Phóng to |
Bệ phóng tên lửa Đông Phong của quân đội Trung Quốc - Ảnh: Asian Week |
Ngày 6-5 (sáng 7-5 giờ Việt Nam), Lầu Năm Góc đã công bố bản báo cáo thường niên “Diễn biến an ninh và hàng hải liên quan đến Trung Quốc năm 2013” (http://www.defense.gov/pubs/2013_China_Report_FINAL.pdf) dài 83 trang đã được trình quốc hội.
Đây là lần đầu tiên Mỹ chính thức và trực tiếp cáo buộc Trung Quốc đã thực hiện các vụ tấn công tin tặc để đánh cắp bí mật quốc phòng của Mỹ. “Chính phủ Mỹ tiếp tục là mục tiêu của các vụ tấn công tin tặc. Một số vụ bắt nguồn trực tiếp từ chính phủ và quân đội Trung Quốc” - báo cáo nêu rõ. Ông David Helvey, quan chức Lầu Năm Góc phụ trách Đông Á, khẳng định báo cáo này phản ánh quan điểm của Chính phủ Mỹ và dựa trên sự thật chứ không phải tin đồn.
Vũ khí phục vụ âm mưu Thái Bình Dương
114, 135, 215 tỉ USD? Tháng 3-2013, chính quyền Trung Quốc công bố ngân sách quốc phòng năm 2013 vào khoảng 114 tỉ USD. Tuy nhiên, báo cáo của Lầu Năm Góc khẳng định con số thực tế lên đến 135-215 tỉ USD. Ông David Helvey cho biết Mỹ rất lo ngại với việc Trung Quốc luôn mập mờ trong chiến lược hiện đại hóa quốc phòng và các ý đồ quân sự ở khu vực. Ngày 7-5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ mọi cáo buộc trong báo cáo của Lầu Năm Góc. |
Theo báo cáo, Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đã mở chiến dịch tấn công dữ dội trên mạng trong những năm qua, đặc biệt là năm 2012, với mục tiêu là các hệ thống mạng của Chính phủ Mỹ. “Trung Quốc đang sử dụng các khả năng mạng của mình để thu thập thông tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, vốn hỗ trợ các chương trình quốc phòng quốc gia của Mỹ” - báo cáo khẳng định.
Trung Quốc đã sử dụng những bí mật công nghệ quốc phòng đánh cắp được, đặc biệt từ Mỹ, để phát triển các loại vũ khí hiện đại. Đầu tiên phải kể đến tàu sân bay Liêu Ninh, mà theo các chuyên gia Lầu Năm Góc, sẽ được triển khai hoạt động ở biển Hoa Đông và biển Đông.
Tiếp theo là máy bay chiến đấu tàng hình J-15 có khả năng đậu và cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh. Dự kiến đến năm 2018 loại máy bay mới này sẽ được đưa vào hoạt động, bởi Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, như phát triển động cơ, để đảm bảo J-15 có thể đạt hiệu quả tối đa.
Trung Quốc cũng đang âm thầm sản xuất loại máy bay chiến đấu tàng hình nhỏ hơn là J-20 và phát triển máy bay tàng hình không người lái. Ngoài ra, không thể không nhắc đến loại tên lửa chống tàu Đông Phong DF-21D, có tầm bắn khoảng 1.500km và có khả năng phá hủy các tàu quân sự lớn, kể cả tàu sân bay. Lầu Năm Góc hiện chưa rõ Trung Quốc đang sở hữu bao nhiêu tên lửa Đông Phong và hiện đang triển khai chúng ở đâu.
Ông David Helvey nhấn mạnh điều đáng lo ngại là tất cả các loại vũ khí này đều nhằm phục vụ chiến lược “ngăn chặn tiếp cận” của Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương. “Các vũ khí này có thể phối hợp tạo thành một hệ thống ngăn chặn hoạt động quân sự của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương” - ông Helvey nhấn mạnh.
Theo giới quân sự quốc tế, từ thập niên 1990, quân đội Trung Quốc đã phát triển chiến lược này để đối phó với khả năng quân Mỹ tiếp cận eo biển Đài Loan và biển Đông trong trường hợp nổ ra xung đột khi Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với các đảo tại khu vực này. Báo cáo của Lầu Năm Góc không quên cảnh báo Bắc Kinh đang ngày càng “hung hãn” với yêu sách đòi chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông và toàn bộ biển Đông.
Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh hải quân ở châu Á
Cùng ngày báo cáo này được công bố, đô đốc Jonathan Greenert, tư lệnh hải quân Mỹ, đã tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục kế hoạch mở rộng đầy đủ sự hiện diện quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương bất chấp việc cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Theo lịch trình, Lầu Năm Góc sẽ phải cắt giảm 41 tỉ USD trong năm 2013 và có thể là 500 tỉ USD trong chín năm tới. Thế nhưng, đô đốc Greenert khẳng định việc cắt giảm này sẽ không ảnh hưởng đến việc hải quân Mỹ tăng cường lực lượng ở châu Á.
Hải quân Mỹ đã triển khai 52 tàu chiến tại châu Á - Thái Bình Dương và con số này sẽ tăng lên 62 vào năm 2020. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng. Không có gì thay đổi trong kế hoạch của 7-8 năm tới” - ông Greenert khẳng định và cho biết việc cắt giảm ngân sách không ảnh hưởng đến 47 tàu chiến đang được đóng.
Ông cũng cho biết hải quân Mỹ sẽ tăng cường tập trận chung với các nước đồng minh và đối tác trong khu vực và tiếp tục triển khai những loại vũ khí tối tân nhất đến khu vực này. Như máy bay do thám P-8 Poseidon, vốn sẽ được đưa đến Nhật trong năm nay. Như tàu chiến gần bờ (LCS), vốn sẽ đóng vai trò quan trọng tại Thái Bình Dương. Một tàu LCS đã đến Singapore hồi tháng trước và thêm bốn tàu nữa sẽ có mặt trước năm 2017.
Về vấn đề tranh chấp chủ quyền tại biển Đông và biển Hoa Đông, đô đốc Greenert tiết lộ ông sẽ thảo luận về “các quy tắc trên biển” với các đối tác để ngăn chặn nguy cơ xung đột nổ ra.
Theo AFP, trong tháng này đô đốc Greenert sẽ đến Nhật, Singapore và Hàn Quốc để tăng cường hợp tác quân sự với các nước này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận