Toàn cảnh hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022 sáng 24-12 - Ảnh: HỮU HẠNH
Đó là thông tin được Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đưa ra tại hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, tổ chức tại TP.HCM vào sáng 24-12.
Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự và chỉ đạo hội nghị.
Cùng với sự tham gia của hơn 700 đại biểu, đại diện lãnh đạo các cơ quan trung ương, Chính phủ; lãnh đạo tỉnh thành; các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
Phát biểu mở đầu hội nghị, ông Trần Thanh Lâm cho biết năm 2022 báo chí thể hiện những bước chuyển mình quan trọng, công tác báo chí đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Thông tin trên báo chí thể hiện rõ nét hơn vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước.
Đặc biệt, báo chí đã thông tin cân đối giữa phản ánh diễn biến liên quan thị trường tài chính, bất động sản và giải pháp của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước góp phần ổn định thị trường tiền tệ và tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu nhưng không làm nóng vấn đề và bám sát các giải pháp của Chính phủ về công tác điều hành giá.
Thông tin, tuyên truyền những chỉ đạo, điều hành của Quốc hội hay công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đậm nét và có chiều sâu.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (bìa trái) bắt tay, thăm hỏi đại diện các cơ quan báo, đài - Ảnh: HỮU HẠNH
Theo phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, năm 2023 công tác báo chí được định hướng sẽ có 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với cơ quan chủ quản báo chí; 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với cơ quan báo chí.
Riêng với các cơ quan báo chí, nhiệm vụ năm 2023 hướng tới việc tăng cường xây dựng Đảng, tăng cường bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ của người làm báo.
Các cơ quan bám sát tôn chỉ, mục đích hoạt động ghi trong giấy phép hoạt động và ứng dụng công nghệ hiện đại, quan tâm đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất. Người đứng đầu cơ quan nâng cao vai trò, trách nhiệm về mọi hoạt động của cơ quan và có giải pháp quản lý chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên hoạt động tác nghiệp.
Đội ngũ phóng viên, nhà báo cần chủ động hoàn thiện kỹ năng và tiếp cận các công cụ, thiết bị mới, giữ vững bản lĩnh chính trị, tuân thủ nghiêm quy trình tác nghiệp để sáng tạo ra các tác phẩm báo chí có nội dung đặc sắc.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định năm 2023 là năm bản lề trong việc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Do vậy, các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo và các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong năm 2022. Triệt để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” như tinh thần văn kiện đại hội.
Dịp này, ban tổ chức tặng bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho 32 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2022.
Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu (bìa phải) tham dự hội nghị - Ảnh: HỮU HẠNH
TP.HCM đề xuất có hướng dẫn về việc sắp xếp hệ thống báo chí sau năm 2025
Tại hội nghị, đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 tại TP.HCM, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo TP Lê Hồng Sơn cho biết TP.HCM đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 với quá trình triển khai thực hiện cẩn trọng.
Các cơ quan báo chí sau khi chuyển đổi cơ quan chủ quản đều ổn định về hoạt động, bộ máy và tổ chức, được sự chỉ đạo, định hướng hoạt động và quản lý cụ thể, chặt chẽ của cơ quan chủ quản.
Báo chí TP.HCM phần lớn đều có uy tín, số lượng phát hành khá cao, có vị trí nhất định trong hoạt động báo chí và mức độ lan tỏa thông tin của các tờ báo đều tích cực; nội dung thông tin nghiêm túc, rất ít có những trường hợp cần phải nhắc nhở.
Đặc biệt, trong năm qua, các cơ quan báo chí TP chú trọng sử dụng mạng xã hội để tiếp cận nhiều hơn, nhanh hơn đến với công chúng, như: Facebook, YouTube, TikTok… khai thác các ứng dụng truyền thông đa phương tiện trên trang điện tử để phát huy tối đa hiệu quả thông tin.
Từ đó tình hình hoạt động kinh tế báo chí của các cơ quan báo chí thành phố tiếp tục ổn định; doanh thu từ các hoạt động bán báo, quảng cáo, truyền thông giúp các cơ quan báo chí cơ bản chủ động trong hạch toán.
Để tiếp tục phát huy công tác báo chí năm 2023, TP.HCM đề xuất trung ương xem xét có hướng dẫn về lộ trình, cách thức tổ chức thực hiện việc sắp xếp hệ thống báo chí sau năm 2025. Trong đó xem xét, có thể giao sự chủ động cho các tỉnh ủy, thành ủy tổ chức thực hiện theo nhu cầu, điều kiện, đặc thù cụ thể của từng địa phương.
“Giải quyết được vấn đề này, các cơ quan báo chí mới có thể có chiến lược, định hướng phát triển tốt hơn trong thời gian tới, đồng thời đội ngũ người làm báo có thể yên tâm công tác, cống hiến”, ông Sơn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận