14/12/2013 02:51 GMT+7

Mua thành tích

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Để chuẩn bị kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, Sở Giáo dục - đào tạo địa phương tôi có mời (nói trắng ra là mướn) một vị tiến sĩ từ Hà Nội vào dạy cho một số giáo viên được phân công bồi dưỡng học sinh giỏi cấp quốc gia và những học sinh trong đội tuyển chuẩn bị thi cấp quốc gia.

Đã từng học cao học và dự nhiều lớp bồi dưỡng tập huấn do Bộ Giáo dục - đào tạo tổ chức tại Hà Nội, tôi thấy trình độ cũng như năng lực của vị tiến sĩ này không có gì đặc biệt hơn so với những ông tiến sĩ khác. Có lẽ ông được mời vì là người phụ trách việc ra đề thi học sinh giỏi cấp quốc gia. Qua trao đổi với vị tiến sĩ này, tôi biết ông còn được nhiều tỉnh, thành khác trong nước mời về bồi dưỡng cho giáo viên và học sinh của địa phương mình.

Hình như đã thành thông lệ, nhiều năm trở lại đây, cứ gần đến mùa thi học sinh giỏi cấp quốc gia thì một số địa phương trong Nam ngoài Bắc lại ra Hà Nội mời thầy về bồi dưỡng cho giáo viên và học sinh của địa phương mình. Nhưng không phải vị giáo sư hay ông tiến sĩ nào giỏi thì được mời về dạy. Tiêu chí để được mời về dạy là vị ấy phải là người liên quan đến việc ra đề thi.

Kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia diễn ra trên đất nước ta từ lâu. Nhưng nhớ lại hai mươi, ba mươi năm trước đâu có những việc làm như vậy. Giáo viên trường nào có học sinh được chọn vào đội tuyển dự thi vòng toàn quốc tự lực bồi dưỡng cho các em. Bồi dưỡng theo kiểu “cây nhà lá vườn” nhưng lại có không ít học sinh đoạt giải cao. Dần dần về sau mới có hiện tượng địa phương nào có tiền thì ra Hà Nội mời thầy về dạy. Tình trạng này đã tạo nên sự bất bình đẳng trong kỳ thi. Tại sao họ lại làm vậy? Họ muốn nâng cao thứ hạng trong kỳ thi hay muốn “đánh bóng thương hiệu” của giáo dục địa phương mình?

Không chỉ trong học tập mà ngay ở chuyện thi đua văn nghệ cũng vậy. Khi một địa phương nào đó tổ chức hội thi văn nghệ thì có một số đơn vị dự thi điều tra xem ban giám khảo gồm những ai. Sau đó đơn vị ấy sẽ mời một vị nào đó trong ban giám khảo (có khả năng dàn dựng) dàn dựng cho mình một tiết mục dự thi. Vừa dàn dựng, vừa chấm thì ai cũng biết chắc tiết mục ấy sẽ được xếp thứ hạng cao trong hội thi. Có khi tiền mướn dàn dựng một tiết mục gấp năm, gấp mười lần tiền được thưởng. Nhưng rồi lãnh đạo đơn vị ấy không hề xót tiền mà rất hể hả vì đơn vị mình có “khả năng văn nghệ”!

Tất cả hiện tượng trên có thể gói gọn trong cụm từ: “mua thành tích”.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên