24/08/2019 08:07 GMT+7

Mỹ - Trung - Nga tăng tốc marathon đến 'tài sản đáng khao khát' Bắc Cực

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Khi sự ấm lên toàn cầu đang khiến băng tan nhanh hơn bao giờ hết, đó cũng là lúc các cường quốc Mỹ, Trung Quốc, Nga đang tham gia 'cuộc đua marathon' đến khu vực lạnh giá này.

Mỹ - Trung - Nga tăng tốc marathon đến tài sản đáng khao khát Bắc Cực - Ảnh 1.

Người dân Greenland vật lộn với sự nóng lên toàn cầu - Ảnh: REUTERS

Những cường quốc trên đang xem Bắc Cực là một "tài sản đáng khao khát". Việc Tổng thống Donald Trump gần đây bất ngờ lên tiếng đòi mua Greenland hay tham vọng của Tổng thống V. Putin muốn khẳng định sự hiện diện của Nga tại Bắc Cực đã chứng minh cho xu hướng này.

Sự phát triển tại vùng cực cần sự hợp tác hơn nữa giữa Mỹ và Greenland, quần đảo Faeroe và Đan Mạch. Do đó, tôi muốn nhấn mạnh rằng lời mời gọi của chúng tôi về sự hợp tác mạnh mẽ hơn trong các vấn đề Bắc Cực vẫn còn đó".

Thủ tướng Đan Mạch Frederiksen

Kho báu dầu khí và đất hiếm

Theo Hãng tin AP, Greenland, đảo tự trị thuộc Đan Mạch, có thể giống như cái hang kho báu mà Aladdin (trong truyện Aladdin và cây đèn thần) tình cờ phát hiện được. Thay vì vàng bạc đá quý, Greenland là một mỏ dầu, khí thiên nhiên và đất hiếm phong phú đang chờ được khai thác một khi băng... tan.

Hòn đảo và phần còn lại của Bắc Cực không chỉ đang trở nên nóng hơn vì sự ấm lên toàn cầu. Một khi băng tan sẽ mở đường cho tàu bè và hé lộ sự phong phú khó tin, biến khu vực này thành một khối tài sản kinh tế và địa chính trị mới mà các cường quốc thèm khát.

Greenland được cho là vùng khoáng sản lớn nhất ngoài Trung Quốc có đất hiếm dùng để chế tạo pin và điện thoại. Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ ước tính có khoảng 17,5 tỉ thùng dầu chưa được khai thác và 4,1 nghìn tỉ m3 khí thiên nhiên ở ngoài khơi vùng biển quanh Greenland. Ngoài ra, xung quanh vòng Bắc Cực, một trong 5 vĩ tuyến được thể hiện trên bản đồ Trái đất, có rất nhiều dầu.

Trong khi đó, Victoria Herrmann - giám đốc quản lý tổ chức phi lợi nhuận Viện Bắc Cực - cho rằng băng tan sẽ giúp việc khai khoáng tại Greenland giảm bớt chi phí phát triển và môi trường, qua đó thu hút những nhà đầu tư tiềm năng.

"Ví dụ, một Greenland độc lập sẽ có các quyền cơ bản để hợp tác với Nga hay Trung Quốc hay cả hai. Tôi không nói chuyện này sẽ xảy ra nhưng đó là một kịch bản liên quan đến địa chính trị, đặc biệt nếu hành lang Tây Bắc trở thành một tuyến đường quá cảnh của tàu bè - điều đang diễn ra tại khu vực Bắc Cực của Nga" - ông Fen Hampson, trưởng dự án an ninh quốc tế của Trung tâm Quản trị sáng kiến quốc tế (CIGI) tại Waterloo, Ontario nói, lưu ý về mong muốn độc lập khỏi Đan Mạch của một số người dân Greenland.

Dù cái lạnh và băng tuyết đang dần lùi xa hơn về phương Bắc mỗi năm do nóng lên toàn cầu, các chuyên gia lưu ý rằng cuộc đua tới Bắc Cực sẽ là một cuộc marathon đầy thách thức chứ không phải một cuộc chạy nước rút.

Tham vọng của các cường quốc

Tháng 4 năm nay, như Los Angeles Times đưa tin, Tổng thống Putin đề xuất một chương trình đầy tham vọng nhằm tái khẳng định sự hiện diện của nước Nga tại Bắc Cực, bao gồm các nỗ lực xây cảng và các cơ sở hạ tầng khác và mở rộng hạm đội tàu phá băng. Nga muốn tuyên bố quyền sở hữu tại khu vực được cho là đang nắm giữ 1/4 lượng dầu mỏ và khí thiên nhiên chưa được khai thác của Trái đất.

Trong khi đó, Trung Quốc coi Greenland là nguồn tài nguyên đất hiếm cùng các khoáng sản tiềm năng khác và là một cảng hàng hải nối liền Bắc Cực đến miền đông nước Mỹ. Năm 2018, Bắc Kinh đã kêu gọi dự án phát triển chung mang tên "Con đường tơ lụa địa cực" , một phần trong sáng kiến "Vành đai - Con đường" của nước này.

Còn Washington xem Greenland là một hành lang quan trọng mang tính chiến lược trong các hoạt động hải quân giữa Bắc Cực và Bắc Đại Tây Dương. Trước đây, Washington cũng đã nhiều lần tính đến chuyện mua Greenland. Sau Thế chiến II, Mỹ đã dự định bỏ ra 100 triệu USD để mua Greenland sau ý tưởng đổi đất ở Alaska để lấy nhiều phần đất tại hòn đảo này.

Mỹ cũng xem trọng các khoáng sản như đất hiếm đối với an ninh và kinh tế quốc gia. Ông Hampson nhận định Tổng thống Trump "có lẽ không điên rồ khi tuyên bố muốn mua Greenland dù lời đề nghị khá vụng về và khiến Đan Mạch phật ý".

Michael Byers, chuyên gia Bắc Cực tại ĐH British Columbia, cho rằng Trung Quốc có cách tiếp cận khôn ngoan hơn Mỹ. "Trung Quốc có thể tiếp cận các nguồn tài nguyên Bắc Cực thông qua đầu tư nước ngoài. Và đầu tư nước ngoài luôn rẻ hơn nhiều việc cố mua hẳn một cái gì đó" - chuyên gia Byers nói.

Cựu thủ tướng Bỉ: Mỹ hãy đổi Alaska lấy Greenland đi! Cựu thủ tướng Bỉ: Mỹ hãy đổi Alaska lấy Greenland đi!

TTO - Cựu thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt cho rằng để sở hữu hòn đảo Greenland, Tổng thống Mỹ Donald Trump cần ‘hi sinh’ vùng đất Alaska mà Mỹ một thời đã mất hàng triệu USD để mua.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên