29/03/2020 15:00 GMT+7

Murder most foul của Bob Dylan: Ngân lên âm thanh của bóng tối

HIỀN TRANG
HIỀN TRANG

TTO - Có lẽ không phải ngẫu nhiên Bob Dylan lại ra ca khúc vào đúng thời điểm này, khi nước Mỹ và cả thế giới đang chìm trong một nỗi hoang mang trước dịch bệnh quái gở.

Murder most foul của Bob Dylan: Ngân lên âm thanh của bóng tối - Ảnh 1.

Nhạc sĩ - ca sĩ Bob Dylan - Ảnh: Pitchfork

1. Hậu Nobel văn chương năm 2016, Bob Dylan dường như gác bút. Ông xem ra đã gác bút từ trước đó mấy năm. Album cuối cùng có những sáng tác mới của ông là Tempest ra mắt vào năm 2012.

Đến giờ đã 8 năm, Dylan vẫn ra album khá đều đặn nhưng không viết thêm ca khúc mới.

Những tưởng ông đã chán viết nhạc, nhưng không, như câu thành ngữ "Hổ thì mãi giữ cốt cách của hổ", khi Dylan giới thiệu bài hát Murder most foul vào ngày thứ sáu vừa qua, Dylan lại một lần nữa cho thấy ông chính là Homer của thời đại mình.

Ca khúc dài gần 17 phút - dài nhất trong những sáng tác của Dylan từ trước tới nay, xứng đáng được gọi là một trường ca.

Murder most foul tạm dịch là: sự giết chóc thường tồi tệ. Nếu ai yêu thích Shakespeare hẳn họ sẽ ngay lập tức nhận ra cụm ấy từng xuất hiện trong hồi 1 vở Hamlet, đoạn hồn ma nhà vua hiện về gặp con trai và giãi bày cái chết tức tưởi của bản thân.

Còn trong ca khúc của Dylan, nó nói về cái ngày tổng thống John F. Kennedy bị ám sát.

Sự kiện Kennedy bị ám sát như một vệt đen đối với những người sống vào thập niên 1960. Dylan không là ngoại lệ.

Trong cuốn tiểu sử về Dylan mang tên No direction home có kể lại rằng ba tháng sau khi Kennedy bị bắn, Dylan đã lòng vòng quanh con đường phố Elm, nơi tổng thống qua đời.

2. Bắt đầu bằng tiếng violin ở những nốt thấp nhất cùng tiếng piano diễn cảm, giọng ca "như cát trộn hồ" của Bob Dylan lạo xạo vang lên: "Đó là một ngày đen tối ở Dallas, tháng 11 năm 1963…", như một người dẫn truyện đang khẽ khàng kể lại một ký ức tối ám.

Song Murder most foul khác với Tempest, Hurricane hay Highlands - những bản trường ca nổi tiếng khác của Dylan.

Murder most foul không thuật lại cái chết của Kennedy theo cách kể một câu chuyện bình thường mà giống hơn với một văn bản siêu thực được viết bằng kỹ thuật dòng ý thức, nhưng câu từ và ý nghĩ cứ thế nhân ra đến vô biên, nối đuôi nhau không có điểm dừng.

Thậm chí Kennedy chỉ là cái cớ để Dylan kéo người nghe trở về với phim ảnh, văn hóa và đặc biệt là âm nhạc của những thập niên đã qua, thứ âm nhạc vẫn vang lên cho cả những mục sư, cho cả những chú chó không nhà, cho cả đệ nhất phu nhân và cho cả ngài tổng thống.

Giống như Quentin Tarantino hoài nhớ thời vàng son Hollywood từ cái cớ về thảm kịch diễn viên Sharon Tate, Bob Dylan mượn Kennedy để hồi tưởng về một thời ta có The Beatles, The Everly Brothers, Nat King Cole, Charlie Parker, Thelonious Monk, The Eagles, Queen, Buster Keaton, Marilyn Monroe...

Là người kể chuyện, người hướng đạo, người dẫn dắt tinh thần cả một thế hệ, Dylan dường như mượn chuyện quá khứ để mạn đàm hiện tại, bởi khi Kennedy bị ám sát, đó không chỉ là cái chết của một cá thể mà còn là cái chết của một nước Mỹ tao nhã, cái chết của sự trang nghiêm, của thơ và của những giấc mơ.

Nước Mỹ sau đó chao đảo và bước vào một thời kỳ hỗn độn, chia rẽ và trật bánh.

Mặc dù thế, cuộc sống như mô tả trong Murder most foul vẫn tiếp tục, với âm nhạc lẫn lộn trong tội ác và được sinh ra từ vẻ đẹp của những nỗi đau, như ca khúc Only the good die young (Những người tốt thì chết sớm) của Billy Joel, như bản nhạc dân gian Tom Doodley kể về một vụ giết người kinh hoàng, như bản I’d rather go blind (Tôi thà mù lòa còn hơn) của Etta James…

"Ngân lên âm thanh của bóng tối và cái chết sẽ đến khi nó đến" - ở đoạn gần cuối của ca khúc, Dylan viết - "Thời kỳ của kẻ chống Chúa mới chỉ bắt đầu thôi" và cái chết có thể tới bất cứ lúc nào; nhưng chừng nào nó còn chưa tới, chừng đó âm nhạc vẫn phải ngân nga và hòn đá vẫn phải tiếp tục lăn.

Bob Dylan qua Rolling Thunder Revue: Tôi là một kẻ trác táng thích ngao du Bob Dylan qua Rolling Thunder Revue: Tôi là một kẻ trác táng thích ngao du

TTO - Chân dung của Bob Dylan, huyền thoại của âm nhạc Mỹ, chưa bao giờ sống động và chân thực đến thế trong bộ phim tài liệu Rolling Thunder Revue: Câu chuyện của Bob Dylan do Martin Scorsese kể vừa được phát trên Netflix.

HIỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên