16/01/2022 11:38 GMT+7

Mùi tháng chạp

TRẦN HUYỀN TRANG
TRẦN HUYỀN TRANG

TTO - Tháng chạp gõ cửa nhà bằng những mâm kiệu còn lẫn mớ đất lấm lem ngai ngái hăng nồng.

Mùi tháng chạp - Ảnh 1.

Tháng chạp bắt đầu mùa nắng hanh nồng thì phương Nam cũng vào mùa phơi kiệu Tết - Ảnh: T.H.T.

Nếu mùa xuân khiến mọi người háo hức bao nhiêu thì tháng chạp mang đến nhiều thương nhớ bồi hồi bởi cái "mùi tháng chạp" đặc trưng của Tết gần kề: mùi hăng nồng của củ kiệu dưa hành, mùi bùn non xen lẫn rong rêu của những đợt tháo đìa thu hoạch đầy tôm cá, mùi của cúc, vạn thọ, mai đào khoe sắc khoe hương trên khắp phố phường và các bến hoa xuân.

Mùi gạo nếp thơm hòa trong tấm lá chuối, lá dong mà nên hình nên dạng của cái Tết đoàn viên...

Và đâu đó trong góc gạcmăngrê của má, mấy hũ giấm chuối nằm im lặng lẽ nay có dịp mang ra, tỏa thứ mùi chua phảng phất khắp nhà.

Thứ nước giấm ngả màu ngà ngà đó, mang đi ngâm kiệu là số 1. Kiệu nhà làm, nhất là những hũ kiệu được các mẹ các chị chắt chiu thường không trắng phau nõn nà nhưng gắp một tép kiệu ăn thử thì sẽ nghiện ngay bởi độ giòn tan, chua ngọt dễ chịu.

Loại giấm chuối tự thân nó chua thanh, cái vị chua được tiết chế lại bởi thứ đường tự nhiên có trong trái chuối sứ chín rục.

Chưa khi nào thấy má làm việc gì tỉ mẩn, chăm chú như khi làm kiệu Tết. Từ việc đi chợ, xách giỏ bàng rảo lên rảo xuống cái chợ đâu cỡ chục bận, má mới lựa được vài ký kiệu bóng đèn rặc Huế, tép nào cũng thon dài đẹp đẽ y nhau.

Kiệu Huế "nhỏ mà có võ", thân mọng nước, trong veo, khi "ăn" giấm đường thì lớp vỏ ngoài óng ánh rất bắt mắt.

Má làm kiệu phải đúng y 3 bước: rửa sạch ngâm tro bếp, rồi mang đi rửa sạch ngâm giấm, ngâm phèn chua. Ngâm ủ xong, má lại mang rửa sạch lần nữa. Kiệu qua ba lần ngâm rửa đã tưa gần hết lớp vỏ, rễ bên ngoài.

Trải kiệu ra tấm nia lớn phơi đâu 3, 4 nắng cho kiệu thiệt héo, má mới chịu mang kiệu vô cắt rễ, cắt đuôi lá, tước vỏ lụa cho sạch sẽ.

Nấu giấm đường xong, má lại ngồi bên hiên, gắp từng tép kiệu xếp xung quanh keo thủy tinh thành từng lớp chồng lên nhau như những bông hoa nhiều cánh. Cái keo kiệu của má nó đẹp, nó cầu kỳ đến mức chỉ nhìn thôi chứ không nỡ gắp ra ăn.

Nhưng mấy đứa con háu ăn, háo Tết như tôi làm gì cầm lòng cho được. Thể nào cũng có lúc tôi lén má mở nắp keo, nhón mấy tép kiệu nhỏ xíu để má không phát hiện, rồi tiện thể nhón luôn mấy con tôm khô đỏ au trong tủ bếp, ăn lấy ăn để mà thấy ngon như Tết!

Bây giờ, má không còn sức đâu làm kiệu. Tôi lặp lại chu kỳ y như má hồi xưa. Kiệu tôi làm cũng giòn ngon nhưng chưa chắc bằng một phần của má. Kiệu má làm đâu chỉ ngon, còn chứa đầy những lo toan vẹn toàn trong đó. Vậy mà má vẫn luôn móm mém cười khi thấy tôi ngồi tỉ mẩn nhặt từng củ kiệu củ hành.

Thấy má cười là thấy cả một mùa Tết thương yêu rộn ràng ở bên. Tôi luôn muốn níu kéo nụ cười đó của má, nên mỗi mùa tháng chạp về là đều bày ra làm củ kiệu dưa hành, để nghe thứ mùi hoài niệm dậy lên tha thiết.

Làm kiệu cực lắm, nhưng tôi có nề hà gì. Chỉ sợ rằng một chạp xa nào đó, nghe mùi kiệu thơm chỉ còn biết rưng rưng thương mình, nhớ má...

Tết xưa - Tết nay: Gửi hết nhớ thương vào chợ phiên cuối cùng tháng Chạp Tết xưa - Tết nay: Gửi hết nhớ thương vào chợ phiên cuối cùng tháng Chạp

TTO - Khi hơi nước bắt đầu bốc lên, lớp váng mỡ nổi tràn trên mặt là lúc gian bếp đầy mùi Tết. Cha vớt ra, cẩn thận xâu miếng thịt vào một sợi lạt rồi treo lên thanh kèo giữa gian bếp. Đó là cách bảo quản để được lâu, vừa không bị chó mèo ăn vụng.

TRẦN HUYỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên