04/04/2018 10:55 GMT+7

Nam có phải nhường ghế cho nữ?

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - "Trên xe buýt, trừ các đối tượng được ưu tiên, nam có nhất thiết phải nhường ghế cho nữ không?" là câu hỏi được diễn đàn Buýt Sài Gòn đặt ra, thu hút nhiều ý kiến của giới trẻ.

Nam có phải nhường ghế cho nữ? - Ảnh 1.

Hình ảnh nam ngồi, nữ đứng vẫn thường thấy trên tàu điện ngầm ở Singapore - Ảnh: NGỌC HIỂN

Trong số hàng trăm ý kiến phản hồi với câu hỏi trên, nhiều người cho rằng nam không nhất thiết phải nhường ghế cho nữ. Ngay cả những nữ sinh thường xuyên di chuyển bằng xe buýt cũng khẳng định việc nhường hay không nhường là "tùy tâm", vì chính nữ giới cũng không đòi hỏi khi cả hai đều là thanh niên, có sức khỏe.

Ngồi trên chuyến xe buýt số 18, Khánh Nhân (Trường ĐH Hoa Sen, TP.HCM) cho biết thỉnh thoảng anh cũng nhường ghế cho những nữ sinh đi cùng chuyến. Lý do anh đưa ra là "galăng", nhưng nhiều khi Nhân không nhường bởi bản thân cũng mệt mỏi sau một ngày học tập căng thẳng.

"Cũng có trường hợp mình nhường, nhưng cô gái không nhận, họ cứ nói "sắp xuống rồi" nhưng lại đi đến cuối chuyến xe. Có lẽ họ cảm thấy mình không phải là đối tượng ưu tiên nên ai cũng như ai" - Nhân nói.

Tương tự, trên chuyến xe buýt số 8, Nguyễn Đinh Thế Phiệt (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho biết đối với những đối tượng ưu tiên thì tuyệt đối phải nhường, còn với những cô gái bằng vai phải lứa thì việc nhường hay không nhường không thành vấn đề.

"Chúng ta nói bình đẳng giới, nam nữ đều bình đẳng nên không thể ép người khác nhường ghế cho mình, trong khi ai cũng đều là thanh niên" - Phiệt cho biết.

Với đa phần sinh viên được hỏi trên hai chuyến xe buýt số 8 và 18, ai cũng cho rằng không thể ép buộc người khác nhường ghế. Nhưng nếu nữ giới mệt mỏi vẫn có thể ngỏ lời và bất kỳ ai cũng sẽ sẵn lòng nhường bởi chiếc ghế kia còn có cả tình người.

Nhìn rộng ra, ở các nước phát triển như Singapore hay Malaysia, khi bước lên chuyến tàu điện ngầm hay những chuyến xe buýt trong thành phố, hình ảnh nữ đứng, nam ngồi hay nam đứng, nữ ngồi hết sức phổ biến. Người đặt câu hỏi: "Tại sao anh không nhường ghế cho tôi?" sẽ phá vỡ sự bình đẳng.

Đòi hỏi một quyền lợi về mình và vốn dĩ là bình đẳng với tất cả. Chỉ những hàng ghế ưu tiên, dù có chật chội đến mấy thì đó vẫn là những hàng ghế ưu tiên cho người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ mang thai.

Chúng ta thường nói về "bức trần kính" (glass ceiling) vừa hữu hình, vừa vô hình trở thành rào cản đối với nữ giới. Nhưng việc phá vỡ "bức trần kính" định kiến giới đó phải đến từ cả hai phía, bắt đầu từ mọi khía cạnh của cuộc sống.

Nếu ấm ức vì một chiếc ghế, băn khoăn vì nam không nhường nữ chiếc ghế đó, có lẽ chính chúng ta cũng tự kéo rào chặn lối tư duy khai phóng của chính mình - người phụ nữ hiện đại.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nam giới có nên nhường ghế xe buýt cho nữ giới?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên