Theo Bộ Công an, dự thảo nghị định đã sửa đổi và bổ sung một số hành vi vi phạm, mức xử phạt, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt trên cơ sở quy định mới của Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, các quy định... và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Các mức phạt cũng được rà soát, điều chỉnh theo hướng nâng cao mức xử phạt để tăng tính răn đe.
Báo cháy giả, cứu hộ giả bị phạt 5 - 10 triệu đồng
Trong đó, các hành vi mang bật lửa, điện thoại di động, nguồn lửa, dụng cụ sinh lửa sinh nhiệt vào nơi có quy định cấm liên quan đến phòng cháy chữa cháy sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng, tăng mạnh so với mức 100.000 - 300.000 đồng theo quy định tại nghị định 144/2021.
Với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy chữa cháy sẽ bị phạt 5-7 triệu đồng, gấp nhiều lần so với mức phạt 300.000 - 500.000 đồng như hiện nay.
Cũng theo dự thảo, các hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt ở những nơi có quy định cấm; hàn, cắt mà không có biện pháp phòng cháy chữa cháy theo quy định sẽ bị phạt 10 - 15 triệu đồng.
Trường hợp để xảy ra cháy, mức phạt sẽ tăng gấp đôi. Trong khi đó người không tham gia chữa cháy, cứu hộ cứu nạn khi có khả năng, điều kiện cho phép sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng.
Mức phạt 3-5 triệu đồng cũng được đề xuất cho lỗi không chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, phương tiện, nguồn nước và các điều kiện khác phục vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; không chấp hành lệnh huy động tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; không tham gia khắc phục hậu quả vụ cháy khi có yêu cầu của người có thẩm quyền.
Theo dự thảo, sẽ phạt 500.000 - 1 triệu đồng với hành vi tự ý vào khu vực chữa cháy khi không được phép của người có thẩm quyền (quy định hiện hành phạt từ 100.000 - 300.000 đồng).
Mức 10 - 15 triệu đồng với hành vi lấn chiếm, bố trí vật cản gây cản trở hoạt động của phương tiện chữa cháy. Mức 15 - 25 triệu đồng áp dụng với hành vi cản trở lực lượng, phương tiện chữa cháy (hiện hành 5 - 10 triệu đồng).
Mức phạt lên tới 30 - 40 triệu đồng với hành vi không thực hiện hoặc không duy trì đường giao thông cho phương tiện chữa cháy; làm mất tác dụng của đường giao thông dành cho chữa cháy (hiện nay là 5 - 10 triệu đồng).
Với hành vi báo cháy giả, báo tình huống cần phải cứu nạn cứu hộ giả, mức phạt là 5 - 10 triệu đồng (trong khi mức phạt đang áp dụng là 4-6 triệu đồng với cá nhân, với tổ chức là 8 - 12 triệu đồng).
Góp phần nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Hà Nội) bày tỏ đồng tình với việc đề xuất nâng các mức xử phạt về vi phạm phòng cháy chữa cháy của Bộ Công an khi cho rằng thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn, nhất là ở các đô thị lớn, liên quan nhà hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà ở kết hợp kinh doanh... gây thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản.
"Mặc dù các cơ quan chức năng đã tập trung tuyên truyền, giáo dục, xử lý gắt gao nhưng việc thực hiện có những nơi vẫn còn hạn chế. Vì vậy việc Bộ Công an nâng mức xử phạt là cần thiết nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định về phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân", ông Cừ nêu.
Với đề xuất nâng mức phạt tiền như dự thảo liên quan đến lắp đặt, quản lý và sử dụng điện, PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên phó hiệu trưởng Trường đại học phòng cháy chữa cháy, nhận định việc này sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân liên quan phòng cháy chữa cháy về điện.
Ông Xiêm dẫn chứng thực tế vừa qua riêng tại Hà Nội đã xảy ra một số vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng có nguyên nhân xuất phát từ chập điện.
Điển hình như vụ cháy chung cư mini khiến 56 người chết ở phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) hay vụ cháy khiến 14 người chết ở Trung Hòa (quận Cầu Giấy) có nguyên nhân do chập mạch điện tại khu vực đầu xe máy điện...
Do vậy việc dự thảo bổ sung quy định phải có giải pháp ngăn cháy đối với khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà và nếu không có sẽ bị xử phạt nặng là cần thiết.
Với mức phạt nghiêm khắc sẽ tác động đến nhận thức của chủ nhà và chủ cơ sở kinh doanh, nâng cao ý thức chấp hành phòng cháy chữa cháy nhằm giúp ngăn ngừa từ sớm từ xa, hạn chế rủi ro tiềm ẩn.
"Tuy nhiên trước khi xử phạt, điều quan trọng nhất là cơ quan chức năng phải hướng dẫn rất cụ thể cho người dân về giải pháp ngăn cháy này sẽ thực hiện như thế nào, khu vực ngăn riêng nếu có sẽ ra sao, sử dụng vật liệu gì để ngăn cháy", ông Xiêm nêu.
Sẽ phạt tới 50 triệu đồng nếu không có giải pháp ngăn cháy với khu vực sạc điện
Mức phạt tiền đối với một số vi phạm về phòng cháy chữa cháy trong lắp đặt, quản lý, sử dụng điện được đề xuất tăng gấp nhiều lần.
Theo dự thảo, phạt 6-8 triệu đồng với hành vi lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, thiết bị điện, thiết bị đóng ngắt, bảo vệ không bảo đảm an toàn phòng cháy (cao hơn nhiều so với mức 2-5 triệu đồng hiện nay).
Phạt 10 - 15 triệu đồng (hiện hành 5 - 10 triệu đồng) với hành vi sử dụng thiết bị điện không bảo đảm yêu cầu phòng nổ trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ; không bảo đảm hệ thống điện phục vụ phòng cháy chữa cháy. Phạt 25 - 30 triệu đồng với hành vi không có hệ thống điện phục vụ phòng cháy chữa cháy.
Đáng chú ý dự thảo quy định hoàn toàn mới là phạt 40 - 50 triệu đồng với hành vi không có giải pháp ngăn cháy đối với khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà.
Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG (Đoàn luật sư Hà Nội):
Kết hợp tuyên truyền, tăng chế tài xử phạt
Những hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy xảy ra khá phổ biến trong đời sống xã hội như đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, nhà hàng. Đặc biệt đối với các trường hợp nhà ở kết hợp kinh doanh, việc chấp hành quy định về đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy chưa được thực hiện nghiêm.
Điều này dẫn đến trường hợp các đám cháy, hỏa hoạn tại các nhà ở kết hợp với kinh doanh và tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường liên tục xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhiều người.
Để giảm thiểu các vụ hỏa hoạn đối với các cơ sở kinh doanh có quy định về phòng cháy chữa cháy và đối với các nhà ở riêng lẻ có kết hợp kinh doanh, ngoài việc tăng cường tuyên truyền để tổ chức, cá nhân hiểu và tự nguyện chấp hành, cần phải tăng cường xử lý vi phạm, thậm chí tăng mức chế tài vi phạm để tăng các giải pháp phòng ngừa, phòng cháy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận