Ngày 7-8, APHIS đã hoàn tất việc cập nhật cơ sở dữ liệu trực tuyến yêu cầu nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp (ACIR) để phê duyệt việc nhập khẩu dừa tươi từ Việt Nam.
Để có được kết quả trên, APHIS cùng với Cục Bảo vệ thực vật đã thống nhất về báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại đối với quả dừa có một phần vỏ nhập khẩu từ Việt Nam sang Mỹ.
Hai bên đã khẳng định không có sinh vật gây hại là đối tượng kiểm dịch thực vật đi theo hàng hóa và xác định dừa tươi non đã loại bỏ một phần vỏ (ít nhất 3/4 lớp vỏ xanh bên ngoài), với nguy cơ lây lan sinh vật gây hại là không đáng kể.
Như vậy trái dừa Việt Nam được nhập khẩu vào Mỹ có thể ở dạng được loại bỏ hoàn toàn lớp vỏ ngoài và xơ dừa, hoặc dạng quả dừa non đã loại bỏ ít nhất 75% (3/4) lớp vỏ xanh bên ngoài.
Do APHIS phân loại quả dừa đã bỏ vỏ được coi là dừa thương phẩm không có khả năng nảy mầm. Cùi và nước dừa bên trong có thể dùng làm thức ăn, nên yêu cầu kiểm dịch thực vật duy nhất là các lô hàng hóa này phải được kiểm tra tại các cảng nhập khẩu của Mỹ.
Cũng theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật, dự kiến cuối tháng 8, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) sẽ kiểm tra thực địa với các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu để hoàn thành đánh giá phân tích nguy cơ dịch hại đối với dừa tươi và làm căn cứ cho việc ký nghị định thư.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra trực tuyến kết hợp kiểm tra thực địa và tài liệu. Nội dung kiểm tra chính là hệ thống kiểm soát và phòng chống sinh vật gây hại trên dừa tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói, quá trình thu hoạch, vận chuyển và đóng gói dừa xuất khẩu.
Sau kiểm tra, Trung Quốc sẽ thực hiện quy trình đánh giá rủi ro và đề xuất các yêu cầu nhập khẩu phù hợp để xây dựng nghị định thư về nhập khẩu dừa từ Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận