20/01/2007 15:29 GMT+7

Mỹ - Anh chia chác nguồn dầu hỏa Iraq như thế nào?

ĐINH CÔNG THÀNH
ĐINH CÔNG THÀNH

TTCT - Tạp chí Independent On Sunday hôm chủ nhật tuần trước đã đăng tải một bản sao kế hoạch đang được lưu hành trong các công ty dầu hỏa từ tháng 7-2006, theo đó Chính phủ Iraq đang chuẩn bị đưa ra một đạo luật cho phép các công ty Anh - Mỹ độc quyền khai thác dầu hỏa trong thời gian ít nhất là 30 năm...

5olpI7KE.jpgPhóng to
TTCT - Tạp chí Independent On Sunday hôm chủ nhật tuần trước đã đăng tải một bản sao kế hoạch đang được lưu hành trong các công ty dầu hỏa từ tháng 7-2006, theo đó Chính phủ Iraq đang chuẩn bị đưa ra một đạo luật cho phép các công ty Anh - Mỹ độc quyền khai thác dầu hỏa trong thời gian ít nhất là 30 năm...

Giữa lúc cuộc nội chiến đang diễn ra khốc liệt và sau cuộc hành quyết vội vã Saddam Hussein, đạo luật về dầu hỏa này đã được lặng lẽ chuyển đến Văn phòng nội các và quốc hội tại Baghdah để được phê chuẩn dưới tựa đề Thỏa thuận ăn chia sản phẩm - (“Production - sharing agreements” - PSA).

Chỉ qua 40 trang giấy của đạo luật này, Chính phủ Irak đã dâng hiến nguồn tài nguyên vô giá của mình cho nước ngoài. Iraq vẫn giữ chủ quyền hợp pháp trên danh nghĩa, nhưng lợi nhuận đã lọt vào túi các công ty đa quốc gia đầu tư cho các giếng dầu, đường ống dẫn và nhà máy lọc trong 30 năm sắp tới.

Theo dự luật này, các công ty nước ngoài không bị giới hạn khi chuyển lợi nhuận về nước và không hề bị đánh thuế. Cổ phần của họ cũng có thể được bán lại một cách tự do cho người nước ngoài. Để tiện so sánh: Saudi Arabia và Iran, hai quốc gia xuất khẩu dầu đứng thứ nhất và thứ nhì, đều kiểm soát nghiêm ngặt thông qua các công ty quốc doanh của các nước này và không cho phép nước ngoài góp cổ phần.

Hơn nữa, sau khi trừ các chi phí xây dựng hạ tầng cơ sở, họ có quyền giữ lấy 20% lợi nhuận, và phần còn lại mới giao cho chính phủ trong suốt 30 năm. Theo tiến sĩ Muhammad Ali Zainy, thuộc Viện Nghiên cứu năng lượng toàn cầu: 20% lợi nhuận sau khi trừ hết các chi phí, đó là con số quá lớn. Tại các nước khác, thường là 10%, điển hình là khi Total ký hợp đồng với Saddam Hussein trước chiến tranh Iraq lần 2, cũng chỉ được chia 10% lợi nhuận. Một hợp đồng chưa từng thấy so với các quốc gia sản xuất dầu hỏa tại Trung Đông. Thỏa thuận ăn chia sản lượng đến 30 năm là điều bất thường,

Giáo sư Greg Muttitt, thuộc nhóm bảo vệ nhân quyền và môi trường Platform, cho biết: Iraq sẽ đi đến kết cuộc bi đát nhất. Đạo luật này được phác thảo với sự trợ giúp của Công ty tư vấn BearingPoint, do Chính phủ Hoa Kỳ thuê mướn, vốn có đại diện nằm ngay tại tòa đại sứ Mỹ ở Baghdad. Kế hoạch này được gửi đến Chính phủ Hoa Kỳ và các công ty dầu hỏa lớn vào tháng bảy, rồi đến Quĩ Tiền tệ quốc tế vào tháng 9-2006.

Các công ty khổng lồ như BP, Shell của Anh, Exxon và Chevron của Hoa Kỳ sẽ độc chiếm được phần béo bở nhất khi khai thác dầu hỏa của Iraq.

Trong một quốc gia phải lệ thuộc vào dầu hỏa hơn mọi thứ khác, chiếm đến 70% kinh tế cả nước và 95% thu nhập của chính phủ, việc kiểm soát tài nguyên dầu hỏa sẽ là nguyên nhân cho những tranh chấp bất tận. Hầu hết nguồn dầu hỏa nằm trong khu vực do người Kurd và Shiite kiểm soát, càng làm tăng cao mối lo sợ “bị trắng tay” của người Sunnite. Năm ngoái người Kurd đã tự mình ký kết các hợp đồng khai thác dầu riêng lẻ nhỏ, gây ra xung đột với chính phủ Iraq.

Lãnh đạo các nhà doanh nghiệp Iraq gặp nhau tại Jordan mới đây cho biết đạo luật này có thể gây thêm nổi loạn, khi nó được phổ biến ra công chúng. Họ tuyên bố: “Nhân dân Iraq không cho phép ai quyết định tương lai dầu hỏa của mình một cách lén lút”.

Irak có trữ lượng dầu khoảng 115 tỉ thung, chiếm 10% trữ lượng toàn thế giới. Đã có 71 giếng dầu được phát hiện, nhưng mới có 24 giếng hiện đang được khai thác, trong đó có nhiều giếng dầu chỉ cần bơm lên là có ngay dầu để bán. Song do đường ống dẫn dầu lại đi qua khu vực của người Shiite nên vẫn chưa khai thác được là mấy. Phải chăng đạo luật “hậu hĩnh “này là để bù cho những rủi ro có thể có?

ĐINH CÔNG THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên