16/10/2021 20:13 GMT+7

Myanmar tố Mỹ, EU gây sức ép khiến ASEAN quay lưng với nước này

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar khẳng định đã có "sự can thiệp từ nước ngoài" khiến ASEAN loại thống tướng Min Aung Hlaing ra khỏi cuộc họp cấp cao của khối.

Myanmar tố Mỹ, EU gây sức ép khiến ASEAN quay lưng với nước này - Ảnh 1.

Chuẩn tướng Zaw Min Tun, người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar - Ảnh: AFP

Trong cuộc phỏng vấn với Đài BBC tiếng Myanmar chiều tối 16-10, chuẩn tướng Zaw Min Tun cáo buộc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) gây sức ép với ASEAN. 

"Sự can thiệp của nước ngoài được nhìn thấy rõ. Chúng tôi biết có việc một số phái viên (thuộc ASEAN) đã gặp quan chức đối ngoại Mỹ và chịu sức ép từ EU", người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar khẳng định.

Đặc phái viên của ASEAN về tình hình Myanmar, ông Erywan Yusof, đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 14-10. Ông Erywan là ngoại trưởng thứ 2 của Brunei, nước giữ ghế chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2021.

Trong cuộc họp đặc biệt tối 15-10, các ngoại trưởng ASEAN thống nhất không mời thống tướng Min Aung Hlaing đến hội nghị cấp cao ASEAN dự kiến diễn ra vào cuối tháng này. 

Thay vào đó, ASEAN sẽ mời một "nhân vật phi chính trị" của Myanmar tham dự cuộc họp, có thể là một thứ trưởng hoặc bộ trưởng theo một số nhà phân tích chính trị. 

Theo Bộ Ngoại giao Brunei, "Chính phủ thống nhất quốc gia Myanmar", một nhóm phản đối chính quyền quân sự Myanmar, đã đề nghị được tham gia cuộc họp.

Tướng Min Aung Hlaing là người đứng sau cuộc đảo chính ngày 1-2-2021 và hiện đang đứng đầu chính phủ tạm quyền Myanmar. 

Hãng tin Reuters bình luận việc loại tướng Min Aung Hlaing là một quyết định táo bạo của ASEAN, vốn coi trọng nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của các nước.

Trong thông cáo ngày 16-10, Bộ Ngoại giao Singapore mô tả việc không mời ông Min Aung Hlaing là "một quyết định khó khăn nhưng cần thiết để duy trì uy tín của ASEAN". Quốc gia này cũng kêu gọi Myanmar hợp tác, tạo điều kiện cho đặc phái viên Erywan đến nước này theo Đồng thuận 5 điểm đạt được hồi tháng 4-2021.

"Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc loại Myanmar khỏi ASEAN. Nhưng chính quyền của họ không hợp tác, vì vậy ASEAN phải mạnh mẽ trong việc bảo vệ uy tín và sự chính trực của mình", Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah nêu quan điểm.

Chuẩn tướng Zaw Min Tun tuyên bố Myanmar sẵn sàng hoan nghênh đặc phái viên Erywan nhưng sẽ không cho ông này gặp nhà lãnh đạo bị phế truất Aung San Suu Kyi. Ông này lập luận bà Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo dân sự khác đang bị xét xử nên việc tiếp xúc là trái với luật pháp sở tại.

Ở chiều ngược lại, ông Erywan cho rằng việc gặp bà Aung San Suu Kyi trên tinh thần "tiếp xúc tất cả các bên liên quan cuộc khủng hoảng chính trị Myanmar". Theo ông Erywan, điều này được nhắc đến trong Đồng thuận 5 điểm mà lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar đã đồng ý.

"Myanmar vô cùng thất vọng và phản đối mạnh mẽ kết quả cuộc họp khẩn cấp các ngoại trưởng ASEAN. Các cuộc thảo luận và quyết định về vấn đề đại diện của Myanmar đã được thực hiện mà không có sự đồng thuận và đi ngược lại các mục tiêu của ASEAN", Bộ Ngoại giao Myanmar nhấn mạnh trong tuyên bố tối 16-10.

Mỹ đưa đoàn quan chức đến Đông Nam Á, thảo luận vấn đề Myanmar Mỹ đưa đoàn quan chức đến Đông Nam Á, thảo luận vấn đề Myanmar

TTO - Đoàn quan chức Mỹ được cử đến các nước Đông Nam Á vào tuần sau sẽ tìm cách giải quyết vấn đề Myanmar và gây sức ép lên chính quyền quân sự nước này.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên