31/05/2005 00:37 GMT+7

Muay Thái đã có mặt ở VN!

BINH NGUYÊN - DUY BÌNH
BINH NGUYÊN - DUY BÌNH

TT - Muay Thái có mặt ở VN từ bao giờ? Không ai biết chính xác, nhưng một số bậc tiền bối võ thuật trước năm 1975 cho biết Muay Thái đã xuất hiện tại miền Nam vào đầu những năm 1950.

Fff3imHM.jpgPhóng to
Muay Thái, con đường đổi đời của nhiều thế hệ thanh thiếu niên nghèo đến từ nông thôn Thái Lan

Muay Thái vào VN và biến cách thành võ tự do từng bị chính quyền cũ cấm đoán vì quá dã man. Thời điểm đó, những trận đánh thường có hai cỗ quan tài đặt ở hai bên góc đài. Trong hợp đồng giữa các võ sĩ luôn có một điều khoản ghi rõ “chết không được đền mạng”...

Trận thượng đài với “đệ nhất võ sĩ Đông Dương”

Ba tên tuổi võ thuật lừng danh mà bất kỳ người yêu võ thuật nào trước năm 1975 cũng đều biết đến gồm võ sư Huỳnh Tiền (võ tự do), Minh Cảnh (quyền anh) và Minh Sang (võ tự do)... Minh Sang vang danh khắp thiên hạ thời ấy với sự nghiệp lẫy lừng 64 lần thượng đài bất bại.

Khi chúng tôi đến thăm, võ sư Minh Sang năm nay đã 75 tuổi nhưng trông vẫn rất hồng hào, khỏe mạnh. Mỗi ngày ông di chuyển đều đặn vài chục cây số từ nhà ở Thủ Đức sang quận Bình Thạnh làm việc tại Hợp tác xã bến xe Đông Bắc. Thậm chí ông còn đủ khỏe mạnh để nhận luôn vai trò cố vấn kỹ thuật cho bộ môn quyền anh tại TP.HCM.

Võ sư Minh Sang tên thật là Trương Văn Lâm, người gốc tỉnh Bạc Liêu. Năm 5 tuổi, Trương Văn Lâm đã bắt đầu tìm đến học võ thuật và người thầy đầu tiên của ông chính là ông Ba Sen - thầy dạy võ nổi tiếng ở đất Nam bộ với những học trò sau này là những tên tuổi lớn như Lưu Hòa Phát, Mã Thành Long...

Sau mười năm trời ròng rã dày công khổ luyện ở Bạc Liêu, năm 24 tuổi chàng thanh niên Trương Văn Lâm đặt chân đến Sài Gòn quyết chí theo nghiệp võ dù ông còn có một nghề tay trái là vẽ tranh thủy mặc. Chỉ trong một thời gian ngắn, tên tuổi của Trương Văn Lâm đã nổi như cồn khi đánh gục các đối thủ như Nguyễn Đạt, Nguyễn Thôi, Nguyễn Hưng, Phạm Trung Thành... Trở thành nhà vô địch ở đất miền Nam, Trương Văn Lâm tự đặt cho mình một nghệ danh mới là Minh Sang và cái tên đó lưu danh đến tận bây giờ.

Ngồi trò chuyện với ông về nghiệp võ, về những khoảnh khắc vinh quang, ông Minh Sang cho biết kỷ niệm lớn nhất trong sự nghiệp của ông chính là lần hạ võ sĩ Muay Thái người Việt gốc Hoa tên Lý Bỉnh Sâm. Năm 1963, Lý Bỉnh Sâm sau nhiều năm luyện Muay Thái bên Thái Lan đã trở về thách đấu với các tên tuổi lớn nhất của võ thuật Nam bộ thời bấy giờ.

Lý Bỉnh Sâm bắt đầu cuộc hành trình từ Nha Trang vào phía Nam, đi đến đâu là dựng đài thách đấu đến đó và thắng như chẻ tre, khi đến đất Phan Thiết thì Lý Bỉnh Sâm đã không còn đối thủ, suốt hai ngày liền không võ sĩ nào dám ra mặt nhận lời đấu với Lý Bỉnh Sâm. Trước đó ở Lào, Campuchia, Lý Bỉnh Sâm cũng không có đối thủ.

Các ông bầu lúc đó đã nghĩ ngay tới người cuối cùng là Minh Sang. Ngay trong đêm, Minh Sang được mời từ Sài Gòn ra Phan Thiết để trưa hôm sau một lễ “cáp độ” đã được tổ chức. Minh Sang cân nặng 57kg, đồng ý nhận lời thách đấu với Lý Bỉnh Sâm nặng gần 70kg. Minh Sang sẽ nhận được khoản tiền 3.500 đồng tương đương với ba lượng vàng thời điểm đó bất kể thắng hay thua.

Hợp đồng của trận tỉ thí này còn ghi rõ: “Hai bên tự nhận trách nhiệm nếu bị thiệt mạng trên sàn đấu”. Sàn đấu, được dựng lên tại một trường học ở Phan Thiết, chật ních người. Giới truyền thông ở Sài Gòn cũng ào ạt kéo ra xem trận tỉ thí có một không hai này. Vé bán hết vèo chỉ trong ít giờ. Nhiều người không mua được vé đã leo lên và làm sập cả mái ngói ở một ngôi chùa cạnh sàn đấu...

Đúng 8 giờ tối, trận đấu bắt đầu diễn ra. Theo dự kiến, trận đấu sẽ diễn ra trong bốn hiệp (mỗi hiệp 3 phút), nhưng mới đến hiệp thứ hai thì Minh Sang đã phát hiện được tử huyệt của đối phương là không thủ kín mặt khi ra đòn đá. Minh Sang liên tục tung các cú đá và đấm nhắm vào mặt khiến Lý Bỉnh Sâm chao đảo. Đến hiệp thứ ba thì Lý Bỉnh Sâm đã gần như kiệt sức, máu từ mũi và miệng phun vọt ra. Minh Sang chớp cơ hội, tung cú chỏ cực mạnh cắm vào ngay giữa miệng đối phương.

Ông bầu của Bỉnh Sâm đã buộc phải thảy chiếc khăn trắng vào sàn đấu, đó là tín hiệu chấp nhận thua để bảo toàn mạng sống cho Lý Bỉnh Sâm. Sau trận thua này, Lý Bỉnh Sâm được đưa ngay về Thái Lan và từ đó người ta không còn nghe thấy tên ông nữa. Một thời gian ngắn sau trận tỉ thí lịch sử, Minh Sang cũng chính thức tuyên bố giải nghệ và lui về mở trường dạy võ tại Trung tâm Cộng đồng Nguyễn Tri Phương.

Muay Thái sẽ “tái xuất giang hồ”?

Vẫn chưa thành lập đội tuyển Muay Thái VN

Trả lời Tuổi Trẻ sáng 26-5, ông Nguyễn Hồng Minh - vụ trưởng Vụ Thành tích cao 1, cho biết đến thời điểm này, Ủy ban TDTT vẫn chưa có quyết định thành lập đội tuyển Muay Thái dù SEA Games 23 đang cận kề.

Ông Minh nói: “Ủy ban TDTT đang cân nhắc kỹ lưỡng đến khả năng thành lập đội tuyển Muay Thái vì hiện nay có nhiều ý kiến phản đối khi cho rằng Muay Thái là môn thể thao bạo lực không phù hợp phát triển ở VN”.

Tuy nhiên, khi được hỏi quan điểm riêng của mình về việc thành lập đội Muay Thái, ông Minh cho biết: “Tôi ủng hộ. Theo tôi, Muay Thái có nhiều nét tương đồng với một số môn võ thuật VN. Điều quan trọng là khi đưa môn này vào VN, chúng ta phải có những điều chỉnh luật sao cho phù hợp với thể trạng người Việt. Ở một góc độ khác cũng phải nhìn nhận, nếu được bảo hộ nghiêm ngặt, Muay Thái không quá nguy hiểm như nhiều người nghĩ”.

Từ năm 1997, VN đã từng gửi vận động viên tham dự Muay Thái tại SEA Games 19 và một số giải quốc tế khác, nhưng môn này sau đó bị xóa sổ khỏi các trận tranh tài khu vực vì không phù hợp với sự phát triển chung.

Tuy nhiên tháng 10-2004, sau khi Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á chấp nhận bổ sung Muay Thái (bốn nội dung thi đấu) vào danh sách các môn thi đấu tại SEA Games 23 tổ chức tại Philippines vào cuối năm nay, Ủy ban TDTT VN đã cân nhắc đến việc tái thành lập đội Muay Thái dựa trên thành phần vận động viên của các bộ môn võ cổ truyền, pencak silat, quyền anh... để tham dự SEA Games và Á vận hội sắp diễn ra.

Hiện nay dư luận có hai luồng ý kiến khác nhau xung quanh sự kiện này. Những người không ủng hộ thì cho rằng Muay Thái sẽ dễ gây chấn thương cho người chơi.

Anh Hà Huy Tường - cựu võ sĩ quyền anh và võ cổ truyền VN của CLB quân đội từng tiếp cận và nghiên cứu sâu về Muay Thái - cho biết: “Tôi từng tập môn này và nhận ra sự khốc liệt của nó, phải thừa nhận là kịch chiến nhất so với các môn võ thuật khác. Đấu sĩ có thể chấn thương ngay trên sàn đấu vào bất cứ lúc nào nếu bị trúng đòn chỏ hoặc đầu gối của đối phương. Nếu để Muay Thái du nhập và phát triển, theo tôi, nên có những điều chỉnh mang tính khoa học để hạn chế tối đa những chấn thương cho võ sĩ”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Đoàn - phó chủ tịch Liên đoàn Muay Thái châu Á - lại đưa ra một quan điểm khác: “Chúng tôi chỉ cho phép phát triển Muay Thái ở mức độ nghiệp dư. Khác với các sàn đấu chuyên nghiệp mang tính cá cược ở Thái Lan, các đấu sĩ sẽ được bảo hộ toàn thân từ đầu, hạ bộ đến găng tay, ngoài ra luật của các giải đấu nghiệp dư sẽ bắt buộc các vận động viên mang dụng cụ bảo hộ cùi chỏ và đầu gối để đòn đánh trở nên lành hơn. Các trận đấu Muay Thái cũng bị giới hạn hiệp đấu và thời gian đánh...”.

Đầu năm nay, đội tuyển Muay Thái VN với thành phần nòng cốt là các võ sĩ pencak silat đã có chuyến tập huấn gần 20 ngày tại Thái Lan để tham khảo cách chơi, chuẩn bị cho SEA Games 23. Phía Thái Lan đã tài trợ 50% cho chuyến đi này.

Một thành viên trong ban huấn luyện cho biết: “Ban đầu các võ sĩ VN đã lắc đầu lè lưỡi khi được xem các trận đấu chuyên nghiệp của võ sĩ Thái. Nhưng khi biết trong các giải đấu chính thức của các kỳ SEA Games, võ sĩ sẽ được bảo hộ toàn thân thì họ mới thở phào nhẹ nhõm và cho biết sẵn sàng thi đấu và thử thách với môn võ này!”.

Võ Danh Hải - một thành viên trong ban huấn luyện Vovinam quân đội từng nghiên cứu Muay Thái - thì khẳng định: không nên để Muay Thái phát triển tại VN vì môn này quá dã man. Danh Hải đã nhiều lần đến Thái Lan và nghiên cứu rất kỹ luật chơi chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư của Muay Thái.

Anh đưa cho chúng tôi xem một xấp tài liệu dày cộp về luật nghiệp dư và tỏ ra khá bức xúc: “Có người nói người chơi Muay Thái nghiệp dư sẽ rất an toàn nhờ được bảo hộ toàn thân. Nhưng thực chất cú chỏ và gối, võ sĩ chỉ được bọc mảnh vải hay miếng băng keo. Nghĩa là đấu sĩ nghiệp dư vẫn có thể bị chấn thương nặng như đấu sĩ chuyên nghiệp”. Danh Hải còn cho rằng VN sẽ lãng phí tiền nếu đầu tư vào Muay Thái.

--------------------

Tin, bài liên quan:

- Kỳ 3: Câu chuyện của nhà vô địch Muay Thái- Kỳ 2: Quả đấm và những giấc mơ đổi đời…- Kỳ 1: Những “giác đấu sĩ”!

BINH NGUYÊN - DUY BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên