sinh 43 người, trong đó trung đội của Ninh vì là trung đội mũi nhọn hi sinh gần hết, chỉ hai người sống sót! Đại đội 5 phải đối đầu với lực lượng địch đông đến cả tiểu đoàn.
Rạng sáng 19-1 (29 tết) pháo địch nã cấp tập dọn đường cho bộ binh ào lên hòng đánh bật những người lính của đại đội 5 ra khỏi điểm E5 của điểm cao 685.
Nguyễn Viết Ninh đã bị thương trong ngày hôm trước nhưng vẫn bám lại trận địa cùng anh em, tiếp tục chỉ huy trung đội đánh địch. Khẩu AK47 vẫn chắc trong tay Ninh.
Cả ngày hôm đó, hàng chục đợt phản kích của bộ binh địch bị bẻ gãy, nhưng anh em trong đại đội 5 thương vong rất nhiều. Treo cánh tay trái bị thương, Ninh bò đi thu nhặt súng đạn trên trận địa gom lại động viên anh em bám trụ.
Trưa 19-1, Ninh bị thương vào chân, đại đội trưởng Thái Khắc Ba bảo Ninh lên cáng về tuyến sau nhưng anh vẫn ôm khẩu AK, quyết “bám đá” đúng như lời thề trên báng súng. Cuối chiều 29 tết, Ninh bị thêm một vết thương vào đầu và hi sinh.
Khi đồng đội lên mang xác anh về, khẩu súng AK vẫn ôm chặt trước ngực. Khẩu súng với lời thề khắc trên báng: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” ấy được anh em mang về sư đoàn. Thi hài anh được chuyển về tuyến sau và sau này đưa về nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.
Tháng 11-2014, theo nguyện vọng gia đình, hài cốt anh được đưa về an táng tại quê nhà, trên mảnh vườn đồi cạnh mộ của bố mẹ giữa miền quê nghèo trung du Phú Thọ.
Một cuộc tình làm gia tài người lính
Câu chuyện về sự hi sinh của Nguyễn Viết Ninh đã được nhiều cựu binh sư đoàn 356 nhắc đến, nhưng khi chị Quyên mang ra cho chúng tôi xem những kỷ vật liên quan đến anh, ngoài hai cuốn học bạ thời cấp I, cấp II của anh và tờ báo Quân Đội Nhân Dân số ra ngày thứ tư 2-10-1985 đăng danh sách các đơn vị, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân có tên anh được xếp thứ 8, ghi rõ: “Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh, đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 876 Quân khu 2, quê Minh Hòa, Yên Lập, Vĩnh Phú” còn có một bức thư của một người con gái ở Lào Cai gửi về cho gia đình sau khi anh Ninh hi sinh hơn một năm.
Bức thư đề ngày 22-3-1986, nét chữ nghiêng nghiêng với màu mực Cửu Long sau tròn 30 năm vẫn còn rất nét.
Đã tiếp xúc với nhiều chuyện tình của lính, đã được đọc nhiều lá thư di vật tìm thấy bên hài cốt trong những lần theo chân các đội quy tập mộ liệt sĩ, nhưng có lẽ câu chuyện tình của Nguyễn Viết Ninh, người anh hùng hi sinh khi 24 tuổi, sẽ còn ám ảnh chúng tôi về sự hi sinh vô bờ của người lính Việt.
Hóa ra những ngày đóng quân ở Lào Cai (bấy giờ là tỉnh Hoàng Liên Sơn), Ninh có mối tình với một cô gái tên Tư ở đây từ tháng 6-1983. Ninh đã rất nghiêm túc báo cáo chuyện của hai người với bố mẹ người yêu. Tết năm 1984, Ninh về phép thăm gia đình, khi trở lại Lào Cai thì người yêu anh đã về nhập học ở Trường Công nhân cơ khí hóa chất Bắc Giang trước đó một ngày.
Tình yêu của người lính chiến chỉ có những lá thư từ biên giới về hậu phương. Nhưng đến tháng 12-1984, người yêu của Ninh không nhận được những lá thư của anh nữa, lá thư cuối cùng Ninh gửi cho cô vào tháng 11.
Giáp tết 1985, Tư về Lào Cai ăn tết cũng không thấy bóng dáng Ninh, cô không hay những ngày đó Ninh đang cùng đồng đội bám trụ trên chốt mặt trận Vị Xuyên và anh đã hi sinh vào ngày 29 tết!
Linh cảm điều chẳng lành đã đến, khi tháng 4-1985, cô nhận được lá thư tuy số hòm thư đúng là của Ninh nhưng nét chữ lại khác. “Trời ơi, điều mà con linh cảm bây giờ đã thành sự thật. Chính trị viên đơn vị đã ghi thư báo tin đó cho con. Con chỉ biết khóc và khóc hoài...
Anh Ninh là mối tình đầu, anh là người đầu tiên con yêu mến và đặt niềm tin hi vọng về tương lại hạnh phúc. Song giặc thù đã cướp đi của con một người chồng tương lai...
Trước kia, khi anh Ninh còn sống chúng con đã có ý định con học xong ba năm thì xin về mỏ Thanh Sơn, Vĩnh Phú công tác để gần bố mẹ, song tất cả mơ ước ấy đã không thành. Tất cả chỉ do kẻ thù gây nên...”.
Bức thư dài kín hai trang giấy ấy có lẽ là gia tài riêng tư duy nhất mà anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh có được. Đợi chúng tôi đọc hết lá thư, người em dâu của anh Ninh mới rụt rè: “Các anh nhà báo có cách gì để giúp gia đình tìm lại người yêu của anh Ninh, sau 30 năm, chắc nhiều điều đã thay đổi, nhưng gia đình rất muốn một lần Tư về thăm quê nhà của anh Ninh”.
Chúng tôi đã liên lạc với cựu binh của sư đoàn 356, anh Nguyễn Đình Thắng (nick Thắng Còng trên Facebook) để hỏi về người con gái Lào Cai, người yêu của anh Ninh, anh Thắng cho biết thời điểm đó trung đoàn 876 của anh Ninh đóng quân ở suối Bo, gần khu mỏ tại Bảo Thắng, đồng đội của anh Ninh ở hội cựu binh sư 356 tại Bảo Thắng sẽ đi tìm giúp.
Nhưng cũng trên trang báo tưởng niệm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc này, chúng tôi hi vọng sẽ có bạn đọc biết đến cô gái Ngô Ngọc Tư, học viên khóa 17 lớp nguội của Trường Công nhân cơ khí hóa chất Bắc Giang, những năm 1984-1986.
Không thể lãng quên 30 năm trôi qua, hôm chúng tôi trở lại Hà Giang, đứng trên đài tưởng niệm liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên tại cửa khẩu Thanh Thủy và biết tin những người đi rừng ở đây vừa tìm thấy trong một hốc đá tại điểm cao 685 ba bộ hài cốt liệt sĩ. Sau những giao tranh sinh tử 30 năm trước, nay điểm cao 685 đã nằm sâu trong nội địa, cách đường biên giới hơn một cây số. Trên đường biên này vẫn còn rất nhiều người lính mặt trận Vị Xuyên chưa được về nằm cùng đồng đội trong những nghĩa trang. Tuổi 20 của các anh, như câu thề khắc trên báng súng người anh hùng Nguyễn Viết Ninh: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. Đá ở Hà Giang luôn trập trùng một thế trận đường biên và nhắc chúng ta nhớ về những người lính hiển linh trong từng dáng đá. Đất nước này không chỉ có vọng phu hóa đá. Còn hàng vạn người lính trên những nẻo biên cương, hóa thân vào đá, như câu thề của người anh hùng Nguyễn Viết Ninh. Tổ quốc vững bền nhờ những người lính như thế và chúng ta không được phép lãng quên! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận