Một con sói tại khu vực biên giới Na Uy và Thụy Điển - Ảnh: NTNU
Theo báo cáo trên, khoảng 12.000 năm trước, khi các tảng băng khổng lồ bắt đầu tan chảy và trôi khỏi khu vực Na Uy và Thụy Điển ngày nay, đàn sói đã trở lại sinh sống và phát triển thành một quần thể lớn mạnh ở giữa biên giới hai nước.
Tuy nhiên, đến năm 1970, những con sói Na Uy hoang dã dần biến mất, chủ yếu là do hành động săn bắn quá mức của con người và các cuộc xung đột giữa chúng với người dân trong khu vực để bảo vệ đàn gia súc của họ.
Sau 10 năm, đàn sói bất ngờ quay trở lại. Tin đồn cho rằng ai đó đã thả những con sói Na Uy còn được nuôi nhốt và bảo tồn trong các sở thú vào tự nhiên bắt đầu xuất hiện, dấy lên mối quan ngại về nguồn gốc của đàn sói này.
Theo trang tin EurekAlert của Hiệp hội Vì sự tiến bộ khoa học Mỹ (AAAS), năm 2016, Quốc hội Na Uy chính thức ủy quyền cho Đại học Khoa học và công nghệ Na Uy thực hiện đánh giá và báo cáo rõ tình trạng của quần thể sói tại khu vực Na Uy và Thụy Điển.
Trao đổi với trang tin SciTech News (Na Uy), giáo sư Hans Stenøien, đồng tác giả của công trình nghiên cứu trên, cho biết: "Sau nhiều năm thực hiện nghiên cứu và thu thập dữ liệu ADN từ 1.800 con sói trên khắp thế giới, chúng tôi kết luận loài sói Na Uy hoang dã đã hoàn toàn tuyệt chủng trong tự nhiên".
Tuy khu vực biên giới giữa Na Uy và Thụy Điển vẫn còn một quần thể với khoảng 400 cá thể sinh sống, kết quả phân tích ADN cho biết chúng không phải là sói Na Uy bản địa, mà đều là sói từ Phần Lan di cư đến.
Chính quần thể sói Phần Lan này cũng đang trên bờ vực tuyệt chủng. Một phần là do hoạt động săn bắn quá mức của con người, phần còn lại là do tình trạng giao phối cận huyết giữa các cá thể trong loài.
Tuy nhiên, giáo sư Stenøien cho biết vẫn còn giải pháp nếu chúng ta thật sự muốn bảo vệ quần thể sói này. "Một số con sói Na Uy - Thụy Điển thuần chủng vẫn có thể được tìm thấy trong các vườn thú ngoài Na Uy", ông nói.
"Nếu có thể đem gene của chúng trở lại quần thể sói Phần Lan ở biên giới, điều này sẽ khắc phục được một phần tỉ lệ giao phối cận huyết giữa chúng. Phương án này khả thi, nhưng chắc chắn vẫn rất tốn kém, khó khăn và tốn nhiều công sức", giáo sư nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận