Cô bưng phần mì ra cho khách và xoay qua đưa phần khác cho tài xế công nghệ đem giao hàng.
Học chạy bàn, lau dọn
"Tôi làm từ tháng 7 năm ngoái, sau khi có kết quả thi đại học, và vì người thân gợi ý thử đi làm thêm. Thấy công việc không quá sức nên tôi làm tới nay", cô nói.
Mỗi ngày Trân làm sáu tiếng rưỡi, từ chiều tới 22h. Đang nghỉ hè nên cô còn nhận làm thêm giờ. Cô chia sẻ: "Tôi nhận order (gọi món - PV), bưng bê, dọn dẹp... Sau vài ngày là tôi làm thạo rồi, được bao ăn ở".
Với tiền lương mỗi tháng 3,5 triệu đồng "còn nguyên không mẻ đồng nào" vì mẹ vẫn cho tiền, Trân đã làm được những việc ý nghĩa. "Hồi đầu năm, tôi lấy số lương dành dụm 21 triệu đồng mua chiếc xe máy đi học", cô tâm sự. Cô còn tự trả góp chi phí niềng răng 2 triệu đồng/tháng vì không muốn mẹ phải lo nhiều.
Cô kể từ nhỏ đã thích "làm gì đó kiếm tiền vì thấy vui vui". "Hồi hè lớp 4, đi chơi thấy người ta đan tấm tranh lợp nhà, tôi cũng bắt chước, mỗi tấm tiền công 2.000 đồng. Lớp 7, tôi với một chị mua quần áo về bán online, giao hàng cho mấy bạn trong trường. Mỗi tháng tiền lời cũng được cả triệu đồng", cô chia sẻ.
Những ngày làm thêm biến Trân thành cô gái hoàn toàn khác. "Hồi cấp III dù trọ học xa nhà, tôi cũng không biết nấu ăn, cái gì cũng gọi về cho mẹ. Giờ lên thành phố làm phục vụ, tôi có thể tự nấu", cô nói. Làm việc tại quán cũng là lần đầu cô cầm chổi quét sàn, chùi nhà vệ sinh vì ở nhà quen được chiều chuộng, không đụng tay việc gì.
Trân kể: "Hồi trước tôi đặt hàng trên mạng thỏa thích. Bây giờ tự làm ra tiền, tôi mới thấy quý. Tôi cũng tải app thu chi để thử xem mỗi tháng mình xài bao nhiêu, thường chỉ là 1 - 2 triệu đồng".
Biết kiềm chế, hiểu cuộc sống hơn
Tiếp xúc khách hàng nhiều độ tuổi, Huyền Trân thấy mình điềm tĩnh, biết kiềm chế nhiều hơn. "Có những việc không phải lỗi của mình nhưng tôi cũng trả lời nhẹ nhàng. Có khi khách say xỉn vào quán gọi cháo gà, mình cũng kiên nhẫn giải thích là quán chỉ bán mì, miến...", cô nói.
Vừa rồi có nhân viên thối nhầm tiền, khách khó chịu, cô cũng ra nói thêm cho khách thông cảm.
Cô dự định học thêm tiếng Anh vì ngành của cô là xuất nhập khẩu. Cô muốn học thật tốt và sau này làm việc trong ngành hàng hải.
Có con từng làm nhân viên phục vụ quán ăn khi vào năm nhất đại học hồi ba năm trước, chị Thu Trang (48 tuổi, quận 7) cho biết trước đó vợ chồng chị từng tranh cãi vấn đề có nên để con đi làm thêm quá sớm khi cha mẹ đủ sức lo cho con ăn học.
Chồng chị Trang phản đối vì sợ con đi làm sẽ lơ là việc học, bị chủ hoặc đồng nghiệp ức hiếp vì cô bé khá nhút nhát và sợ con không đủ sức. Con chị khi đó cũng không muốn làm vì... lười do quen được bao bọc từ nhỏ.
Để con bớt lười, cộng với mong muốn con làm quen với giá trị lao động, cảm nhận được niềm vui khi kiếm ra tiền và tích lũy nhiều kỹ năng ứng phó với cuộc sống sau này, chị Trang sau cùng vẫn để con đi làm phục vụ quán ăn gần nhà với thù lao khi đó là 15.000 đồng/giờ, ngày làm 8 tiếng.
Âm thầm quan sát, chị Trang nhận thấy chỉ sau vài tháng đi làm, con gái thay đổi tính tình theo hướng tích cực rõ rệt. "Cháu trưởng thành hơn, suy nghĩ chín chắn hơn", chị kể.
Tương tự, dù là con nhà khá giả ở thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), từ hồi bước vào năm nhất đại học, Nguyễn Công Danh (đã được đổi tên, hiện là sinh viên năm cuối ngành quản trị khách sạn của một trường đại học tại quận Bình Thạnh) đã xin phép cha mẹ cho đi làm thêm.
Danh bảo gia đình không phản đối song cũng khuyên con nên tập trung học, tiền bạc đã có gia đình chu cấp hằng tháng.
Với tâm thế đi làm để "biết cảm giác kiếm ra tiền", Danh trải qua nhiều công việc part-time như shipper (giao hàng lẫn chở khách), bartender (pha chế rượu) tại cocktail bar, nhân viên phục vụ tại một số khách sạn lớn. Mỗi công việc Danh đều làm khá nghiêm túc, không vì làm cho biết mà cẩu thả.
Danh vẫn không quên cảm giác nhận những đồng lương đầu tiên. "Tôi vui lắm, vui vì biết mình cũng làm được cái này cái kia, tự kiếm ra tiền bằng công sức của mình", Danh chia sẻ việc trải qua nhiều nghề giúp Danh hiểu giá trị của sự cực khổ khi làm ra tiền, biết quý trọng lao động của chính mình và không ỷ lại vào gia đình.
Danh tâm sự mình cũng bớt được sự nóng nảy và tăng tính nhẫn nhịn, kiềm chế, học cách chấp nhận khi trải qua những lúc làm sai bị trừ lương, bị khách hàng mắng. Hiện Danh vừa xong đồ án tốt nghiệp và đang làm bellman (tức nhân viên phụ trách đem hành lý của khách hàng đưa lên phòng) tại một khách sạn lớn ở quận 1.
Với mức lương cứng hơn 3,5 triệu đồng và tiền boa của khách, Danh bảo tổng thu nhập chỉ khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng song cũng đủ để Danh trang trải tiền trọ, sinh hoạt phí. "Khi nào kẹt tiền lắm tôi mới nhờ gia đình giúp", Danh nói.
Mặc dù là sinh viên năm nhất, nữ sinh N.Q.H. (đang học khoa ngôn ngữ Anh, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) cũng đang đi làm thêm và tâm sự đó là mong mỏi của cô từ hồi còn là học sinh cấp III. Cô là cộng tác viên dịch thuật cho nhiều nơi, kể cả một số tờ báo.
"Em dịch còn chậm, nên chưa được bao nhiêu tiền nhưng vẫn thấy vui vì được làm việc mình yêu thích. Cứ sau mỗi bài dịch, em lại thấy vốn liếng tiếng Anh của mình nâng lên được một chút. Kiến thức học hỗ trợ việc làm và ngược lại", nữ sinh này kể.
Hè năm nay, N.Q.H. cũng xin đi trợ giảng ở một trung tâm ngoại ngữ. Thời gian kín mít, nhưng cô vẫn tự tin đi làm thêm vì thấy công việc bổ ích cho ngành học của mình.
Làm thêm có nhiều lợi ích
Theo ThS Hoàng Thị Thoa - giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp HUIT (Trường ĐH Công Thương TP.HCM) - nhiều trường đang áp dụng học chế tín chỉ, do đó học kỳ hè là dịp để sinh viên cải thiện điểm, học lại, học vượt... Nhưng vẫn như trước đây, hằng năm vào dịp hè số lượng sinh viên làm thêm tăng nhanh.
Xu hướng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân nhưng đây là thời gian rảnh rỗi sau một năm học, bạn trẻ tận dụng làm thêm để trang trải sinh hoạt, học phí. Nhiều bạn đi làm để tích lũy kinh nghiệm, làm quen thực tế sản xuất và rèn luyện kỹ năng mềm.
"Chẳng hạn, qua tìm hiểu của bộ phận hỗ trợ sinh viên, 5 năm gần đây sinh viên HUFI đã chủ động hơn, mục tiêu rõ ràng hơn khi đi làm thêm chứ không đơn thuần là vì thu nhập", bà nói. Và tùy từng trường hợp và mục tiêu, lợi ích mang lại cho các bạn trẻ cũng khác nhau.
"Có thể thấy việc đi làm thêm giúp sinh viên về lợi ích kinh tế, nâng cao thái độ tự giác, tinh thần tự lập, tự chủ. Nhiều sinh viên được gia đình bảo bọc, chu cấp thì nay tự kiếm tiền chi tiêu cá nhân, từ đó ý thức hơn về giá trị đồng tiền, giá trị sức lao động", ThS Thoa cho biết.
Theo ThS Hoàng Thị Thoa, môi trường làm việc và các quan hệ giao tiếp giúp sinh viên rèn luyện tính kỷ luật, nhẫn nại, tôn trọng bản thân và người khác.
"Tuy không là yếu tố tiên quyết nhưng làm thêm giúp sinh viên rèn luyện, nâng cao kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian... và có cơ hội áp dụng lý thuyết vào thực tế", bà nói.
Bên cạnh đó, theo bà, bạn trẻ cần cẩn thận tìm hiểu kỹ đơn vị tuyển dụng, đặc biệt các thông tin tuyển dụng trên mạng, các trung tâm giới thiệu việc làm để tránh bị lừa đảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận