Nhạc sĩ Võ Thế Hùng - Ảnh: L.Đ.Dục |
* Sự hi sinh của những người lính nói chung và những địa danh thiêng liêng trên đất Quảng Trị như nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, thành cổ Quảng Trị đã đi vào các tác phẩm âm nhạc của anh đầy ám ảnh. Với nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, tôi nhớ anh có một ca khúc phổ thơ của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý?
- Thật ra đó là một cơ duyên. Năm 1997, khi Đài Tiếng nói Việt Nam và Bộ Lao động - thương binh và xã hội phối hợp tổ chức cuộc thi sáng tác về đề tài thương binh - liệt sĩ nhân kỷ niệm 50 năm ngày lễ này, tôi đã gặp bài thơ Khát vọng Trường Sơn của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý.
Những câu thơ của anh Quý chỉ cần đọc lên đã hiện ra đội hình của những người lính trong nghĩa trang:
Nằm kề nhau những nấm mộ giống nhau/Mười nghìn bát hương mười nghìn ngôi sao cháy/Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng/Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn/Mười nghìn đôi vai từng gánh Trường Sơn/Mười nghìn đôi tay mở rừng xẻ núi...
Cho đến nay tôi vẫn coi đây là bài thơ chuyển tải hay nhất “tinh thần Trường Sơn” về nghĩa trang này, đó là “mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn”, mỗi nấm mộ ở đây là cuộc đời của một người lính trẻ mà sự dâng hiến của họ cho Tổ quốc cũng lớn lao và vĩ đại như dãy Trường Sơn.
Sống ở một đất nước mà lịch sử cô đọng trong hai từ “dựng nước” và “giữ nước” thì việc nhớ ơn những người lính đã tiếp nối bao thế hệ ngã xuống là chuyện ai cũng cần phải biết. Chương trình Câu chuyện hòa bình tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn cũng không ngoài cảm thức tri ân ấy. |
Nhạc sĩ Võ Thế Hùng |
* Ca khúc Khát vọng Trường Sơn ấy được chọn là một trong mười ca khúc hay nhất trong đợt sáng tác nhân 50 năm Ngày thương binh - liệt sĩ?
- Vâng, nhưng điều tôi trăn trở nhất vẫn là làm sao chuyển tải “tinh thần Trường Sơn”, “sự hi sinh Trường Sơn” cho thế hệ trẻ hôm nay.
Hàng vạn nấm mộ là hàng vạn cuộc đời trai trẻ. Cái quý nhất của mỗi người là sinh mạng cuộc đời mình thì họ đã hiến dâng cho Tổ quốc, hôm nay chúng ta ngồi đây, có những đồng đội được mồ yên mả đẹp nhưng cũng có không ít người lính mà xương cốt đang nằm đâu đó trong những cánh rừng...
Trong ca khúc phổ thơ anh Quý tôi day dứt với khổ thơ cuối: Mười nghìn tấm bia, còn mười nghìn nữa/Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn/Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương/Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng/Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng...
Còn sự hi sinh nào lớn hơn thế, khi chết đi mà thân xác vẫn chưa về?
Trong kịch bản chương trình Câu chuyện hòa bình mà tôi được xem trước, những ca khúc biểu tượng của một thời “bước chân trên đỉnh Trường Sơn” được cất lên trong nghĩa trang đêm nay không chỉ là lời nhắc về quá khứ bi tráng cho những người đang ngồi dự khán chương trình.
Mà tôi tin các liệt sĩ đang nằm đây cũng sẽ nghe thấy những bài ca quen thuộc đã đồng hành cùng ý chí tuổi trẻ ra trận một thời. Và xa hơn, tôi mong sao linh hồn những anh em còn đâu đó trong những cánh rừng sẽ thấu cảm được câu chuyện của lòng tri ân này!
Đông Nhi - Đoan Trang - Phương Linh (từ trái qua) trong bộ ảnh áo dài dành riêng cho Câu chuyện hòa bình - Ảnh: Lê Thiện Viễn |
* Anh có muốn gửi gắm điều gì đến chương trình Câu chuyện hòa bình?
- Nếu có thêm một điều gì đó về chương trình Câu chuyện hòa bình đêm nay thì tôi ước giá như có thêm ca khúc đầu tiên viết về mẹ liệt sĩ. Nỗi đau lớn nhất trong những cuộc chiến tranh là nỗi đau của những bà mẹ, còn người lính, khi ngã xuống, chắc chắn họ sẽ gọi “mẹ ơi”.
Mỗi liệt sĩ đều có một bà mẹ và hàng vạn người lính đều có chung một người mẹ vĩ đại bao trùm là mẹ Tổ quốc.
Người lính hi sinh, trước tiên cho sự bình an của mẹ mình, của làng xóm quê nhà, hàng vạn người lính ngã xuống làm nên hòa bình cho Mẹ Việt Nam.
Vì thế, mỗi ngày được sống hòa bình hôm nay, chúng ta đang nợ những người ngã xuống. Câu chuyện hòa bình kể bằng âm nhạc ở nghĩa trang Trường Sơn của các bạn cũng muốn nói lên điều đó, phải vậy không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận