Nhà tôi ở quận Tân Bình (TP.HCM). Trước nhà tôi có một cây xanh. Cây này do đơn vị trồng cây xanh trồng. Tuy nhiên, vị trí cây không nằm ở ranh giới giữa nhà tôi và nhà bên cạnh mà lệch qua phía nhà tôi khoảng 0,5m đến 1m.
Nay tôi muốn yêu cầu đơn vị trồng cây xanh trồng lại đúng vị trí ranh giới giữa nhà tôi và nhà bên cạnh thì làm việc với cơ quan nào?
Để giải quyết vấn đề này, tôi có thể làm việc với UBND quận Tân Bình không?
Một bạn đọc hỏi.
- Luật sư Đặng Hoài Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời:
Quy định trồng cây xanh đường phố tại điểm 3, mục II, Phần II Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20-12-2005 như sau:
Khoảng cách giữa các cây trồng được quy định tùy thuộc vào việc phân loại cây (tham khảo Phụ lục 1) hoặc theo từng vị trí cụ thể của quy hoạch trên khu vực, đoạn đường.
Chú ý trồng cây ở khoảng trước tường ngăn giữa hai nhà phố, tránh trồng giữa cổng hoặc trước chính diện nhà dân đối với những nơi có chiều rộng hè phố dưới 5m.
Như vậy, theo quy định hiện hành, trồng cây xanh tránh chính diện nhà dân, áp dụng đối với nơi có chiều rộng hè phố dưới 5m và phải đảm bảo các điều kiện khác như:
a) Đối với các tuyến đường lớn có chiều rộng hè phố trên 5m, nên trồng các cây loại 2 hoặc loại 3 theo quy định phân loại cây đô thị tại địa phương.
b) Đối với các tuyến đường trung bình có chiều rộng hè phố từ 3m đến 5m, nên trồng các cây loại 1 hoặc loại 2 theo quy định phân loại cây đô thị tại địa phương.
c) Đối với các tuyến đường nhỏ có chiều rộng hè phố hẹp dưới 3m, đường cải tạo, bị khống chế về mặt bằng và không gian thì cần tận dụng những cây hiện có hoặc trồng tại những vị trí thưa công trình, ít vướng đường dây trên không và không gây hư hại các công trình sẵn có, có thể trồng dây leo theo trụ hoặc đặt chậu cây.
d) Khoảng cách các cây được trồng tính từ mép lề đường 0,6m đến 1,0m căn cứ theo tiêu chuẩn phân loại cây.
e) Cây xanh đường phố và các dải cây phải hình thành một hệ thống cây xanh liên tục và hoàn chỉnh, không trồng quá nhiều loại cây trên một tuyến phố. Trồng từ một đến hai loại cây xanh đối với các tuyến đường, phố có chiều dài dưới 2km. Trồng từ một đến ba loại cây đối với các tuyến đường, phố có chiều dài từ 2km trở lên hoặc theo từng cung, đoạn đường.
f) Đối với các dải phân cách có bề rộng dưới 2m chỉ trồng cỏ, các loại cây bụi thấp, cây cảnh. Các dải phân cách có bề rộng từ 2m trở lên có thể trồng các loại cây thân thẳng có chiều cao và bề rộng tán lá không gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, trồng cách điểm đầu dải phân cách, đoạn qua lại giữa hai dải phân cách khoảng 3m - 5m để đảm bảo an toàn giao thông.
g) Tại các trụ cầu, cầu vượt, bờ tường, nghiên cứu thiết kế bố trí trồng dây leo để tạo thêm nhiều mảng xanh cho đô thị, có khung với chất liệu phù hợp cho dây leo để bảo vệ công trình. Tại các nút giao thông quan trọng, ngoài việc phải tuân thủ các quy định về bảo vệ an toàn giao thông, tổ chức trồng cỏ, cây bụi, hoa tạo thành mảng xanh tăng mỹ quan đô thị.
h) Cây xanh được trồng cách các góc phố 5m - 8m tính từ điểm lề đường giao nhau gần nhất, không gây ảnh hưởng đến tầm nhìn giao thông.
i) Cây xanh được trồng cách các họng cứu hỏa trên đường 2m - 3m; cách cột đèn chiếu sáng và miệng hố ga 1m - 2m.
j) Cây xanh được trồng cách mạng lưới đường dây, đường ống kỹ thuật (cấp nước, thoát nước, cáp ngầm) từ 1m - 2m.
k) Cây xanh được trồng dọc mạng lưới đường dây dẫn điện phải đảm bảo hành lang an toàn lưới điện theo quy định của Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17-8-2005 về chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.
Như vậy, trong quá trình phân bổ cây để trồng, có thể vì một số lý do nào đó cây đã được trồng trước chính diện nhà ông/bà gây cản trở sinh hoạt, khó khăn cho đi lại, mua bán.
Do đó, yêu cầu về việc dịch chuyển cây này của ông bà là chính đáng. Đối với yêu cầu của ông/bà là phù hợp, có thể thực hiện được theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11-6-2010 như sau:
Hồ sơ:
a) Đơn đề nghị nêu rõ vị trí chặt hạ, dịch chuyển; kích thước, loại cây và lý do cần chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị.
b) Sơ đồ vị trí cây xanh đô thị cần chặt hạ, dịch chuyển.
c) Ảnh chụp hiện trạng cây xanh đô thị cần chặt hạ, dịch chuyển.
Thẩm quyền giải quyết: Sở Xây dựng TP.HCM.
Thời gian giải quyết:
Thời gian giải quyết cho việc cấp giấy phép dịch chuyển tối đa không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Thực hiện việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị: không quá 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy phép.
Do đó, trường hợp cây xanh chính diện trước nhà ông/bà gây cản trở, có thể yêu cầu dịch chuyển nếu đủ điều kiện dịch chuyển hoặc yêu cầu chặt hạ và Sở Xây dựng TP.HCM sẽ xem xét, giải quyết yêu cầu này.
Tuy nhiên, về chi phí, ông/bà phải có trách nhiệm đền bù giá trị cây, chịu mọi chi phí cho việc chặt hạ, dịch chuyển.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận