04/09/2022 09:20 GMT+7

Năm học trọng tâm đổi mới giáo dục phổ thông

TTXVN
TTXVN

TTO - Sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, ngành giáo dục bước vào năm học 2022-2023 với một tâm thế mới, được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông.

Năm học trọng tâm đổi mới giáo dục phổ thông - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn - Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao đổi về những nhiệm vụ lớn của ngành để vượt qua những thách thức của quá trình đổi mới, đáp ứng được kỳ vọng của xã hội về chất lượng giáo dục và đào tạo.

Đổi mới giáo dục là nhiệm vụ lớn, nhiều thách thức

* Thưa bộ trưởng, một năm học mới lại bắt đầu, xin bộ trưởng chia sẻ về những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học 2022-2023?

Các nhiệm vụ trọng tâm của ngành được thể hiện trong chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023. 

Bước vào năm học mới, một trong những nhiệm vụ quan trọng ngành phải làm là tiếp tục củng cố kiến thức, bù đắp, hỗ trợ những học sinh chịu nhiều thiệt thòi trong đại dịch, đặc biệt là các cháu chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh, những cháu có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ mất vì dịch bệnh... 

Những hỗ trợ về tâm lý, bù đắp về kiến thức, củng cố các kỹ năng sẽ là công việc quan trọng mà ngành giáo dục phải làm trong thời gian sắp tới.

Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; thẩm định sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị biên soạn cho lớp 5, 9 và 12.

Muốn đổi mới về phương pháp dạy và học, về kiểm tra, đánh giá thì trước hết đội ngũ giáo viên phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực về cả kiến thức, kỹ năng sư phạm. 

Chỉ khi nào lực lượng giáo viên đổi mới, phát triển thì nhiệm vụ đổi mới giáo dục của toàn ngành mới được thực hiện tốt. 

Bên cạnh đó, cần phải cung cấp thông tin rộng rãi để có được sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ của các bậc phụ huynh và toàn xã hội trong sự nghiệp đổi mới này. 

Đổi mới giáo dục nói chung và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là nhiệm vụ lớn và nhiều thách thức, phải đảm bảo về mặt thời gian, lượng công việc rất lớn trong khi các điều kiện đảm bảo chất lượng, điều kiện thực hiện còn rất khó khăn. 

Các nhiệm vụ về phổ cập đối với mầm non, xây dựng xã hội học tập, tiếp tục thực hiện tự chủ đại học để làm sao tự chủ đại học bước vào giai đoạn mới, đi vào chiều sâu, đạt tới các mục tiêu chất lượng giáo dục đại học ngày càng cao... được xem là những nhiệm vụ đặt ra trong năm học mới đối với ngành giáo dục. 

Toàn ngành cũng sẽ tập trung thực hiện các mục tiêu chiến lược khác như chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo, quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và nhiều công việc lớn khác.

Địa phương cần chủ động đặt hàng đào tạo giáo viên

* Thiếu giáo viên là khó khăn chung của các địa phương khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Một trong những khó khăn của các tỉnh, thành phố hiện nay là nguồn nhân lực để tuyển dụng. Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo có những giải pháp gì để phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan và các địa phương giải quyết vấn đề này, thưa bộ trưởng?

- Bộ Giáo dục và Đào tạo hiểu những khó khăn về việc thiếu giáo viên trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thời gian vừa qua, bộ đã tham mưu, đề xuất, thực hiện các giải pháp để khắc phục. Việc kiên trì phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu, đề xuất bổ sung biên chế giáo viên là một trong những giải pháp như vậy.

Ngày 18-7-2022, tại quyết định số 72-QĐ/TW, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. 

Ngay sau khi có quyết định của Bộ Chính trị, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông.

Trong hướng dẫn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương tập trung các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng biên chế giáo viên như: thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với các cơ sở đào tạo để có nguồn tuyển dụng, trao đổi với các địa phương khác để phối hợp tuyển dụng theo các môn học đáp ứng yêu cầu…

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, môn học đến năm 2026 báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế giáo viên bổ sung đến năm 2026 theo quyết định số 72-QĐ/TW nhằm bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Về lâu dài, các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026. Chủ động đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở nhu cầu giáo viên và có chính sách ưu tiên, thu hút trong tuyển dụng để bảo đảm nguồn tuyển dụng theo từng năm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều cuộc làm việc với các trường sư phạm và trong thời gian qua, hệ thống đào tạo sư phạm cũng như các chính sách hỗ trợ trong đào tạo sư phạm đã có nhiều chuyển động tích cực. 

Đầu vào của các trường sư phạm đang tốt hơn, đây sẽ là một trong những giải pháp quan trọng cho vấn đề thiếu giáo viên. 

Tuy nhiên, để các chính sách hỗ trợ trong đào tạo sư phạm thực sự phát huy hiệu quả, cần có thêm sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ phía các bộ, ngành và đặc biệt là từ phía các địa phương trong đặt hàng nhu cầu, tuyển dụng và sử dụng.

Năm học trọng tâm đổi mới giáo dục phổ thông - Ảnh 2.

Năm nay nhiều địa phương giữ nguyên mức học phí, hoặc miễn hoàn toàn học phí bậc THCS - Ảnh minh họa: ĐOÀN NHẠN

* Vấn đề học phí, các khoản thu là câu chuyện "cũ" nhưng luôn "nóng" trong mỗi mùa tựu trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chỉ đạo như thế nào để giảm gánh nặng về học phí, các khoản thu cho học sinh, phụ huynh, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19?

- Theo nghị định 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, năm học 2022-2023 sẽ bắt đầu lộ trình tăng học phí, qua đó nhằm hướng tới mong mỏi tốt hơn về các điều kiện dạy và học.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy 2 năm dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất lộ trình học phí để trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Để chia sẻ gánh nặng với phụ huynh, đến nay đã có nhiều địa phương quyết định giữ nguyên mức học phí hoặc miễn hoàn toàn học phí bậc trung học cơ sở cho học sinh từ năm học 2022-2023.

Bên cạnh chính sách học phí, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã trình Chính phủ phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn để triển khai từ năm học 2022-2023. 

Đối với các khoản thu khác ngoài học phí, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều chỉ đạo, hướng dẫn trước đó nhằm "chống lạm thu" đầu năm học mới. 

Mới nhất, trong công văn gửi tới các sở giáo dục và đào tạo về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các sở hướng dẫn các trường thực hiện đúng những quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường công khai thu, chi đầu năm học Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường công khai thu, chi đầu năm học

TTO - Đây là một trong những yêu cầu nằm trong công văn Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi đến giám đốc sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2022-2023, do bộ này ban hành chiều 29-8.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên