04/04/2016 18:42 GMT+7

Mực nước ĐBSCL tăng do triều cường, không phải từ thượng nguồn

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TTO - ​Từ ngày 4-4 bắt đầu có đợt triều cường mới, mực nước sông Cửu Long lại tăng lên theo triều và đạt đỉnh vào ngày 9-4, với mực nước cao xấp xỉ hồi cuối tháng ba.

Triều cường làm nước sông Hậu dâng cao tràn vào tuyến kênh Tri Tôn ở vùng Tứ giác Long Xuyên - Ảnh: Đ.VỊNH
Triều cường làm nước sông Hậu dâng cao tràn vào tuyến kênh Tri Tôn ở vùng Tứ giác Long Xuyên - Ảnh: Đ.VỊNH

Theo ông Lưu Văn Ninh, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, đợt triều cường cuối tháng ba đã làm mực nước sông tăng lên đáng kể. Vào ngày 28-3 mực nước đo trên sông Tiền tại Tân Châu là 1,24m, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 1,41m.

Sau đó trong mấy ngày qua mực nước đã xuống thấp trở lại theo triều. Cụ thể mức cao nhất thực đo ngày 3-4 tại Tân Châu là 0,94cm, tại Châu Đốc 1,08m; riêng trong vùng tứ giác Long Xuyên tại Xuân Tô 0,20m, tại Tri Tôn 0,28m… Các mực nước này đều thấp hơn mức trung bình cùng kỳ nhiều năm trước, vài nơi thấp hơn cùng kỳ năm 2015.

“Nước sông, kênh rạch dâng cao hơn chủ yếu do triều cường. Không có chuyện mấy ngày qua nước thượng nguồn đổ xuống làm mực nước sông Tiền, sông Hậu mỗi ngày tăng lên 0,2-0,4m. Nếu tăng như vậy thì còn hơn khi… mùa lũ về, chỉ sau một tuần sẽ lên tới mức báo động ngay. Ngay cả vào mùa lũ mực nước cũng không thể tăng nhanh như vậy”, ông Ninh giải thích.

Theo thông báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trong tháng 4 này mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi theo triều và đạt giá trị cao nhất vào nửa đầu tháng. Mực nước cao nhất tại Tân Châu sẽ ở mức 1,35m, tại Châu Đốc 1,45m - đều cao hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm khoảng 0,46- 0,52m.

Trong khi đó, PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, cho rằng tình hình khô hạn kéo dài hết tháng 6, nếu có xả đập ở thượng nguồn thì khả năng lượng nước về ĐBSCL tăng không đáng kể . Do đó ngành nông nghiệp các tỉnh cần theo dõi, tính toán để hướng dẫn cho người dân sản xuất cho phù hợp.

“Không để người dân thiếu thông tin, nghỉ rằng có nước ngọt từ thượng nguồn rồi ồ ạt trồng lúa ở nơi hạn mặn thì sẽ bị thiệt hại nặng. Nông dân không nên chủ quan mà nên tuân thủ khuyến cáo và gieo sạ theo lịch thời vụ đề ra của ngành nông nghiệp các địa phương”, ông Tuấn cảnh báo.

Nông dân chờ con nước lớn để bơm lấy nước vào ao nuôi cá - Ảnh: Đ.VỊNH
Nông dân chờ con nước lớn để bơm lấy nước vào ao nuôi cá - Ảnh: Đ.VỊNH
Chiều 3-4 tuy đang lúc con nước lớn nhưng mực nước trên sông Hậu vẫn thấp hơn cùng kỳ nhiều năm. Trong ảnh, người dân xã cù lao Khánh Hòa, Châu Phú (An Giang) dời miệng ống bơm ra xa để lấy nước - Ảnh: Đ.VỊNH
Chiều 3-4 tuy đang lúc con nước lớn nhưng mực nước trên sông Hậu vẫn thấp hơn cùng kỳ nhiều năm. Trong ảnh, người dân xã cù lao Khánh Hòa, Châu Phú (An Giang) dời miệng ống bơm ra xa để lấy nước - Ảnh: Đ.VỊNH
ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên