11/04/2019 10:26 GMT+7

Mỹ khơi mào thương chiến với EU?

TÔ HOÀNG
TÔ HOÀNG

TTO - Nếu có điều gì đoán định được về Tổng thống Trump, đó chính là tính không đoán định của ông Trump.

Mỹ khơi mào thương chiến với EU? - Ảnh 1.

Tổng thống Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trong một cuộc gặp gần đây - Ảnh: AFP

Ngày 9-4, ngay trong lúc các nhà hoạch định chính sách kinh tế thế giới đang dự hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại thủ đô Washington, Tổng thống Trump đăng đàn trên Twitter nói: "EU đã lợi dụng Mỹ về thương mại nhiều năm. Điều này sẽ sớm chấm dứt".

Liệu cảnh báo của ông Trump có mở đường cho cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới?

Ngòi lửa của "cuộc chiến"

Ngòi nổ của cuộc chiến thương mại Mỹ - EU lại bắt đầu từ vụ kiện giữa hai gã khổng lồ trong ngành hàng không Airbus và Boeing lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) 14 năm trước, trong đó Mỹ kiện EU vì đã trợ cấp cho Airbus dẫn đến gây thiệt hại nghiêm trọng cho Mỹ.

Năm 2018, WTO đã kết luận các khoản trợ cấp của EU là "bất hợp pháp" và dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về mức độ tổn thất do các biện pháp trợ cấp này gây ra vào hè năm 2019.

Tuy nhiên, trong lúc đợi phán quyết cuối cùng của WTO, cùng với tuyên bố của Tổng thống Trump, ngày 9-4 đại diện thương mại Mỹ Lighthizer đã ra thông báo cho biết "đã đến lúc hành động" và công bố việc Mỹ sẽ áp đặt thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 11 tỉ USD từ EU, trong đó bao gồm nhiều mặt hàng như pho mát, bơ, dầu ô liu cho đến xe máy, máy bay trực thăng...

EU ngay lập tức phản pháo, nói số liệu mà đại diện thương mại Mỹ đưa ra là "thổi phồng quá mức" và EU sẵn sàng chuẩn bị cho các biện pháp trả đũa đối với các hành động của Mỹ.

Các tuyên bố cứng rắn của hai bên làm dấy lên lo ngại về khả năng nổ ra chiến tranh thương mại trong bối cảnh IMF vừa cảnh báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2019.

Khoản thuế đánh vào 11 tỉ USD hàng nhập khẩu từ EU dù rất nhỏ nếu so với các biện pháp đáp trả trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc (hai bên áp đặt thuế quan đối với hơn 360 tỉ USD của nhau), nhưng đánh dấu bước "leo thang đáng kể" so với những gì Mỹ và EU đang áp dụng hiện nay (đang là 3,2 tỉ USD).

Khó có thương chiến toàn diện

Vụ kiện giữa Airbus và Boeing chỉ là bề nổi của tảng băng chìm trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và EU. Giữa hai bên hiện đang có "hòa ước mong manh" sau cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Juncker tháng 7-2018, trong đó hai bên nhất trí tiến hành các cuộc đàm phán về việc giảm thuế.

Thỏa thuận này tạm thời đóng băng những lời đe dọa của Tổng thống Trump đối với EU cho đến nay nhưng các cuộc đàm phán vẫn chưa thể bắt đầu vì 28 nước thành viên EU vẫn chưa phê chuẩn cho phép EC tiến hành đàm phán với Mỹ.

Tuy vậy, khả năng nổ ra một "cuộc chiến thương mại toàn diện" giữa hai bên là không nhiều mặc dù cả hai bên đều có những tuyên bố cứng rắn và các biện pháp trả đũa lẫn nhau có thể gia tăng trong thời gian tới.

Các biện pháp thuế quan mới này dù là bước leo thang đáng kể nhưng chỉ như là "giọt nước trong biển cả" trong tổng thể quan hệ thương mại giữa Mỹ và châu Âu hiện lên tới gần 1.200 tỉ USD năm 2017.

Các bước đi của Mỹ được cho là mang tính chiến thuật để tạo thuận lợi trong đàm phán với EU thời gian tới; cũng như trong đàm phán với Trung Quốc, các con bài được đẩy lên cao để tạo thế trong đàm phán.

Còn phía EU, dù khẳng định sẽ trả đũa bất kỳ đe dọa nào từ phía Mỹ, nhưng với những khó khăn hiện nay (Brexit bế tắc, tăng trưởng kinh tế thấp...), EU sẽ chấp nhận nhượng bộ phần nào và tìm kiếm một thỏa thuận để tránh rơi vào một cuộc chiến mới.

Dường như cả hai bên đều đã tính đến bước đi này. Đại diện thương mại Mỹ tuyên bố "một khi EU chấm dứt các trợ cấp có hại này, các biện pháp đáp trả của Mỹ sẽ được dỡ bỏ".

Còn về phía EU, bộ trưởng kinh tế Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đã nói: "Việc áp thuế có thực hiện hay không phụ thuộc vào việc có đạt được thỏa thuận giữa EU và Mỹ. EU sẵn sàng đàm phán với Mỹ để đạt được một giải pháp công bằng".

Giết gà dọa khỉ?

Vượt ra ngoài khuôn khổ quan hệ Mỹ - EU, với việc tuyên bố kết thúc thắng lợi trong đàm phán với Trung Quốc và chuyển hướng sang đồng minh thân cận nhất là EU, liệu có phải Tổng thống Trump đang gửi thông điệp: cuộc chiến thương mại chưa kết thúc và bắn đi một mũi tên trúng nhiều mục đích.

Một loạt các nước đang nằm trong tầm ngắm của Tổng thống Trump như Nhật Bản, Canada, Mexico... chắc hẳn không thể không nhìn vào bài học này.

Một khi Mỹ không ngần ngại gây căng thẳng thương mại với khối kinh tế lớn nhất thế giới và đồng minh thân cận nhất thì không có lý do để cho rằng không sẵn sàng cho cuộc chiến thương mại với các nước khác.

Nhật Bản sẽ bắt đầu đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ vào tuần tới trong bối cảnh có những lời đe dọa áp đặt thuế quan đối với ôtô nhập khẩu từ Nhật Bản. Canada và Mexico đang đàm phán với Mỹ về việc gỡ bỏ thuế quan đối với các mặt hàng nhôm, thép cũng như thông qua thỏa thuận mới thay thế cho NAFTA.

Ấn Độ đang tìm cách né tránh việc Tổng thống Trump đe dọa đưa Ấn Độ ra khỏi danh sách được hưởng ưu đãi về thuế cho các nước đang phát triển. Các nước đều đang theo dõi sát căng thẳng giữa Mỹ và EU để tìm ra chỉ dấu cho mình.

Nhưng cho dù cuộc chiến này có diễn tiến như thế nào, một điều có thể rút ra là với Tổng thống Trump, hãy luôn sẵn sàng cho những điều bất ngờ nhất.

Không phải ngẫu nhiên mà đến ngày 9-4 Mỹ mới thông báo sẽ áp đặt thuế quan lên 11 tỉ USD hàng hóa từ EU. Tuyên bố của ông Trump diễn ra chưa đầy một tuần sau khi thông báo "thỏa thuận thương mại với Trung Quốc sẽ được hoàn thành trong 4 tuần tới".
Mỹ tính trả đũa EU vì trợ cấp cho nhà sản xuất máy bay Airbus Mỹ tính trả đũa EU vì trợ cấp cho nhà sản xuất máy bay Airbus

TTO - Việc châu Âu trợ cấp Airbus được cho là khiến Mỹ thiệt hại đến 11 tỉ USD khiến quốc gia này tính chuyện đánh thuế trả đũa lên hàng hóa từ EU.

TÔ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên