Người biểu tình cầm cờ Syria trước trụ sở Đại sứ quán Mỹ ở Mexico City, Mexico để chống cuộc không kích của liên quân vào ngày 14-4 - Ảnh: REUTERS
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iraq, ông Ahmad Mahjoub nhấn mạnh rằng hậu quả của các cuộc tấn công "đe dọa đến an ninh và ổn định trong khu vực".
Theo ông, bước đi trên của các cường quốc phương Tây sẽ tạo cơ hội để các phần tử khủng bố, vốn đã bị đánh đuổi khỏi Iraq và bị đẩy lùi tại phần lớn lãnh thổ Syria, trỗi dậy.
Bộ Ngoại giao Iraq hối thúc "một giải pháp chính trị đáp ứng được mong muốn của người dân Syria", đồng thời kêu gọi cuộc họp thượng đỉnh của Liên đoàn Ả Rập, diễn ra tại Saudi Arabia trong ngày hôm nay 15-4, "thông qua một lập trường rõ ràng liên quan đến diễn biến nguy hiểm này".
Hồi tháng 12-2017, Iraq đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) từng chiếm đóng phần lớn lãnh thổ nước này từ năm 2014.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các phần tử thánh chiến này vẫn còn đang ẩn náu dọc theo biên giới với Syria và trong sa mạc rộng lớn của Iraq.
Người biểu tình cầm theo biểu ngữ ghi "Không làm chết người nữa" trước tòa Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Santiago, Chile ngày 14-4 phản đối cuộc không kích của liên quân Mỹ - Anh - Pháp - Ảnh: REUTERS
Một khi tình hình Syria chìm vào bất ổn với sự cạnh tranh trực diện của các cường quốc thì đây sẽ là cơ hội cho các lực lượng khủng bố có thời gian "hồi phục" và tập hợp lại lực lượng.
Trong khi đó, tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Cần phải lưu ý rằng hành động xâm lược được thực hiện vào đúng thời điểm quân đội Syria đang tiếp tục tấn công hiệu quả chống lại các nhóm khủng bố, bao gồm cả Nhà nước Hồi giáo (IS) và Jabhat al-Nusra. Do đó, hành động của Mỹ cùng các đồng minh tạo cho các lực lượng cực đoan cơ hội lấy lại sức mạnh, khôi phục hàng ngũ của mình, kéo theo đổ máu tại Syria và làm phức tạp hóa tiến trình giải quyết chính trị".
Ông Alexandre Loukachevitch - đại diện thường trực của Nga ở Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) - cũng đưa ra tuyên bố với tổ chức về việc "các cuộc tấn công của Mỹ - Anh - Pháp đã tạo điều kiện cho các thành phần khủng bố trỗi dậy và các thành phần này thực ra nằm dưới quyền kiểm soát của liên quân. Cách hành xử đó đi ngược lại các cam kết đã ký với các nước thành viên OSCE".
Matxcơva cũng kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa ra đánh giá cần thiết về vụ tấn công nhằm vào Syria và loại bỏ khả năng tái diễn.
Đoàn biểu tình của Đảng Cộng sản Hi Lạp phản đối bắn tên lửa vào Syria trước trụ sở Đại sứ quán Mỹ ở Athens vào ngày 14-4 - Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết lực lượng chính phủ Syria đã tiến vào Douma sau khi đoàn xe cuối cùng của các phiến quân Jaish al-Islam rời khỏi khu vực này theo một thỏa thuận sơ tán đã đạt được với chính quyền Damascus.
Diễn biến này ở Douma (nơi từng xảy ra vụ tấn công được cho là có vũ khí hóa học) diễn ra chỉ vài giờ sau khi liên quân Mỹ - Anh - Pháp phát động cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Syria.
Theo giới quan sát khu vực Trung Đông, diễn biến trên cho thấy các lực lượng Syria vẫn đang làm chủ được tình hình trên thực địa, dĩ nhiên là với sự hỗ trợ của Nga, như tại Douma có lực lượng quân cảnh Nga.
Tên lửa được phóng đi từ tàu tuần dương của Mỹ ngày 14-4- Nguồn: Hải quân Mỹ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận