Bao cát, can nhựa đựng nước và ống dẫn nước chằng quanh mái - Ảnh: LÊ TRUNG
Sáng 26-9, người dân các làng biển ở Quảng Nam đã tất bật với những cách ứng phó bão Noru. Nhà thì dùng bao cát, bao ni lông, thùng xốp đựng nước chằng mái tôn, có người dùng dây cáp níu giữ mái nhà.
Nghe tin bão mạnh sắp đổ bộ, ông Cao Tiến (60 tuổi, thôn Tỉnh Thủy, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ) cùng vợ tất bật dùng bao cát, can nước đặt lên mái nhà. Chưa chắc chắn, ông còn lấy đường ống dẫn nước của ao nuôi tôm giăng xung quanh mái, bơm nước căng tròn.
"Dùng mọi cách hy vọng mái nhà chống chọi được với bão mạnh. Những năm trước khi bão vào mái tôn nhà tôi bay tán loạn, thiệt hại nặng" - ông Tiến tâm sự.
Còn hai cha con ông Trương Công Hồng (63 tuổi) có một cách ứng phó bão dường như chắc chắn hơn. Đó là mua những sợi dây cáp rồi khoan tường bắt cọc sắt, giăng dây cáp hai bên nhà để níu giữ mái tôn. Mỗi mét dây cáp được ông mua với giá 7.000 đồng.
"Mấy năm trước dùng bao cát chằng lên mái tôn nhưng vẫn bị bão hất bay, năm nay thử níu bằng dây cáp, dù có hơi tốn kém nhưng tui thấy chắc chắn hơn" - ông Hồng nói.
Nhiều nhà dân khác thì dùng thùng xốp, bao ni lông đựng nước, dùng bao cát, dây thừng chằng, cột mái nhà. Họ dùng mọi cách có thể để bảo vệ nhà trước cơn bão được dự đoán là siêu mạnh.
Dùng can nhựa đựng nước chằng lên mái tôn - Ảnh: LÊ TRUNG
Hai cha con ông Hồng tất bật với cách chống bão bằng dây cáp - Ảnh: LÊ TRUNG
Dùng bao ni lông đựng nước chằng mái - Ảnh: LÊ TRUNG
Thùng xốp đựng nước chằng mái nhà - Ảnh: LÊ TRUNG
Và can nhựa - Ảnh: LÊ TRUNG
Lo giữ nhà, thuyền trước bão
Trước giờ bão đổ bộ, người dân Đà Nẵng hối hả chèn chống nhà cửa, tháo dỡ hàng quán, ràng buộc tàu thuyền cẩn thận.
Ghi nhận tại bãi biển Xuân Hà, quận Thanh Khê sáng 26-9, các thuyền thúng đã được ngư dân tập kết lên bờ chằng néo cẩn thận.
Trong khi đó, tại các khu dân cư, nhiều nhà mái tôn được chủ nhà kéo dây bơm nước vào các can nhựa để dằn chặt. Tại các hàng quán, công trình xây dựng, không khí chuẩn bị tránh bão cũng rất khẩn trương.
Ông Năm, chủ một quán nhậu trên đường Nguyễn Tất Thành, cho hay do quán dựng trên đất thuê tạm bợ, không chống chịu nổi gió bão nên đã chủ động cùng gia đình tháo dỡ lều bạt, thu dọn bàn ghế, vật dụng xếp kỹ vào một góc.
Cả quán nhậu được tháo dỡ sạch trong buổi sáng, chỉ còn để lại khung sắt để bão qua đi sẽ lắp trở lại. Theo ông Năm, đài báo bão to nên cả nhà rất lo lắng, tranh thủ xử lý xong quán nhậu trong buổi sáng để trưa về chèn lại mái nhà.
Trên các tuyến đường lớn, nhiều tốp công nhân Công ty Công viên cây xanh cắt tỉa các cành nhánh cây xanh. Bên cạnh đó, các đơn vị điện lực cũng tham gia vào việc cắt tỉa những cành tán lớn trên hành lang lưới điện để tránh sự cố mất điện, đứt đường dây khi cây ngã đổ.
Tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, các tàu cá tiếp tục vào bờ. Trong khi đó, một số tàu cá nhỏ đã được người dân đưa lên bờ. Theo thống kê của UBND quận Sơn Trà, đến thời điểm này đã có hơn 903 tàu thuyền các loại cập bờ neo đậu.
Ông Nguyễn Phú Ban - giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng - cho biết đến thời điểm này, thành phố còn 7 tàu thuyền với 45 lao động trên biển. Tuy nhiên các tàu này đều ở khu vực bắc quần đảo Hoàng Sa và di chuyển về vịnh Bắc Bộ để đảm bảo an toàn.
Một chủ tàu tháo chân vịt sau khi đưa tàu lên bờ
Ngư dân phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng, đưa thuyền thúng lên bờ ràng buộc cẩn thận tránh gió bão
Ông Năm, chủ một quán nhậu trên đường Nguyễn Tất Thành, tranh thủ buổi sáng tháo dỡ, dọn dẹp quán tránh bão
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận