03/08/2018 11:20 GMT+7

Mua lại nhà đất... của mình

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Do cách xử lý kéo dài của tòa án các cấp mà gia đình ông Nguyễn Công Hoe (73 tuổi, ngụ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) lâm vào cảnh dở khóc dở cười. Vụ việc kéo dài 10 năm nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Mua lại nhà đất... của mình - Ảnh 1.

Mua nhà hợp pháp nhưng vợ chồng ông Hoe phải theo hầu tòa suốt 10 năm qua để đòi lại nhà - Ảnh: T.L.

Cách đây 20 năm, cụ Đoàn Kim Phụng chuyển nhượng cho vợ chồng ông Nguyễn Công Hoe gần 900m2 đất và căn nhà tại TP Long Xuyên với giá 135 triệu đồng. Cụ Phụng nhận trước 95 triệu đồng và thỏa thuận khi nào làm xong giấy tờ nhà đất, ông Hoe sẽ giao số tiền còn lại.

Tôi mua nhà hợp pháp, được cấp sổ đỏ và giấy phép xây dựng rồi. Vậy mà 10 năm qua phải theo đuổi vụ kiện để đòi quyền lợi chính đáng của mình. Chỉ mong tòa án giải quyết đúng thời hạn luật định để bảo vệ quyền lợi cho tôi.

Ông NGUYỄN CÔNG HOE

Mỗi lần tòa tuyên một kiểu

Trong thời gian chờ nhận "sổ đỏ", cụ Phụng đã giao toàn bộ diện tích nhà đất cho vợ chồng ông Hoe, đồng thời nhất trí cho ông Hoe san lấp mặt bằng để làm nhà. Sau khi nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), cụ Phụng yêu cầu ông Hoe trả nốt số tiền còn lại.

Tuy nhiên, đến hẹn mà ông Hoe không thanh toán, cụ Phụng đã nộp đơn khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà đất. Tại các phiên tòa, vợ chồng ông Hoe cho rằng do bên bán không làm thủ tục chuyển nhượng sang tên cho mình nên ông không trả hết tiền. Ông yêu cầu tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng này.

Đến nay, vụ kiện đã kéo dài 10 năm với bốn phiên tòa, hai quyết định giám đốc thẩm nhưng các cơ quan tố tụng vẫn chưa đưa ra được phán quyết cuối cùng. 

Xử sơ thẩm lần đầu tiên năm 2004, TAND TP Long Xuyên đã tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa cụ Phụng và vợ chồng ông Hoe vô hiệu. Xử phúc thẩm sau đó, TAND tỉnh An Giang lại công nhận hợp đồng này. Hai bản án này sau đó đã bị TAND Tối cao hủy để xét xử lại.

Xử sơ thẩm lại lần hai, TAND tỉnh An Giang đã có phán quyết trái ngược so với trước đây. Cụ thể, tòa tuyên hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu hoàn toàn. Theo đó, cụ Phụng được nhận lại đất, đồng thời phải trả cho gia đình ông Hoe số tiền gần 800 triệu đồng. Ông Hoe phải tháo dỡ toàn bộ nhà và cây cối để trả lại đất cho cụ Phụng.

Sau khi bản án có hiệu lực, Cục Thi hành án dân sự tỉnh An Giang đã có quyết định cưỡng chế đối với ông Hoe. Éo le thay, lúc này ông Hoe đã được cấp GCNQSDĐ đối với gần 900m2 đất đang tranh chấp. Trên đất có nhà cửa và hàng chục phòng trọ của gia đình ông Hoe. 

Sợ bị cưỡng chế, phá bỏ nhà cửa nên ông Hoe đã phải thỏa thuận với cụ Phụng sẽ mua lại nhà đất của... chính mình. Theo đó, gia đình ông Hoe đề nghị cụ Phụng cho gia đình ông giữ lại phần đất 367m2 với giá hơn 1 tỉ đồng, phần đất còn lại ông sẽ tự di dời nhà cửa, cây cối để giao trả cho cụ Phụng theo bản án. Gia đình cụ Phụng đồng ý.

Bản án đã được thi hành nhưng đến năm 2014, TAND Tối cao tiếp tục có quyết định giám đốc thẩm lần hai tuyên hủy toàn bộ bản án của TAND tỉnh An Giang để xét xử lại. Quyết định giám đốc thẩm cho rằng gần 900m2 đất tranh chấp là tài sản của cụ Phụng và chồng. 

Chồng cụ Phụng mất không để lại di chúc, vì vậy cụ Phụng chỉ có quyền định đoạt đối với 1/2 khối tài sản. Do đó, tòa án cấp sơ thẩm xác định hợp đồng chuyển nhượng đất giữa cụ Phụng và ông Hoe vô hiệu là hoàn toàn không có căn cứ.

Sau khi TAND tỉnh An Giang ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, tháng 9-2016, ông Hoe tiếp tục kháng cáo đòi quyền lợi. Điều đáng nói là sau khi có quyết định giải quyết kháng cáo từ tháng 9-2016 thì tòa án "ngâm" hồ sơ đến tám tháng sau mới chịu thụ lý và đến nay vẫn chưa đưa ra xét xử, khiến vụ việc càng kéo dài thêm.

Mua lại nhà đất... của mình - Ảnh 3.

Mua nhà hợp pháp nhưng vợ chồng ông Hoe phải theo hầu tòa suốt 10 năm qua để đòi lại nhà - Ảnh: T.L.

Nhiều trường hợp dính "chiêu" rút đơn khởi kiện

Luật sư Võ Đức Toàn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định của pháp luật, ngay sau khi có quyết định giải quyết việc kháng cáo thì tòa án phải chuyển hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu. Tuy nhiên, tòa án lại "ngâm" hồ sơ vụ việc tới tám tháng không chịu chuyển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của ông Hoe.

"Quá trình TAND tỉnh An Giang thụ lý giải quyết lại vụ án theo trình tự và thủ tục sơ thẩm thì phải đưa các con của bà Đoàn Kim Phụng vào tham gia tố tụng với tư cách là người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự. 

Nếu các con của bà Phụng rút đơn khởi kiện thì tòa án phải hỏi ý kiến của ông Hoe và vợ xem họ có đồng ý với việc rút đơn khởi kiện hay không? Nếu ông Hoe không đồng ý thì tòa vẫn phải mở phiên tòa xét xử theo thủ tục chung" - luật sư Toàn cho biết.

Hiện nay, có nhiều người dân rơi vào trường hợp như của ông Hoe: bản án đã bị thi hành, sau khi cấp giám đốc thẩm hủy án để xét xử lại thì nguyên đơn rút đơn khởi kiện. Bị đơn bị xâm phạm quyền lợi mà không làm gì được. 

Về vấn đề này, hướng dẫn nghiệp vụ của TAND Tối cao cho biết khi tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án và các vấn đề khác có liên quan (nếu có).

Đối với trường hợp tài sản nhà, đất đã được thi hành án xong, khi xét xử sơ thẩm lại, nếu kết quả phiên tòa trái ngược với kết quả sơ thẩm trước đó thì tòa án phải giải quyết vấn đề hậu quả của việc thi hành án. Cụ thể, cần xem xét quyền lợi của các bên trên cơ sở giá trị quyền sử dụng đất đã được chuyển nhượng cho người thứ ba tính theo giá thị trường.

Sửa luật có giải quyết khiếu kiện, tranh chấp đất đai phức tạp? Sửa luật có giải quyết khiếu kiện, tranh chấp đất đai phức tạp?

TTO - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội ngày 21-5.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên