Trong báo cáo cập nhật khu vực Nam Á mang tên "Việc làm để phục hồi" công bố ngày 2-4, WB nhận định những thách thức dai dẳng có nguy cơ làm suy yếu sự tăng trưởng bền vững, cản trở khả năng tạo việc làm và ứng phó với các cú sốc khí hậu của khu vực.
Đối với Ấn Độ, giấc mơ trở thành quốc gia phát triển vào giữa thế kỷ này sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc người dân có được đảm bảo công ăn việc làm hay không.
Bứt tốc nhưng dễ tổn thương
Báo cáo của WB ước tính tăng trưởng của Nam Á vào khoảng 6% trong năm nay và 6,1% vào năm sau, thuộc hàng nhanh nhất thế giới sau dịch COVID-19. Trong đó Ấn Độ, nước năm ngoái đã soán ngôi quốc gia đông dân nhất thế giới của Trung Quốc với hơn 1,4 tỉ dân, dự kiến tăng trưởng rất mạnh, đến 7,5% năm nay và 6,6% vào năm sau.
Bangladesh dự kiến là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ hai trong khu vực, ở mức 5,6% vào năm 2024, trong khi các nước còn lại như Bhutan, Sri Lanka cũng có sự phát triển ấn tượng và Pakistan tiếp tục hồi phục sau khi suy thoái vào năm ngoái.
Nhưng đó chỉ là bề mặt, còn bên dưới đó, theo WB, là những thách thức. Đối với hầu hết các quốc gia tại khu vực, tăng trưởng vẫn ở dưới mức trước đại dịch và phụ thuộc vào chi tiêu công. Trong khi đó, đầu tư tư nhân đã chậm lại đáng kể. Thách thức lớn nhất là khu vực này không tạo ra đủ việc làm.
Theo WB, tốc độ tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động ở Nam Á đã vượt xa các nước đang phát triển khác. Tuy nhiên, mặc dù tốc độ tăng trưởng việc làm cũng tăng lên nhưng tốc độ tăng dân số trong độ tuổi lao động có việc làm vẫn chưa cao. Kết quả là tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động có việc làm đã giảm trong hơn hai thập niên qua.
Năm 2023, tỉ lệ lao động ở Nam Á là 59%, so với 70% ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi khác. Dữ liệu trong báo cáo cho thấy trong giai đoạn 2000-2023, mỗi năm khu vực này đã tạo ra trung bình 10 triệu việc làm, trong khi dân số trong độ tuổi lao động tăng trung bình 19 triệu.
Tỉ lệ việc làm tăng 1,7% mỗi năm trong khi dân số trong độ tuổi lao động tăng 1,9%. Đây là khu vực duy nhất có tỉ lệ nam giới trong độ tuổi lao động có việc làm giảm trong hai thập niên qua và cũng là nơi mà tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi lao động có việc làm thấp nhất.
Cơ hội bị bỏ lỡ
Theo bà Franziska Ohnsorge - chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Nam Á, khu vực này đã không thể tận dụng tối đa lợi thế dân số của mình.
"Đây là một cơ hội bị bỏ lỡ. Nếu khu vực này có tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động có việc làm lớn như các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển khác, tăng trưởng của họ có thể cao hơn 16%", bà Ohnsorge đánh giá. Chuyên gia này cho rằng có công việc không chỉ là có thu nhập, mà ở cấp độ kinh tế vĩ mô, tạo việc làm cũng liên quan đến sự gắn kết xã hội.
Báo cáo của WB nhận thấy Nam Á có tỉ lệ có việc làm thấp tập trung ở các lĩnh vực phi nông nghiệp và điều này phần nào phản ánh môi trường kinh tế và thể chế đầy thách thức đã kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp.
Để tăng trưởng bền vững hơn, WB cho rằng các nước Nam Á cần đưa ra nhiều chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp và việc làm. Các chính sách này có thể bao gồm tăng độ mở thương mại và khả năng tiếp cận tài chính, cải thiện môi trường và thể chế kinh doanh, xóa bỏ các hạn chế trong khu vực tài chính, cải thiện giáo dục và xóa bỏ các hạn chế đối với hoạt động kinh tế của phụ nữ.
Những biện pháp này sẽ không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng mà còn tạo điều kiện cho đầu tư công vào vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu.
WB cảnh báo các nước Nam Á cần tăng đáng kể nguồn thu nếu không muốn chi tiêu của chính phủ bị thu hẹp. Tuy nhiên sự giảm tăng trưởng ở các nước phát triển và các rủi ro khác sẽ khiến khu vực này khó khăn hơn trong việc thực hiện những chính sách cần thiết để giải quyết các thách thức.
Giấc mơ quốc gia phát triển của Ấn Độ
Ấn Độ đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, thúc đẩy bởi chi tiêu của chính phủ và gần đây là ngành xây dựng nhưng đầu tư tư nhân vẫn còn yếu. Chính phủ của Thủ tướng Modi đã thực hiện các bước quan trọng để tạo việc làm, bao gồm cải cách để thúc đẩy sản xuất và chi mạnh tay cho cơ sở hạ tầng.
Ông Modi đã đặt mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành quốc gia phát triển vào năm 2047, nhưng bà Ohnsorge cho rằng đây sẽ là giấc mơ xa vời nếu New Delhi không đưa ra các cải cách hơn về việc làm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận