06/10/2014 13:23 GMT+7

​Mùa Nobel 2014 bắt đầu

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Hôm nay 6-10, mùa giải Nobel 2014 chính thức bắt đầu với giải y sinh. Như thường lệ, cơn sốt đồn đoán đã sôi động từ nhiều ngày trước.

Edward Snowden là ứng cử viên hàng đầu giải Nobel hòa bình - Ảnh: Reuters

Danh sách ứng cử viên Nobel luôn được giữ bí mật, nhưng một số nhà tài trợ giải Nobel mới đây đã tiết lộ tên tuổi nhiều nhân vật được các thành viên Quốc hội Na Uy đề cử.

Năm nay có tới 278 người được đề cử giải Nobel hòa bình, một con số kỷ lục từ trước đến nay. Đây là giải luôn thu hút nhiều sự quan tâm nhất từ dư luận và báo giới quốc tế.

Một số ứng viên hàng đầu không quá bất ngờ nhưng gây nhiều tranh cãi. Đầu tiên phải nhắc đến “người thổi còi” Edward Snowden được các chính trị gia Na Uy đề cử nhờ công lật tẩy chương trình do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).

Chuyên gia Kristian Berg Harpviken, giám đốc Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo (PRIO), xếp Snowden thứ hai trong danh sách ứng cử viên giải Nobel hòa bình, sau Giáo hoàng Francis.

Gây tranh cãi

Trang Nobeliana.com, một trang web do các sử gia Na Uy điều hành, cho rằng năm thành viên Ủy ban Nobel hoàn toàn có thể trao giải hòa bình cho Snowden “để chứng tỏ sự độc lập của Ủy ban Nobel với chính quyền Na Uy và Mỹ”.

Tuy nhiên, AFP dẫn lời chuyên gia Robert Haardh, giám đốc Tổ chức Người bảo vệ nhân quyền (Thụy Điển), nhận định đây là khả năng khó xảy ra.

“Việc trao giải Nobel hòa bình cho Snowden là một hành động thật sự dũng cảm nhưng sẽ gây tranh cãi. Xứ Scandinavia quá thân cận với Mỹ” - chuyên gia Haardh cho biết.

Phần thưởng 1,1 triệu USD

Người thắng giải Nobel sẽ được nhận phần thưởng 1,1 triệu USD. Theo quy định của Tổ chức Nobel, sẽ chỉ có tối đa ba người được chia sẻ một giải. Đến nay có tới 94% người thắng giải Nobel là nam giới.

Giáo hoàng Francis được Quốc hội Argentina đề cử vì những nỗ lực kêu gọi hòa bình ở Syria. Ông cũng được dư luận thế giới đánh giá cao vì các hoạt động đòi quyền lợi cho người nghèo.

“Sự phân phối tài sản toàn cầu thiếu công bằng ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình. Giáo hoàng Francis đã chỉ rõ rằng chúng ta phải áp dụng một mô hình phát triển và phân chia kinh tế mới” - PRIO đánh giá.

Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng việc giáo hoàng nhận giải Nobel hòa bình có thể sẽ dẫn tới những lời chỉ trích tương tự vụ Tổng thống Mỹ Barack Obama được tôn vinh hồi năm 2009 khi mới bước vào Nhà Trắng.

Giáo hoàng Francis cũng mới nhậm chức và các nỗ lực của ông mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Một ứng cử viên nổi bật khác là cô gái 17 tuổi Malala Yousafzai, nhà hoạt động vì quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái ở Pakistan.

Cô bị các tay súng Taliban bắn trọng thương hồi năm 2012. Năm ngoái, nhiều người cũng dự đoán Malala sẽ giành giải Nobel hòa bình, nhưng giải này đã thuộc về Tổ chức Cấm vũ khí hóa học.

Tổng thống Nga Vladimir Putin được Học viện Quốc tế về thống nhất tinh thần và hợp tác con người trên thế giới đề cử nhận giải này cho nỗ lực ngăn Mỹ không kích chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Khó dự báo

Giải Nobel văn chương cũng rất khó dự đoán bởi luôn có những bất ngờ. Sau nhiều lần trượt giải, nhà văn Nhật Haruki Murakami được đánh giá là ứng viên số một. Nhà cái Ladbrokes đặt tỉ lệ chiến thắng của ông Murakami là 5/1.

Nhiều hãng khác cũng dự báo tác giả Rừng Na Uy sẽ được tôn vinh. Nhà văn Nhật đoạt giải Nobel gần nhất cách đây 20 năm là Kenzaburo Oe. Ngoài ra, hai nhà văn châu Phi là Ngugi wa Thiong’o từ Kenya và Assia Djebar từ Algeria cũng được đánh giá rất cao.

Giải Nobel đầu tiên được công bố ngày 6-10 là giải Nobel y học. Hãng Thompson Reuters đánh giá công trình nghiên cứu cách chữa các cơn đau của nhà khoa học David Julius thuộc ĐH California (Mỹ) có thể giành vinh quang.

Cũng phải kể đến nghiên cứu ADN của hai chuyên gia Robert Roeder thuộc ĐH Rockefeller (Mỹ) và Robert Tjian từ ĐH California (Mỹ), nghiên cứu gen của ba nhà khoa học Michael H. Wigler, Charles Lee và Stephen W. Scherer.

Hãng Thompson Reuters đã dự báo chính xác 35 giải Nobel từ năm 2002 đến nay nhờ thuật toán tìm kiếm các tác giả được trích dẫn lại nhiều để xác định những nhà nghiên cứu có ảnh hưởng nhất.

Đối với giải hóa học, Thompson Reuters dự đoán chuyên gia Ching Tang của ĐH Hong Kong và Steven Van Slyke của Công ty công nghệ Kateeva sẽ chiến thắng nhờ phát minh diode phát quang hữu cơ sử dụng trên các màn hình điện thoại, máy tính hiện nay.

Chuyên gia James F. Scott thuộc ĐH Cambridge (Anh) có khả năng sánh ngang những tên tuổi lừng lẫy từng đoạt giải Nobel vật lý như Albert Einstein hay Marie Curie với nghiên cứu phát triển các thiết bị lưu trữ dữ liệu.

Trong khi đó, nghiên cứu về xã hội học kinh tế đã đưa nhà kinh tế Mark S. Granovetter thuộc ĐH Standford vào danh sách ứng cử viên giành giải Nobel kinh tế năm nay của Thompson Reuters.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên