26/04/2012 08:01 GMT+7

Mỹ - Philippines diễn tập chiếm lại đảo

HƯƠNG GIANG
HƯƠNG GIANG

TT - Hàng ngàn lính Mỹ và Philippines đã đổ bộ vào đảo Palawan ngày 25-4, không xa khu vực đụng độ giữa tàu Philippines và Trung Quốc, trong đợt diễn tập chiếm lại đảo đã bị chiếm giữ.

JZ4YNrKr.jpgPhóng to

Lực lượng thủy quân lục chiến Philippines đổ bộ vào bờ biển phía tây Philippines trong cuộc diễn tập tái chiếm đảo ngày 25-4 - Ảnh: Reuters

“Chúng tôi giả định một vụ đột kích vào hòn đảo đã bị một nhóm khủng bố chiếm giữ, giành lại căn cứ, giải phóng con tin và vô hiệu hóa đối phương” - AFP dẫn lời sĩ quan Rommel Abrau thuộc lực lượng đổ bộ của thủy quân lục chiến Philippines cho biết. Đây là một phần trong chương trình tập trận chung Balikatan, kéo dài từ ngày 16 đến 27-4. Trong khuôn khổ Hiệp ước phòng thủ chung Philippines - Mỹ ký kết năm 1951, hai nước sẽ diễn tập kế hoạch phòng thủ chung để chống lại bất cứ sự công kích nào nhằm vào Philippines.

Cuộc tập trận lần này diễn ra đúng vào lúc căng thẳng ở vùng tranh chấp trên biển Đông đang không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, các quan chức Philippines khẳng định cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ trước và không nhằm vào nước nào cụ thể. Trung tướng Juancho Sabban cho biết tập trận với Mỹ “chỉ đơn giản là hành động cùng nhau, cải thiện các kỹ năng”.

Tái chiếm đảo

Reuters mô tả từ các tàu của hai nước, khoảng 7.000 thủy quân lục chiến Philippines và Mỹ đã đổ bộ vào đảo Palawan. Những toán đặc công cũng tiến vào đất liền trước trên những chiếc xuồng hơi cao su để chọc thủng vòng bảo vệ của đối phương và mở đường cho biệt kích tiến vào. Chiến đấu với những khẩu súng trường, họ nhích từng chút một đến các căn cứ hải quân trên đảo, nơi con tin đang bị giam giữ.

“Chúng tôi cho rằng các bên liên quan cần kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông và khu vực” - ông Nghị nói.

Trước đó vài ngày, các nhóm biệt kích cũng đã nhảy thang dây từ máy bay trực thăng Mỹ xuống thuyền để tái chiếm giàn khoan bị chiếm.“Đây là một trong những đợt tập trận tốt nhất mà tôi từng tham gia kể từ khi gia nhập lực lượng thủy quân lục chiến - trung sĩ Mỹ Matthew Milanuk nói - Thủy quân lục chiến Philippines là một lực lượng có khả năng và có thể tự mình đương đầu nếu tình huống thật diễn ra”.

Từ Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải tuyên bố: “Chúng tôi hẳn nhiên lo ngại về vấn đề biển Đông. Một số kẻ đang cố làm lẫn lộn hai vấn đề chẳng liên quan gì với nhau là chủ quyền lãnh thổ và tự do đi lại”. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lưu Vi Dân lặp lại lời kêu gọi Manila không nên quốc tế hóa tranh chấp trên biển Đông khiến tình hình thêm phức tạp. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cũng cảnh báo các động thái gần đây của Washington tại biển Đông và nhấn mạnh Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh quân sự đến đâu là tùy thuộc kết quả ngoại giao đến mức nào. Cuối tuần trước, tờ Thời Báo Hoàn Cầu đã lớn tiếng kêu gọi chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh khu vực với Philippines.

Trong một bài phân tích về tình hình biển Đông ngày 20-4, mạng tin Theatrum Belli nhận định “các sự kiện mới đây cho thấy thái độ hiếu chiến của Trung Quốc đang tăng lên, không chỉ qua những cuộc xâm lấn trên thực địa mà còn có những hành động hung hăng chống Mỹ”.

Đề cập một quan điểm ngoại giao mập mờ của Trung Quốc, mạng tin này viết: Không hài lòng với việc chiếm biển, Trung Quốc cũng đang chiếm cả không gian ngoại giao. Không ngại mâu thuẫn với chính mình, Trung Quốc đang nuôi tham vọng đôi khi thể hiện bộ mặt hòa giải và hòa bình hơn trong khi vẫn khẳng định chủ quyền trên biển Đông. Trong ý đồ chính thức hóa “đường lưỡi bò”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm 2011 đã nói đến “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc trên biển Đông. Đại sứ Trung Quốc tại Philippines lúc đó là Lưu Kiến Siêu đã “khuyến cáo các nước đòi hỏi chủ quyền tại biển Đông” không nên tiếp tục khai thác dầu khí tại các “vùng lãnh hải của Trung Quốc” khi chưa được phép của Bắc Kinh.

Thăm dò dầu khí

Theo báo Daily Inquirer, Công ty dầu khí Philippines Philex Petroleum ngày 24-4 tuyên bố phát hiện trữ lượng khí đốt nhiều hơn mong đợi tại giếng Sampaguita, khu vực tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông. Một báo cáo năm 2006 ước tính mỏ này chứa khoảng 20.000 tỉ m3. Bộ trưởng Năng lượng Philippines Jose Rene Almendras cho biết phát hiện mới sẽ thúc đẩy kế hoạch trị giá hàng triệu USD xây dựng một đường ống dẫn khí từ giếng khí đốt về Manila.

Giới quan sát nhận định dù Bắc Kinh có khẳng định chủ quyền và xem biển Đông là “của mình” thì biển Đông vẫn là lãnh hải quốc tế, thu hút sự có mặt của các nước lớn.

HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên