30/12/2023 09:56 GMT+7

Năm 2023: Tiền không vào chứng khoán nhiều như kỳ vọng

Chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một năm 2023 với nhiều biến động. Kết phiên 29-12, cũng là ngày giao dịch cuối cùng năm nay, VN-Index dừng lại mốc 1.129,93 điểm, tăng 12% so với phiên cuối năm 2022.

Chứng khoán Việt Nam đã tăng 123 điểm trong năm nay - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chứng khoán Việt Nam đã tăng 123 điểm trong năm nay - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thăng - trầm chứng khoán 2023

Sau diễn biến khá ảm đạm quý đầu năm, thị trường chứng khoán bắt đầu sôi động hơn từ tháng 4 trong bối cảnh Việt Nam chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng, linh hoạt.

Với 4 lần hạ lãi suất, cùng hàng loạt giải pháp gỡ nút thắt thị trường trái phiếu, bất động sản, VN-Index sau đó có chuỗi tăng ấn tượng và lập đỉnh 1.250 điểm vào giữa tháng 9.

Tuy nhiên, nhịp điều chỉnh mạnh trong nửa cuối tháng 9 đến hết tháng 10-2023 khiến nhiều nhà đầu tư trở nên hoảng loạn. VN-Index gần như mất hết thành quả tăng điểm trước đó.

Diễn biến thăng trầm VN-Index năm 2023 - Dữ liệu: Trading View

Diễn biến thăng trầm VN-Index năm 2023 - Dữ liệu: Trading View

Từ đầu tháng 11, thị trường dần phục hồi khi có nhiều tín hiệu cho thấy lãi suất của Fed đã tạo đỉnh trong bối cảnh lạm phát Mỹ có xu hướng giảm mạnh hơn dự báo.

Dù vậy, mọi thứ diễn ra khá thận trong khi tháng 12, thanh khoản tiếp tục duy trì rất thấp. Theo dữ liệu từ Fiintrade, giá trị giao dịch bình quân phiên cả 3 sàn đạt 15.686 tỉ đồng, tiếp tục giảm 9,7% so với bình quân tháng 11.

Nhìn chung cả năm 2023, tiền không ồ ạt vào chứng khoán như kỳ vọng khi lãi suất huy động đã về mức thấp kỷ lục, thấp hơn cả giai đoạn COVID-19.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng bắt đầu chuyển sang bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ tháng 4-2023. Cả năm 2023, khối này đã bán ròng hơn 22.000 tỉ đồng sau khi mua ròng 30.000 tỉ đồng năm ngoái.

Việc khối ngoại bán ròng cũng đồng pha với việc dòng vốn ngoại dịch chuyển khỏi các thị trường chứng khoán mới nổi khu vực châu Á do lo ngại về sự phân kỳ giữa chính sách tiền tệ của các nước này và Mỹ.

Một nốt trầm khác thị trường, đó là KRX một lần nữa lại "lỗi hẹn". KRX "go-live" vốn là sự kiện được kỳ vọng nhất năm. Điều này không chỉ có ảnh hưởng đến kế hoạch nâng hạng sau này, mà phần nào còn tác động đến tâm lý nhà đầu tư.

Đã gần bước qua năm 2024, nhưng phía chủ đầu tư - HoSE hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đều chưa lên tiếng chia sẻ bất kỳ thông tin nào về mức độ sẵn sàng triển khai của KRX.

Những yếu tố có thể tác động thị trường năm 2024

Theo Chứng khoán MB (MBS), năm 2024 sẽ có 40 cuộc bầu cử quốc gia trên toàn cầu. Bắt đầu với Đài Loan vào tháng 1, làn sóng các cuộc đua sẽ lên đến đỉnh điểm với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.

MBS quan sát diễn biến chỉ số VN-Index 5 lần gần nhất trong năm diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ có tới 4/5 lần với mức tăng điểm, hiệu suất trung bình trong 4 lần tăng là xấp xỉ 24%. Lần giảm điểm còn lại rơi vào năm 2008 khi xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Mặc dù thị trường sẽ hoạt động theo một cách hoàn toàn khác so với trước đây, tuy nhiên MBS cho rằng vẫn có thể kỳ vọng nghiêng về kịch bản tăng điểm cho cả thị trường Mỹ và Việt Nam 2024.

Còn theo Chứng khoán Tiên Phong (TPS), thị trường 2024 hứa hẹn sẽ có nhiều khởi sắc hơn khi quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều đã đến chặng cuối.

Việc chính sách tiền tệ đảo chiều từ các nền kinh tế lớn sẽ giúp giảm áp lực cho tỉ giá, qua đó Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa để duy trì chính sách nới lỏng.

Ngoài ra, việc vận hành KRX vẫn sẽ mang lại kỳ vọng. Không chỉ đa dạng các sản phẩm dịch vụ, một trong những lợi ích lớn hơn của KRX là đóng góp vào cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. 11 năm chờ đợi, nhà đầu tư lại sắp bước vào năm thứ 12 trông ngóng KRX 'go live'.

Chỉ số VN-Index năm 2024 được dự báo thế nào?

Sau một năm với nhiều diễn biến khó lường, đa phần báo cáo chiến lược năm 2024 của các công ty chứng khoán đều mang gam màu thận trọng khi dự báo điểm số.

MBS cho rằng chỉ số thị trường sẽ tăng lên mức 1.250 - 1.280 điểm, trên cơ sở lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết năm 2024 tăng 16,8% và định giá P/E 12 - 12,5 lần.

Còn Chứng khoán Vietcombank (VBSC) dự báo mức cao nhất của chỉ số VN-Index có thể đạt được trong năm 2024 là vùng 1.300 điểm.

Lạc quan hơn, đội ngũ phân tích Chứng khoán TPS đưa ra kịch bản VN-Index dao động quanh mục tiêu 1.387 điểm, tương ứng với mức tăng trưởng thận trọng 10% cho cả năm.

Trong khi FIDT đưa ra 3 kịch bản. Ở kịch bản cơ sở, VN-Index sẽ đạt 1.300 điểm. Còn ở kịch bản tích cực, VN-Index có thể đạt 1.420 và cuối cùng, tại kịch bản tiêu cực, chỉ số dừng vùng 1.150 điểm.
Chứng khoán tăng 123 điểm trong năm nay, mục tiêu 11 triệu tài khoản vào 2030Chứng khoán tăng 123 điểm trong năm nay, mục tiêu 11 triệu tài khoản vào 2030

Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định 1726, phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 vào hôm nay 29-12.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên