03/06/2011 04:07 GMT+7

Muôn trùng cố quận

NAM PHÚ
NAM PHÚ

TT - Sau khi nhận giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin 2004 với Ðương đầu (Tuổi Trẻ ngày 15-4-2011), Fatih Akin tiếp tục hành trình sáng tạo đầy cá tính của mình với The edge of heaven (Bên kia chân trời (*), 2007).

6OGaQvVm.jpgPhóng to

Baki Davrak (vai Nejat) và Nursel Köse (vai Yeter) trong The edge of heaven - Ảnh: allmovieporta

Ở bộ phim này, với tư cách là người am tường văn hóa Ðức - Thổ, Akin dường như tự lấy mình làm cảm hứng, với ý nghĩ quyết liệt là phải băng qua mọi rào cản để vừa thám định lịch sử quê nhà vừa cập nhật đời sống nơi trú xứ. Bởi thế, Bên kia chân trời vừa có những trải nghiệm địa lý - cái sẽ kích thích các giác quan người xem về những miền đất chưa từng đặt chân với sự thân thiện bằng hữu; vừa có khát vọng được gắn bó, vỗ về và an nghỉ nơi cố quận của đời người tha hương lang bạt.

Chuyện phim được tổ chức theo hình thức sân khấu với ba lát cắt khác nhau: (1) Cái chết của Yeter - (2) Cái chết của Lotte - (3) Bên kia chân trời. Yeter là ả điếm gốc Thổ, Lotte là một cô gái Ðức, còn bên kia chân trời là vùng đất Trabazon nằm ven biển. Cả ba, do cùng liên quan đến Nejat (Baki Davrak đóng) - một trí thức trẻ Ðức gốc Thổ, người đứng ở trung tâm để chuyển tiếp các pha tự sự - đã dần dần khơi nới từng mảnh không gian và tâm tư, số phận khác nhau.

Yeter, sau vài lời gạ gẫm mua bán tình dục, đã đến ở với Ali (cha Nejat), để rồi chết bởi cú đánh ghen tuông của ông già Ali ngay lúc Yeter muốn từ bỏ cái nghề khốn nạn. Con gái Yeter là Ayten, từng tham gia các cuộc biểu tình chính trị ở quê nhà, đã bị trục xuất khỏi nước Ðức và tống giam tại Istanbul. Trên đất Thổ, cô gái Lotte một mình đi cứu bạn để rồi chết bởi chính khẩu súng mà Ayten từng cất giấu. Bà Susanne, mẹ Lotte, lặn lội sang Istanbul tìm lại những di vật của con gái... Cứ như vậy, hành trình Istanbul và Hamburg, Ðức và Thổ chuyển vế cho nhau, khi nơi này là xa lạ, khi nơi đó thân quen, khi người dưng tốt bụng, khi máu chảy ruột mềm.

Trong The egde of heaven thì cha - con, mẹ - con là một thực thể lỏng lẻo về ý thức hệ dù giữa họ, tình yêu thương là hệ số vững chắc. Ông già Ali vốn quen với tính gia trưởng truyền thống đã không thể đối thoại với con trai mình, nhất là không thể hình dung rằng con người sẽ hoàn lương nếu được thức tỉnh và giáo dục. Bà Susanne tuy không kỳ thị chủng tộc nhưng khó lòng ủng hộ việc con gái cứu giúp kẻ ngoại lai.

Cũng thật khó tìm được hình ảnh nào thích hợp hơn là cự ly song song, được vít chặt bởi góc máy tĩnh, giữa Nejat và Yeter trên chuyến xe buýt. Họ tuy cùng chung cố quận nhưng không chung hành trình đi đến tương lai, khi Nejat là biểu tượng sức trẻ vươn lên, còn Yeter lại tận cùng bất hạnh trên đất khách quê người...

Sự phức tạp nảy sinh vì mỗi thế hệ đều có ngưỡng, có rào cản trong nhận thức và hành động. Hai cái chết: một Thổ, một Ðức; hai án tù: một trẻ, một già... dường như là kết quả của một xã hội chưa thật thống nhất, chưa tìm được tiếng nói chung về những giá trị an sinh cuộc sống. Việc bà Susanne ở lại Istanbul để cùng Nejat chăm nom cửa hàng sách và Nejat quay trở về vùng quê Trabazon từng xuất hiện đôi lần trong lời kể của người cha, ở chừng mực nào đó, chỉ như giấc mơ cố quận và bảo lưu bản ngã trong một thời đại "phẳng" đến cả ký ức.

Tuy nhiên, Bên kia chân trời đã hé lộ một Istanbul như là nơi để xóa nhòa ranh giới, các khoảng cách địa lý và tâm lý. Thật ý nghĩa khi cánh tay Lotte đã chìa ra để Ayten nắm lấy, cũng với góc máy tĩnh đóng vai quan sát, như tiếng lòng đang truyền sang nhau trong thinh lặng của hi vọng. Istanbul là nơi bà mẹ Ðức khóc thương con, cũng là nơi bà cứu giúp Ayten khỏi trại giam. Không có tội lỗi và buồn đau nào còn lại trên mặt đất này nếu sự tha thứ là một đức tính làm người.

(*) Phim có DVD tại Việt Nam, đã đoạt 26 giải thưởng, trong đó có giải kịch bản hay nhất tại Liên hoan phim Cannes 2007.

NAM PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên