20/10/2018 14:25 GMT+7

Mỹ đòi chấm dứt thỏa thuận với Nga về chuyện tên lửa

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Chính quyền Washington đang dùng cây gậy "chuẩn bị rút khỏi Hiệp ước giải trừ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF)" để răn đe Nga.

Mỹ đòi chấm dứt thỏa thuận với Nga về chuyện tên lửa - Ảnh 1.

Dàn tên lửa hành trình 9M728 (trái) và dàn tên lửa đạn đạo tầm ngắn 9M723 (phải) của Nga - Ảnh: AFP

"Ngày mai (20-10) tôi sẽ có mặt ở Matxcơva để gặp các quan chức cấp cao của Nga, trong đó có Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Thư ký Hội đồng an ninh Nga Nikolai Patrushev, để tiếp tục các thảo luận đã mở ra từ đối thoại thượng đỉnh giữa hai nước ở Helsinki (Phần Lan, vào tháng 7 vừa qua)", Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã viết trên Twitter vào ngày 19-10 trước khi lên đường đi Nga.

Trong khi đó, báo New York Times ngày 19-10 đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có ý định thông báo với giới chức Nga về việc Washington chuẩn bị rút khỏi Hiệp ước giải trừ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF), và vấn đề này có thể được cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton nêu trong chuyến thăm Nga.

Theo kế hoạch, ông Bolton lên đường ngày 20-10 bắt đầu chuyến thăm Nga, Azerbaijan, Armenia và Gruzia.

Nhật báo hàng đầu của Mỹ cũng dẫn các nguồn tin từ giới chức Mỹ và các nhà ngoại giao nước ngoài cho rằng tại các cuộc gặp giới chức Nga, ông Bolton sẽ thông báo về việc Mỹ chuẩn bị rút khỏi INF, mặc dù Nhà Trắng cho biết chưa có quyết định chính thức nào về việc rút khỏi hiệp ước này.

Mỹ đòi chấm dứt thỏa thuận với Nga về chuyện tên lửa - Ảnh 2.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton được xem là một chính khách có quan điểm cứng rắn - Ảnh: REUTERS

Theo nguồn tin, Mỹ cáo buộc Nga đã vi phạm INF trong nhiều năm qua, đặc biệt là việc triển khai hệ thống tên lửa 9M729 mà theo phía Washington là có tầm bắn vượt quá 500km. Trong khi đó phía Nga cũng cáo buộc ngược Mỹ đang vi phạm hiệp ước này.

Báo Guardian của Anh dẫn các nguồn tin thông hiểu vụ việc, lại cho rằng chính cố vấn Bolton (có tiếng cứng rắn) đã gây áp lực lên Tổng thống Trump để đòi rút khỏi Hiệp ước INF.

Cũng chính ông Bolton là người đã ngăn chận mọi khả năng thương thuyết về việc gia hạn Hiệp ước New Start đối với các tên lửa chiến lược, vốn sẽ hết hạn vào năm 2021 và phía Matxcơva đang muốn gia hạn thêm cho hiệp ước này.

Báo Guardian cho biết trong tuần này phía Mỹ đã thông báo cho các đồng minh của mình về ý định muốn rút khỏi Hiệp ước INF để thăm dò phản ứng của các đồng minh phương Tây nhưng có vẻ Anh đang rất lo về ý định này vì theo London, Hiệp ước INF như một trụ cột nhằm kiểm soát cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân giữa các cường quốc.

Mỹ đòi chấm dứt thỏa thuận với Nga về chuyện tên lửa - Ảnh 3.

Dàn tên lửa hành trình 9M728 có tầm bắn hơn 500km của Nga - Ảnh: AFP

Hồi đầu tháng 10 này, trong dịp đối thoại giữa các bộ trưởng quốc phòng khối NATO, Mỹ đã lên tiếng cáo buộc Nga vi phạm về tên lửa và dọa dẫm "xử luôn".

Trong phát biểu tại Brussels (Bỉ) ngày 2-10, trước thềm cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và những người đồng cấp NATO, bà Kay Bailey Hutchison - Đại sứ Mỹ tại NATO, đã cảnh báo Nga phải chấm dứt việc phát triển tên lửa mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, đồng thời đe dọa sẽ loại bỏ hệ thống này nếu nó được đưa vào hoạt động.

Bà Kay khẳng định nếu hệ thống của Nga được đưa vào hoạt động, Mỹ "sẽ xem xét khả năng phá hủy tên lửa có thể tấn công bất cứ quốc gia nào tại châu Âu và nước Mỹ".

Washington đã chia sẻ bằng chứng tình báo với 28 đồng minh NATO cho thấy Nga đang phát triển tên lửa hành trình phóng từ mặt đất và thiết bị này có thể cho phép Matxcơva tiến hành tấn công hạt nhân với châu Âu mà không báo trước.

Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ (Ronald Reagan) và Liên Xô (Mikhaïl Gorbatchov) ký ngày 8-12-1987. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500 km).

Hiệp ước đó nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng giữa hai khối sau khi Liên Xô cho triển khai các dàn tên lửa SS-20 mang đầu đạn hạt nhân nhắm vào các thủ đô của các quốc gia phương Tây trong những năm 1980.

Trong những năm gần đây, Nga và Mỹ thường xuyên tranh cãi về việc thực hiện INF và cáo buộc nhau phá vỡ thỏa thuận.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Nga đang xuống dốc nghiêm trọng, với những cáo buộc của Washington cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cũng như liên quan sự hỗ trợ của Nga đối với Chính phủ Syria trong cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này và tình hình xung đột tại Ukraine.

Tuy nhiên, Washington đang tìm kiếm sự ủng hộ của Matxcơva trong việc tìm ra giải pháp cho cuộc chiến Syria, cũng như việc gây sức ép đối với Iran và Triều Tiên.

Chuyến thăm của ông Bolton được thực hiện trong bối cảnh có nhiều kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga lần thứ hai sẽ diễn ra trong năm nay, có thể vào dịp họp thượng đỉnh G20 ở Argentina (cuối tháng 11, đầu tháng 12 tới - khả năng cao hơn), hoặc nhân kỷ niệm chấm dứt Thế chiến thứ nhất ở Paris (ngày 11-11) mà cả hai lãnh đạo đều được mời.

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên