02/09/2021 07:56 GMT+7

Mục tiêu 2045: Lên hàng các nước tiên tiến

GS TRẦN VĂN THỌ (Nhật)
GS TRẦN VĂN THỌ (Nhật)

TTO - Nhà nước kiến tạo phát triển là nhà nước lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm ưu tiên hàng đầu, từ đó đưa ra mục tiêu phát triển làm cho dân giàu nước mạnh, và tạo các cơ chế động viên, thúc đẩy các nguồn lực để đạt mục tiêu.

Mục tiêu 2045: Lên hàng các nước tiên tiến - Ảnh 1.

(Nguồn: Ngân hàng Thế giới, Tổng cục Thống kê, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được Đại hội Đảng XIII thông qua) - Đồ họa: ĐỨC TUẤN

Chúng ta đang vượt khá xa mức phát triển trung bình thấp và tiến gần đến mức trung bình cao. Nhưng từ phát triển trung bình cao tiến lên hàng các nước tiên tiến vào năm 2045 không dễ, đòi hỏi những cải cách sâu rộng, mạnh mẽ và có chiến lược phát triển thích hợp.

anh box

Nếu việc tiêm chủng vắc xin được tiến hành nhanh, sớm phổ cập đến đại đa số dân chúng và nạn dịch trên căn bản được giải quyết thì kinh tế sẽ trở lại quỹ đạo của những năm trước 2020 và Việt Nam sẽ đạt mức phát triển trung bình cao vào giữa hoặc nửa sau thập niên này.

Lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm ưu tiên hàng đầu

Về cải cách, cải thiện thị trường vốn, thị trường đất đai, đào tạo nguồn nhân lực, chấn hưng khoa học công nghệ, hiệu suất hóa bộ máy hành chính liên quan tiền lương và chế độ tuyển chọn quan chức các cấp... là những tiêu điểm lớn. 

Chiến lược phát triển thích hợp theo tư duy mới trong điều kiện có thể sống chung với dịch, có mục tiêu toàn dụng lao động trong nền kinh tế kỹ thuật số, và các chính sách liên quan công nghiệp hóa, đô thị hóa giai đoạn mới, phát triển nông nghiệp, nông thôn, kết hợp FDI với doanh nghiệp trong nước, hiện đại hóa khu vực kinh tế cá thể... là quan trọng.

Cải cách, vạch ra các chiến lược, chính sách và thực thi dĩ nhiên là nhiệm vụ của nhà nước. Nếu có một nhà nước đủ năng lực, hoạt động hiệu quả thì các cải cách, các chiến lược và việc thực thi các chính sách sẽ thành công, kinh tế sẽ phát triển với tốc độ nhanh và có khả năng cao đạt mục tiêu năm 2045. 

Một nhà nước như thế cũng có thể được gọi là nhà nước kiến tạo và phát triển mà năm, sáu năm trước Chính phủ Việt Nam cũng có mục tiêu hướng tới. Nhưng làm sao để có một nhà nước như vậy và cụ thể Việt Nam cần làm gì thì chưa được bàn đến.

Nói một cách tổng quát, nhà nước kiến tạo phát triển là nhà nước lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm ưu tiên hàng đầu, từ đó đưa ra mục tiêu phát triển làm cho dân giàu nước mạnh và tạo các cơ chế động viên, thúc đẩy các nguồn lực để đạt mục tiêu. 

Từ các nội dung đó làm sao xây dựng các cơ chế, pháp luật, chiến lược, chính sách cụ thể và nghệ thuật thực hiện các chiến lược, chính sách phát triển là cả một vấn đề lớn, quyết định sự thành bại của nhà nước phát triển.

Một nhà nước kiến tạo phát triển phải có cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp tích cực đầu tư, cách tân công nghệ, có cơ chế thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước, có cơ chế để trí thức phản biện và góp trí tuệ vào việc hình thành chiến lược, chính sách. Một trách nhiệm quan trọng nữa của nhà nước là giáo dục, đào tạo để tăng chất lượng lao động.

5 vấn đề cần sáng tạo, cải thiện

Việt Nam đã có một số nhân tố tích cực để có một nhà nước kiến tạo phát triển, nhưng còn nhiều mặt cần sáng tạo hoặc cải thiện.

Thứ nhất, bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương phải mạnh. Ngoài  những luật lệ, cơ chế, giấy phép chồng chéo cần phải cải thiện, việc thay đổi cơ chế tuyển dụng, đề bạt quan chức và cải cách tiền lương là quan trọng. 

Nghiên cứu kinh nghiệm các nước tiên tiến trong việc tuyển chọn quan chức để bảo đảm năng lực quản lý, tinh thần trách nhiệm và lòng tự hào về sứ mệnh của người làm việc nước.

Liên quan vấn đề triệt để cải cách tiền lương, trong khoảng 5 năm tới phải chấm dứt tình trạng quan chức không sống bằng tiền lương, chấm dứt nạn chạy chức, chấm dứt tình trạng người tìm việc phải tốn một số tiền quá lớn. 

Những tính chất lạc hậu này chẳng những hoàn toàn xa lạ với một nhà nước kiến tạo phát triển mà còn là những biểu hiện kém văn hóa, hoàn toàn xa lạ ở một nước phát triển thu nhập cao.

Một điểm nữa là trừ những chức vụ trong các viện nghiên cứu, không xem bằng tiến sĩ hay thạc sĩ là điều kiện để tuyển dụng hay đề bạt. 

Quan chức chỉ cần có bằng đại học và phải qua các kỳ thi tuyển chọn nghiêm túc. Các môn thi ngoài luật pháp, chính trị, kinh tế, ngoại ngữ, tin học, còn phải có cả lịch sử, văn hóa, những tri thức làm nên tố chất về mặt đạo đức, tự trọng của quan chức.

Thứ hai, nhà nước xây dựng các kênh để tiếp thu ý kiến, trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, nhất là của trí thức, của đại biểu doanh nghiệp trong việc hình thành chiến lược, chính sách. Ở Việt Nam, nhân đại hội Đảng, ý kiến của chuyên gia, trí thức, của doanh nghiệp cũng được phản ánh một phần trong báo cáo chính trị và kế hoạch phát triển dài hạn. 

Nhưng các chính sách cụ thể cho trung và ngắn hạn để triển khai văn kiện đại hội hay để đối phó với các tình huống đột xuất (chẳng hạn chiến tranh kinh tế Mỹ - Trung hay đại dịch Covid-19) thì có quá ít các cơ chế tiếp thu trí tuệ của dân chúng.

Ở Nhật có các hội đồng tư vấn lập ra với sự tham gia của đại biểu các tầng lớp dân chúng, gồm doanh nghiệp, trí thức, nhà báo, cựu quan chức... để họp bàn và đưa đề án về chính sách đến chính phủ. 

Ngoài các hội đồng tư vấn của thủ tướng còn có các cơ quan tương tự của các bộ trưởng. Ở Việt Nam, một số thủ tướng lập tổ tư vấn kinh tế nhưng thành viên phần lớn là đại diện của các cơ quan đã có của Đảng và Chính phủ chứ chưa đa dạng, chưa quy tụ rộng rãi trí tuệ của các giới.

Thứ ba, nhà nước kiến tạo phát triển trong nền kinh tế thị trường mà doanh nghiệp là chủ đạo cần xây dựng được một cơ chế về sự quan hệ lành mạnh và hiệu quả giữa nhà nước và doanh nghiệp. 

Quá trình quyết định chính sách qua hình thức hội đồng tư vấn có sự tham gia của đại biểu doanh nghiệp như đã nói sẽ tăng tính công khai, minh bạch và tránh hiện tượng các nhóm lợi ích chi phối việc lập chính sách.

Thứ tư, trừ những thông tin thuộc cơ mật quốc gia, nhà nước nên tích cực quảng bá thông tin đến doanh nghiệp và dân chúng. 

Các bộ trong chính phủ hằng năm phân tích tình hình lĩnh vực mình phụ trách, soạn thành sách trắng hoặc soạn các bản báo cáo kết quả thảo luận trong các hội đồng tư vấn, hay các báo cáo kết quả nghiên cứu những vấn đề đột xuất, hoặc soạn các tư liệu liên quan chính sách mới... 

Các tư liệu này để ở thư viện các bộ, ai cũng có thể đến xem. Chính phủ cũng nên thiết lập vài trung tâm trưng bày sách, báo, phẩm vật phát hành của chính phủ để dân chúng đến đọc hoặc mua. Tiếp cận dễ dàng đến các thông tin phong phú của chính phủ giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm thì giờ và phí tổn.

Thứ năm, nhà nước kiến tạo phát triển luôn tạo cơ hội bình đẳng, làm cho mọi người dân đều có kỳ vọng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu họ nỗ lực học tập, nỗ lực nâng cao kỹ năng, năng lực chuyên môn. 

Thành phần xã hội không cố định, không có hiện tượng “con vua thì lại làm vua”, mà ai cũng có cơ hội tiến thân, sự lưu động xã hội (social mobility) càng cao năng lực xã hội càng lớn, công bằng xã hội dễ thực hiện và kinh tế càng phát triển theo hướng bao trùm, trong đó không có ai bị bỏ lại đằng sau trong quá trình phát triển.

Trong vòng 4-5 năm tới, những nội dung nói trên nếu được xác lập thì tôi tin rằng Việt Nam có thể đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào khoảng năm 2045.

Mời bạn tìm đọc Tuổi Trẻ số đặc biệt 2-9 Mời bạn tìm đọc Tuổi Trẻ số đặc biệt 2-9

TTO - Nhân kỷ niệm 76 năm Quốc khánh 2-9, Tuổi Trẻ phát hành số đặc biệt với chủ đề 'Giấc mơ Việt Nam hóa rồng'. Từ đây nhìn về tương lai 24 năm tới, khi Việt Nam tròn 100 năm nước nhà độc lập, Việt Nam sẽ ra sao, phải làm gì để đất nước hóa rồng?

GS TRẦN VĂN THỌ (Nhật)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên