02/05/2019 13:14 GMT+7

Mua nhầm linh kiện dỏm, hai vụ phóng tên lửa của NASA thất bại

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Trong lịch sử khám phá không gian của NASA, thất bại sau hai lần phóng tên lửa Taurus và các vệ tinh nó mang theo khiến tổ chức này thiệt hại 700 triệu USD. Tất cả chỉ vì mua phải linh kiện dỏm.

Mua nhầm linh kiện dỏm, hai vụ phóng tên lửa của NASA thất bại - Ảnh 1.

Tên lửa Taurus được chuẩn bị để phóng lên không gian nhưng đã rơi xuống gần Nam Cực - Ảnh: NASA

Trong hai lần phóng tên lửa năm 2009 và 2011, hai quả tên lửa đã không thể tách rời phần nosecones (phần chóp nón của tên lửa) để giảm trọng lượng. Sức nặng không được tháo bỏ làm hai quả tên lửa không đạt đủ vận tốc cần thiết để thoát khỏi lực hút của trái đất. 

Cả hai đều đã rơi xuống biển Thái Bình Dương gần Nam Cực, mang theo hai vệ tinh là Orbiting Carbon Observatory (Trạm quỹ đạo Carbon) và vệ tinh quan sát trái đất có tên Glory nhằm mục đích thu thập các dữ liệu về khí hậu của trái đất.

Ngày 30-4, NASA đã công bố thông tin chi tiết về những thất bại này và cho rằng chính các linh kiện dỏm là nguyên nhân của hai lần thất bại trước đây.

Các kỹ sư của NASA xác định rằng một khớp nhôm, được thiết kế để hai phần của tên lửa tách ra bằng một vụ nổ nhỏ đã không suy chuyển. Sau khi thử nghiệm các mẫu khớp tương tự, họ xác định thủ phạm là linh kiện do nhà cung cấp Sapa Profiles, Inc., hay SPI, trụ sở ở tiểu bang Oregon sản xuất.

Theo NASA, bộ phận khớp nối này do SPI sản xuất. Nó được gọi là khớp nối dễ vỡ nhưng khớp này lại quá dày để có thể bị vỡ dưới tác động của vụ nổ. Trong khi đó, SPI khẳng định khớp nối đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của NASA.

Các nhà điều tra phát hiện SPI đã làm giả thông số của các kiểm nghiệm đối với các linh kiện họ sản xuất. Các giám sát viên đã sửa kết quả kiểm nghiệm hoặc sử dụng thông số của các mẫu đạt chuẩn cho các mẫu hỏng. SPI đã giả mạo hàng ngàn giấy chứng nhận về nhôm trong 19 năm qua và cung cấp các phụ tùng này cho nhiều khách hàng, bao gồm NASA.

Jim Norman, Giám đốc bộ phận phóng tên lửa của NASA ở Washington, nói: "Họ đã thay đổi kết quả kiểm nghiệm của các linh kiện và giả mạo giấy chứng nhận liên quan khiến các vụ phóng của chúng tôi bị thất bại. Nhiều năm nghiên cứu khoa học bị đổ bể do cách làm ăn gian trá này".

Norsk Hydro ASA, công ty mẹ của SPI, đã đồng ý trả 46 triệu USD cho NASA, Bộ Quốc phòng Mỹ và một số cơ quan khác để thỏa thuận về các vụ kiện liên quan đến vụ bê bối này vào ngày 23-4. 

Trước đó, năm 2017, giám sát viên phòng thí nghiệm của SPI là Dennis Balius bị tuyên án 3 năm tù và phạt 170.000 USD do liên quan đến các chứng nhận giả mạo.

Dù thừa nhận đã lừa khách hàng, SPI vẫn tranh cãi về vai trò của mình trong hai lần phóng tên lửa thất bại, điều này có thể là lý do NASA công bố những phát hiện mới nhất của mình, theo trang tin Quartz.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: tên lửa vệ tinh NASA Mỹ