16/12/2021 08:14 GMT+7

Mỹ xác tín lập trường Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến công du Đông Nam Á cam kết rót hàng tỉ USD đầu tư, thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, củng cố liên minh, nâng cao năng lực quốc phòng và tình báo cho các đối tác trong khu vực.

Mỹ xác tín lập trường Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu về chiến lược của Washington tại Jakarta (Indonesia) vào ngày 14-12 -Ảnh: Reuters

Trong tuyên bố tại Jakarta - điểm đến đầu tiên của chuyến công du tới ba nước Indonesia, Malaysia và Thái Lan, ông Blinken muốn nhấn mạnh thông điệp: Mỹ là đối tác tốt hơn Trung Quốc. 

"Tôi ở đây, chúng tôi ở đây vì hơn mọi khu vực khác, những gì xảy ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ định hình quỹ đạo của thế giới trong thế kỷ 21" - Ngoại trưởng Mỹ nói.

Tập trung vào kinh tế

Ông Blinken chỉ ra những lo ngại từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á, sông Mekong, các đảo trên Thái Bình Dương, về hành động gây hấn của Trung Quốc, cho rằng điều này đang đe dọa dòng chảy thương mại hơn 3.000 tỉ USD đi qua khu vực này mỗi năm.

"Các nước trong khu vực muốn hành vi này thay đổi. Chúng tôi cũng vậy", báo New York Times dẫn lời ông Blinken. Dù khẳng định "tất cả chúng ta đều có trách nhiệm trong việc đảm bảo khu vực năng động nhất trên thế giới không bị ép buộc và tất cả mọi người đều có thể tiếp cận", nhà ngoại giao Mỹ vẫn nói Washington "không muốn xung đột ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Thay vào đó, ông Blinken cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đã viện trợ 100 triệu liều vắc xin COVID-19 cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục đầu tư hàng tỉ USD vào hệ thống y tế tại đây. Washington cũng đầu tư 7 tỉ USD vào năng lượng tái tạo trong khu vực.

"Các nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương muốn hạ tầng tốt hơn. Nhưng nhiều nước thấy quá tốn kém hoặc buộc phải chấp nhận những thỏa thuận kèm điều kiện không tốt từ nước khác còn hơn là không có gì. Vì vậy chúng tôi sẽ làm việc với các nước trong khu vực để cung cấp hạ tầng chất lượng, tiêu chuẩn cao mà người dân của họ đáng được hưởng" - ông Blinken nói.

"Gót chân Achilles trong chính sách của Mỹ là cam kết kinh tế khi mà Trung Quốc đã vượt xa Mỹ trong thương mại và đầu tư hạ tầng" - chuyên gia về Đông Nam Á Jonathan R. Stromseth của Viện Brookings bình luận. Trên thực tế, thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Đông Nam Á đạt 685 tỉ USD trong năm ngoái, gấp đôi Mỹ.

Nhiều nước chọn cân bằng

Có lẽ vì hiểu các nước phải cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh, những phát ngôn của ông Blinken được đánh giá đã mềm mỏng hơn. Theo ông, Mỹ cam kết một khuôn khổ kinh tế khu vực mới, trong đó tăng thêm đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

"Chúng tôi đang phát triển khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương toàn diện để theo đuổi các mục tiêu chung, bao gồm thương mại và nền kinh tế số" - ông Blinken nói. Theo Đài CNN, ông dự kiến mời lãnh đạo 10 nước ASEAN dự cuộc họp thượng đỉnh tại Mỹ trong thời gian tới để hiện thực hóa các đề xuất của Mỹ.

"Lần này, chính quyền ông Biden thành công tại Đông Nam Á, họ đang giành lại những gì đã mất và bù đắp cho thời gian qua" - cựu Bộ trưởng thương mại Indonensia Tom Lembong nhận định.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại thời điểm chuyến thăm của ông Blinken quá trễ và những gì ông tuyên bố không khác biệt so với các thông điệp trước. Trong khi đó, ông Biden vẫn chưa công bố chiến lược toàn diện tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngày 14-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng phát ngôn của Blinken có sự "tự mâu thuẫn" trong chiến lược của Mỹ, một mặt nói không muốn xung đột, một mặt lại cảnh báo các đe dọa từ Trung Quốc.

"Cách tiếp cận tự mâu thuẫn như vậy không phù hợp với tinh thần của Hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ và hầu như không được các nước trong khu vực công nhận" - ông Uông nói. Bắc Kinh cho rằng Mỹ nên tôn trọng hợp tác với khu vực ASEAN thay vì "vạch ra các đường lối ý thức hệ", "vận động các nhóm đối đầu" cũng như "điều tàu và máy bay đến Biển Đông để phô trương sức mạnh quân sự và gây rối".

Tờ Global Times khẳng định chuyến thăm của ông Blinken sẽ không làm mất cân bằng tại khu vực. "Các nước trong khu vực rất giỏi duy trì sự cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, không hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc hoặc Mỹ, đây là một đặc điểm trong chính sách đối ngoại của nhiều nước", tờ này dẫn nhận định của chuyên gia Gu Xiaosong ở Đại học Đại dương nhiệt đới Hải Nam.

Ngoại trưởng Mỹ rút ngắn lịch trình công du Đông Nam Á Ngoại trưởng Mỹ rút ngắn lịch trình công du Đông Nam Á

TTO - Ngày 15-12, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã rút ngắn lịch trình thăm các nước Đông Nam Á, sau khi phái đoàn Mỹ ghi nhận một thành viên mắc COVID-19.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên