Sóng hấp dẫn
Các nhà khoa học phát hiện sóng hấp dẫn xuất phát từ hai lỗ đen va chạm vào nhau - Ảnh: Space |
Ngày 11-2, các nhà khoa học Đài quan sát sóng hấp dẫn giao thoa kế laser (LIGO) ở Hanford (Mỹ) công bố lần đầu tiên quan sát được sóng hấp dẫn.
Theo đó họ đã phát hiện ra sóng hấp dẫn vào ngày 12-8-2015. Sóng hấp dẫn này xuất phát từ hai lỗ đen va chạm vào nhau. Hai lỗ đen này có khối lượng lớn gấp 30 lần mặt trời, nằm ở vị trí cách trái đất khoảng 1,3 tỉ năm ánh sáng. Các nhà khoa học bắt được sóng hấp dẫn nhờ hai thiết bị dò laser khổng lồ ở Mỹ, một tại Louisiana và một ở Washington.
Sóng này từng được nhà khoa học thiên tài Einstein tiên đoán vào những năm 1916 và 1918 theo thuyết tương đối rộng. Trong 100 năm qua, sự tồn tại của sóng này một trong những bí ẩn lớn nhất của giới vật lý.
Clip về sóng hấp dẫn - Nguồn: YouTube |
Tìm thấy hành tinh Proxima b giống Trái đất
Ảnh minh họa hành tinh Proxima b quay quanh ngôi sao Proxima Centauri, ngôi sao nằm cách Hệ Mặt trời chỉ 4,2 năm ánh sáng - Ảnh: ESO |
Tháng 8-2016, các nhà khoa học xác nhận sự tồn tại của một hành tinh có khả năng có sự sống mang tên Proxima b. Nó nằm cách Trái đất chỉ 4,2 năm ánh sáng, được cho là có thể duy trì sự sống - thậm chí sự sống của con người trong tương lai.
Tuy nhiên, với công nghệ hiện tại, phải mất khoảng 137.000 năm nữa con người mới lên tới hành tinh này.
Video mô phỏng chuyến đi từ Trái đất đến Proxima b - Nguồn: ESO/YouTube |
Tìm thấy đuôi khủng long 99 triệu năm tuổi còn nguyên vẹn
Miếng hổ phách chứa đuôi khủng long còn nguyên lông, mô mềm - Ảnh: cell.com |
Tháng 12-2016, mẫu vật hổ phách chứa đuôi khủng long 99 triệu năm tuổi được tìm thấy ở một khu chợ Myanmar. Cái đuôi này có cả lông, xương và các mô mềm.
Đây là lần đầu tiên một cái đuôi khủng long khá nguyên vẹn được tìm thấy. Nó được cho là đuôi của một con khủng long con sống cách đây khoảng 99 triệu năm, và sẽ cung cấp rất nhiều thông tin đáng giá cho nhà khoa học về sự tiến hóa của khủng long và các loài động vật có đốt sống khác.
Bảng tuần hoàn hóa học có thêm 4 nguyên tố mới
Bảng tuần hoàn hóa học hiện đã có thêm 4 nguyên tố mới - Ảnh: Sputnik |
Các nhà khoa học Nga, Mỹ và Nhật đã bổ sung 4 nguyên tố mới mới vào Bảng tuần hoàn hóa học, gồm Nihonium, Moscovium, Tennessine và Oganesson.
Đây là nguyên tố thứ 113, 115, 117 và 118 còn trống trên Bảng tuần hoàn hóa học. Chúng là những nguyên tố nặng nhất trong bảng tuần hoàn và chưa từng được thấy tồn tại bên ngoài phòng thí nghiệm.
Tàu thăm dò Juno tới sao Mộc
Ngày 27-8-2016, tàu thăm dò Juno của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) lần đầu tiên tiến gần đến sao Mộc - Ảnh minh họa: NASA |
Ngày 27-8-2016, tàu thăm dò Juno của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) lần đầu tiên tiến gần đến sao Mộc. Các nhà khoa học hi vọng nó sẽ giúp làm sáng tỏ có bao nhiêu nước trong bầu khí quyển của hành tinh này, cũng như giúp giải thích về nguồn gốc và sự tiến hóa của nó.
Tìm ra bí quyết trường thọ?
Việc loại bỏ các tế bào không còn phân chia có thể là chìa khóa để kéo dài tuổi thọ của con người - Ảnh: Reuters |
Một nghiên cứu phát hiện ra rằng việc loại bỏ các tế bào không còn phân chia có thể là chìa khóa để kéo dài tuổi thọ của con người.
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Trường Mayo Clinic thực hiện và đã được thử nghiệm ở chuột, kết quả chuột được kéo dài tuổi thọ thêm 35%. Không chỉ vậy, cách này còn giúp làm chậm quá trình hình thành các khối u và kéo giảm tình trạng suy thoái liên quan đến tuổi tác của một số cơ quan...
Trứng nhân tạo mở ra hi vọng điều trị vô sinh
Các nhà khoa học đã tạo ra được chuột sản sinh từ trứng nhân tạo - Ảnh: Reuters |
Tháng 10-2016, các nhà khoa học Nhật Bản cho sinh sản thành công 11 con chuột từ trứng được tạo ra trong phòng thí nghiệm.
Nếu phương pháp này thành công ở người, đây có thể là một phương pháp mới trong điều trị vô sinh cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Kỹ thuật này cũng có thể áp dũng cho các cặp vợ chồng đồng tính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận