01/03/2013 07:42 GMT+7

Mỹ vẫn ưu tiên châu Á

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định chính sách “tái cân bằng lực lượng” tại châu Á - Thái Bình Dương vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Barack Obama dù ngân sách quốc phòng có bị cắt giảm.

50GpLnG4.jpgPhóng to

Tàu hải quân Mỹ sửa chữa tại San Diego, California. Dự kiến có khoảng 64.000 nhân sự Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ phải nghỉ việc nếu Chính phủ và Quốc hội Mỹ không đạt được một thỏa thuận ngăn chặn các khoản cắt giảm ngân sách tự động - Ảnh: Reuters

“Chính sách tái cân bằng là ưu tiên hàng đầu và chúng tôi sẽ nỗ lực để tiếp tục” - Reuters dẫn lời ông Mark Lippert, quan chức cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ, khẳng định.

Từ hôm nay 1-3, ngân sách Chính phủ Mỹ sẽ tự động cắt giảm 85 tỉ USD do Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ vẫn chưa đạt được một thỏa thuận về ngân sách và thâm hụt. Trong đó, ngân sách Lầu Năm Góc bị cắt 46 tỉ USD trong vòng bảy tháng tới. Ông Lippert cho biết Mỹ sẽ “tiếp tục thắt chặt quan hệ đồng minh với các nước châu Á, triển khai lực lượng quân sự trong khu vực... theo mô hình hiện nay” trong nhiệm kỳ hai của ông Obama.

Tuy nhiên, thực tế là hết sức đáng lo ngại.

Đe dọa quan hệ Mỹ - châu Á

Trên CNN, chuyên gia Matt Stumpf, giám đốc Tổ chức châu Á ở Washington, khẳng định đã từ lâu Washington không còn bàn cãi về việc có nên tập trung vào châu Á hay không, mà chỉ là thực hiện như thế nào. Bởi sự thịnh vượng và an ninh của Mỹ trong tương lai hoàn toàn phụ thuộc vào châu Á. Tuy nhiên, các khoản cắt giảm ngân sách sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực tương tác với châu Á của Mỹ, từ quân sự đến ngoại giao, kinh tế, xã hội...

Đầu tiên là các cơ hội kinh doanh của Mỹ tại châu Á sẽ bị ảnh hưởng. Tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới đây lên tiếng ca ngợi các cơ quan ngoại giao Mỹ đã nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế với các nước châu Á. Chẳng hạn, Tập đoàn Orbital Sciences đã ký được hợp đồng 160 triệu USD chế tạo vệ tinh cho Thái Lan, Boeing nhận được đơn hàng 21,7 tỉ USD từ Hãng hàng không Indonesia Lion Air, Hãng General Electric bán được số đầu máy xe lửa trị giá hơn 40 triệu USD cho Indonesia... Thế nhưng khi ngân sách bị cắt giảm, các cơ quan ngoại giao Mỹ tại châu Á sẽ buộc phải thu hẹp hoạt động.

Báo Washington Post cho biết Lầu Năm Góc đã cảnh báo về nguy cơ quân đội đánh mất khả năng sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt tại châu Á. Trên thực tế, Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó đã phải cắt giảm 487 tỉ USD ngân sách trong 10 năm tới. Do đó hải quân Mỹ đã phải cắt giảm 30% hoạt động của hạm đội tàu chiến tại châu Á - Thái Bình Dương. “Cắt giảm mới và cắt giảm cũ sẽ buộc quân đội phải sa thải ít nhất 189.000 nhân sự” - quân đội Mỹ cảnh báo.

Các hoạt động ngoại giao và cứu trợ của Mỹ tại châu Á cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chuyên gia Stumpf cho biết Mỹ đã nhận được nhiều lợi ích từ việc hỗ trợ nhân đạo cho các nước châu Á. Tuy nhiên từ ngày 1-3, Washington sẽ buộc phải rút 200 triệu USD khỏi chương trình này. Các chương trình phát triển khác của Mỹ cũng sẽ bị thu hẹp. Những dịch vụ hỗ trợ sự tương tác của Mỹ tại châu Á cũng sẽ bị đe dọa. Ví dụ, việc cắt giảm ngân sách hoạt động cấp thị thực sẽ hạn chế thương mại Mỹ - châu Á, trao đổi văn hóa và giáo dục...

“Cơn bão hoàn hảo”

Theo AFP, Tổng thống Obama mới đây đã cảnh báo cắt giảm ngân sách tự động từ ngày 1-3 sẽ là “cơn bão hoàn hảo” đe dọa không chỉ nước Mỹ mà cả nền kinh tế toàn cầu. Trước đó, Nhà Trắng từng chỉ ra những hậu quả nghiêm trọng: nhân viên nhà nước, an ninh, giáo viên bị sa thải hàng loạt, các hãng hàng không phải hoãn, hủy hàng trăm ngàn chuyến bay, an ninh biên giới Mỹ suy yếu, dịch vụ công bị cắt giảm, các chương trình mẫu giáo bị hủy bỏ...

Nhà kinh tế Alice Rivlin thuộc Viện Brookings mô tả việc cắt giảm ngân sách cũng sẽ có tác động giống như chính sách thắt lưng buộc bụng mà nhiều quốc gia châu Âu đang áp dụng. Kết quả là tăng trưởng bị suy thoái, thất nghiệp gia tăng... Báo New York Times cho biết vài giờ trước khi các khoản cắt giảm ngân sách tự động có hiệu lực, Tổng thống Obama sẽ họp với các lãnh đạo quốc hội để bàn giải pháp né tránh “cơn bão” này.

Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ qua thư điện tử, nhà báo kỳ cựu Ron Elving thuộc Đài truyền thanh NPR cho biết thực tế kể cả khi các khoản cắt giảm có hiệu lực thì tác động của nó sẽ chỉ hiện ra rõ ràng kể từ đầu tháng 4. Ông lạc quan cho rằng cũng giống như những tranh cãi xung quanh hiện tượng “vách đá tài chính” (nguy cơ dân Mỹ bị tăng thuế từ đầu năm 2013), cuối cùng các nhà lãnh đạo Mỹ cũng sẽ tự tìm cách kéo đất nước khỏi cái hố mà họ tự đào ra.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên