Phóng to |
Niềm vui của học sinh lớp 1 Trường tiểu học Trần Nguyên Hãn, Q.8, TP.HCM trong ngày đầu tiên đi học (sáng 12-8-2011) - Ảnh: Như Hùng |
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết:
- Ở bậc mầm non sẽ tiếp tục triển khai chương trình giáo dục mầm non mới, thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đồng thời duy trì và phát triển giáo dục mầm non ở các độ tuổi thấp hơn theo nhu cầu và điều kiện của các địa phương.
Để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trong năm học mới, Bộ GD-ĐT vẫn xác định nhiệm vụ quan trọng là đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, rèn luyện năng lực tự học của học sinh dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng; điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải, tăng cường giáo dục kỹ năng sống phù hợp mục tiêu giáo dục; củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục.
* Theo thứ trưởng, để thực hiện được các nhiệm vụ của từng bậc học, những việc gì cần được ngành GD-ĐT tập trung quan tâm trong năm học tới?
- Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường phân cấp quản lý, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện công khai trong các cơ sở giáo dục; thanh tra có chiều sâu các hoạt động hành chính và chuyên ngành ở các cấp học, đẩy mạnh công tác tự kiểm tra của các cơ sở giáo dục, tăng cường kiểm tra các hoạt động dạy thêm, học thêm, thu góp của các nhà trường.
Trong năm học tới, Bộ GD-ĐT cũng sẽ chú trọng đến việc quy hoạch đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên các cơ sở giáo dục, đặc biệt chú trọng nội dung bồi dưỡng về quản lý, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Triển khai thực hiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng nhà trường.
* Để hướng tới việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) phổ thông, từ năm học này Bộ GD-ĐT có chủ trương gì mới trong việc điều chỉnh chương trình, môn học?
- Bộ chỉ đạo các nhóm (bao gồm tác giả chương trình, tác giả SGK, giáo viên cốt cán, chuyên viên chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục rà soát nội dung dạy học ở các trường phổ thông, tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng từ các nguồn thông tin, biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải phù hợp với mục tiêu dạy học, triển khai thực hiện từ năm học 2011-2012.
Việc điều chỉnh như vậy nhằm làm cho nội dung dạy học phù hợp hơn, sửa chữa những sai sót nhưng vẫn đảm bảo tính hệ thống của chương trình giáo dục phổ thông, chứ không phải cắt bỏ nội dung dạy học một cách cơ học. Trên thực tế, học sinh bị quá tải là do rất nhiều nguyên nhân chứ không phải chỉ do kiến thức trong SGK nặng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh nội dung như trên cũng có thể xem là một giải pháp nhằm giảm tải cho học sinh và giáo viên.
* Trong năm học tới, Bộ GD-ĐT có chỉ đạo gì mới trong việc tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, tạo sức hấp dẫn ở những môn học được xem là cần thiết trong việc giáo dục nhân cách học sinh ở bậc phổ thông?
- Năm học này Bộ GD-ĐT chỉ đạo các địa phương và các cơ sở giáo dục, tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình: đưa ra các câu hỏi, bài tập hợp lý, phù hợp với từng đối tượng, tập trung vào trọng tâm, tránh nặng nề quá tải; bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ, vận dụng sáng tạo kiến thức đã học, tránh ghi nhớ máy móc không nắm vững bản chất.
Đối với các môn mỹ thuật, âm nhạc, thể dục thực hiện đánh giá bằng nhận xét (không đánh giá bằng cho điểm); đối với môn giáo dục công dân kết hợp giữa đánh giá bằng cho điểm mức độ đạt được về kiến thức và kỹ năng với việc theo dõi sự tiến bộ về thái độ, hành vi trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống của HS; đối với các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý cần tiếp tục đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng nêu vấn đề mở, đòi hỏi HS phải vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng; hạn chế học sinh chỉ ghi nhớ máy móc, không nắm vững bản chất vấn đề.
* Theo dự kiến năm học mới này, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai đại trà chương trình giáo dục kỹ năng sống trong trường phổ thông. Xin ông cho biết cụ thể về việc này? Ngoài ra, Bộ GD-ĐT có những chỉ đạo gì đối với các trường để hạn chế và chấm dứt tình trạng tiêu cực trong lối sống, hành xử của học sinh đang có nguy cơ lan rộng thời gian gần đây?
- Đây là một trong những vấn đề mới và trọng tâm, các nhà trường cần phối hợp các đoàn thể, các tổ chức xã hội để thực hiện tốt. Trong đó tập trung vào một số nội dung như tích hợp, lồng ghép giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống trong các bài giảng và các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, quan tâm tới những kỹ năng hợp tác và hội nhập, giải quyết mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống, tự bảo vệ bản thân... từ đó biết cách ứng xử phù hợp trước tác động của xã hội.
* Xin ông cho biết định hướng của Bộ GD-ĐT trong việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học tới thế nào?
- Kỳ thi năm học tới phải phát huy được những ưu điểm đồng thời khắc phục các hạn chế, thiếu sót của kỳ thi năm học vừa qua. Những giải pháp nhằm khắc phục các hạn chế chủ yếu để hướng tới tăng cường trách nhiệm của lực lượng coi thi, chấm thi; giao quyền chủ động nhiều hơn cho các sở GD-ĐT trong việc lựa chọn các phương án tổ chức thi phù hợp với yêu cầu nghiêm túc và điều kiện của địa phương, đồng thời với tăng cường hiệu lực của công tác thanh tra, kiểm tra; đảm bảo kịp thời và thông suốt các thông tin và giải pháp trong suốt quá trình thi...
* Đầu năm học mới nào, vấn đề lạm thu tiền trường cũng khiến nhiều phụ huynh học sinh quan tâm. Bộ GD-ĐT có chỉ đạo chung gì để xử lý tốt việc này, tránh gây bức xúc cho người dân? - Bộ GD-ĐT đã có công văn về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục và công văn hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục, theo đó đã quy định cụ thể trách nhiệm của hiệu trưởng trong việc để xảy ra tình trạng lạm thu, ép buộc học sinh đóng góp quỹ dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện... Ngoài ra, vào đầu năm học mới, các cấp quản lý cần chỉ đạo, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc phải công khai về thu, chi học phí và các khoản đóng góp của người học để phụ huynh học sinh và xã hội giám sát. Ngoài ra, để giải quyết tình trạng lạm thu trong các trường học, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý giáo dục địa phương, chính quyền, đoàn thể và ban đại diện cha mẹ học sinh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận