03/12/2015 07:38 GMT+7

Mỹ trở lại Iraq theo kiểu nào?

THU ANH
THU ANH

TT - Quyết định của Bộ Quốc phòng Mỹ cử lực lượng đặc nhiệm mới đến Iraq để thực hiện các chiến dịch truy quét lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lại gây những đồn đoán mới.

Ông George W. Bush đã tìm cách lật đổ ông Saddam Hussein, khơi mào những tai họa hiện nay ở Iraq và cả khu vực Trung Đông - Ảnh: huffingtonpost.com

“Chúng tôi đang chuẩn bị làm nhiều hơn. Tôi có mọi lý do để tin rằng tổng thống sẽ cho phép chúng tôi làm nhiều hơn và phê chuẩn điều đó khi có cơ hội

Bộ trưởng Ashton Carter

Hôm 1-12 (giờ Mỹ), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết nước này đang thực hiện việc điều động “lực lượng viễn chinh đặc nhiệm” mới đến Iraq phối hợp với quân chính phủ nước này và lực lượng người Kurd. 

“Lực lượng đặc nhiệm này sẽ tiến hành các cuộc bố ráp, giải phóng con tin, thu thập thông tin tình báo và bắt các thủ lĩnh của IS” - ông Carter nói với Quốc hội Mỹ. Ngoài ra, như ông Carter cho biết, lực lượng này cũng sẽ tiến hành các chiến dịch đơn phương vào Syria.

Trước thông tin từ phía Mỹ, Văn phòng Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi phát đi tuyên bố nói họ hoan nghênh sự trợ giúp của nước ngoài, nhưng chính phủ nước này sẽ phải phê chuẩn bất cứ sự điều động lực lượng đặc nhiệm nào đến bất cứ đâu ở Iraq.

Baghdad lặp lại rằng bộ binh nước ngoài không cần thiết ở Iraq. Theo Reuters, các nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq nói sẽ chống lại bất cứ sự điều động bộ binh nào của Mỹ đến nước này.

Nhưng một quan chức Mỹ giấu tên nói kế hoạch điều động lực lượng đặc biệt tới Iraq đã được thảo luận với Chính phủ Iraq và được Baghdad đồng ý trước khi ông Carter công bố thông tin trên.

Lực lượng được điều động sắp tới chỉ vào khoảng 200 quân nhưng là lực lượng tinh nhuệ. Động thái này cũng cho thấy quân đội Mỹ đang muốn tăng cường sức ép tiêu diệt IS.

Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang đứng trước sức ép tăng cường nỗ lực của liên quân do Mỹ đứng đầu trong việc đánh IS, nhất là sau vụ khủng bố ngày 13-11 ở Paris khiến 130 người thiệt mạng.

Ông Obama không muốn triển khai bộ binh hùng hậu đến Iraq, nhưng thay vào đó điều động một số lượng hạn chế quân tinh nhuệ và cố vấn, dựa chủ yếu vào các chiến dịch không kích.

Tuy nhiên, theo AFP, giới quan sát cho rằng Lầu Năm Góc ngày càng nhận ra rằng không thể đánh IS hiệu quả mà không có sự hiện diện trên bộ.

Reuters dẫn lời cựu cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Syria là ông Fred Hof nhận định việc triển khai bộ binh đến Iraq lần này để thực hiện các cuộc bố ráp và thu thập tin tức tình báo. Nó cho thấy một sự thay đổi trong suy nghĩ của ông Obama.

Ông Hof cho rằng với lực lượng đặc biệt mới, Mỹ muốn lấp chỗ trống trong lực lượng trên bộ đánh IS, nhóm đã chiếm quyền kiểm soát thủ phủ Ramadi của tỉnh Anbar (Iraq) hồi tháng 5 và cả phía bắc Mosul.

Hồi tháng 8-2014, chính quyền Obama đã phê chuẩn thực hiện các cuộc không kích trở lại ở Iraq kể từ khi rút quân khỏi nước này năm 2011. Tổng thống Mỹ cũng đã ký lệnh điều hơn 3.000 quân nhân Mỹ đến huấn luyện, làm cố vấn cho các lực lượng của Iraq và người Kurd để đánh IS.

Hơn hai tuần sau vụ tấn công khủng bố ở Paris khiến 130 người thiệt mạng, ông Carter cũng kêu gọi các cường quốc tăng cường nỗ lực đánh IS. Trong một diễn biến liên quan, hôm 1-12 (giờ Mỹ) ông Obama kêu gọi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gạt bỏ bất đồng trong vụ bắn rơi máy bay để tập trung vào kẻ thù thật sự là IS.

Tổng thống Mỹ bày tỏ ông tin chắc Nga sẽ sớm thay đổi chiến thuật ở Syria và ủng hộ một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria.

LHQ cảnh báo nguy cơ IS bành trướng sang Libya

Tổ chức IS hiện có khoảng 2.000 - 3.000 chiến binh tại Libya và đang có ý định mở rộng vùng lãnh thổ kiểm soát tại quốc gia Bắc Phi này.

Đây là cảnh báo được các chuyên gia của Liên hợp quốc (LHQ), chuyên giám sát các lệnh trừng phạt nhằm vào các tổ chức khủng bố, đưa ra trong một báo cáo công bố ngày 1-12.

Trong bản báo cáo dài 24 trang được trình lên Hội đồng Bảo an LHQ, các chuyên gia nhận định IS đang hưởng lợi trên chính những “hình ảnh xấu xa và tai tiếng” của mình tại Iraq và Syria, đồng thời đang mang lại mối đe dọa “trong ngắn hạn và dài hạn” tại Libya.

Theo đó, tổ chức này coi Libya như “một cơ hội tốt nhất” để mở rộng phạm vi kiểm soát từ Iraq và Syria bởi Libya có vị thế chiến lược ở biển Địa Trung Hải và là một điểm trung chuyển ở Bắc Phi.

Họ cảnh báo việc IS mở rộng lãnh thổ kiểm soát không chỉ giúp tổ chức này và các nhóm khủng bố liên hệ với mạng lưới al-Qaeda gia tăng ảnh hưởng đối với các cuộc xung đột đang tiếp diễn ở Bắc Phi và Sahel, mà còn tạo điều kiện cho các phần tử khủng bố có một nơi trú ẩn mới bên ngoài Trung Đông.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định để thực hiện được tham vọng trên, IS sẽ phải đối mặt với sự kháng cự mạnh mẽ từ người dân Libya, cũng như sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng và duy trì các liên minh khu vực.

THU ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên