Công ty TNHH Gia vị liên hiệp (Unispice) ở TP.HCM cho biết sẽ tiến hành mua bán trực tiếp với người dân ngay trong vụ tiêu năm 2014 để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Phóng to |
Đại diện Công ty Unispice, VPA và người dân trồng tiêu thảo luận về phương án mua bán trực tiếp giữa công ty và nông dân - Ảnh: T.M. |
Tại buổi làm việc, do người dân không muốn bán số lượng lớn ngay một lúc, đặc biệt thích nhận tiền tươi thay vì chuyển khoản, công ty đã quyết định đặt một trạm thu mua ngay tại địa phương để cân mua tiêu cho nông dân và thanh toán bằng tiền mặt. Vào mỗi buổi sáng, căn cứ vào giá tiêu giao dịch trên thị trường thế giới và giá nội địa, công ty sẽ niêm yết giá tại nơi thu mua hoặc nhắn tin điện thoại cho người dân giá mua trong ngày.
Đây là giá chuẩn áp dụng cho tiêu đáp ứng các yêu cầu cơ bản. Khi người dân đem tiêu đến bán sẽ được công ty lấy mẫu phân tích độ ẩm, tạp chất và dung trọng, chất lượng tiêu càng cao hơn tiêu chuẩn cơ bản thì giá cũng cao hơn tương ứng và ngược lại. Ngoài ra, sau khi mua hàng của nông dân, Unispice sẽ đem mẫu tiêu đi phân tích và nếu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính công ty sẽ trả thêm cho nông dân 1.000 đồng/kg. “Đây là tiền được trích từ lợi nhuận của công ty để thưởng cho bà con làm tiêu sạch ngoài tiền mua bán đúng giá thị trường” - bà Vương Thị Hoàng Yến, giám đốc Unispice, nói.
Có một nghịch lý trong ngành hồ tiêu vài năm trở lại đây là hạt tiêu do nông dân làm ra chất lượng cao nhưng các thương lái lại trộn với tiêu chất lượng kém (lẫn tạp chất, hạt xấu, độ ẩm cao...) rồi bán cho nhà máy. Kết quả, nông dân không được hưởng giá tiêu tương ứng với chất lượng, còn nhà máy thì mệt mỏi tìm nguồn hàng có chất lượng xuất khẩu vào thị trường cao cấp.
Theo bà Yến, hiện công ty này đang xuất khẩu tiêu với giá cao đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm/tiêu chuẩn vi sinh - thuốc trừ sâu theo tiêu chuẩn của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan... Dự kiến năm 2013 Unispice xuất khẩu trên 3.700 tấn theo tiêu chuẩn Asta, tiệt trùng hơi nước (có thể sử dụng ngay) và vào danh sách 10 nhà xuất khẩu tiêu lớn nhất VN.
Tuy nhiên, các thị trường khó tính có đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng hàng. Ví dụ, để xuất khẩu vào Đài Loan thì hạt tiêu phải vượt qua 252 chỉ tiêu dư lượng hóa chất, vào châu Âu là 450 chất, còn Nhật Bản lên đến 472 chất khác nhau... Trong khi đó, các đơn vị xuất khẩu rất khó tìm nguồn tiêu chất lượng cao do có quá nhiều khâu trung gian trong khi yêu cầu của nhà nhập khẩu ngày càng khó khăn. “Nguy hiểm nhất là hàng đến tay đối tác nước ngoài mới phát hiện dư lượng hóa chất, hàng bị trả về thì công ty “ôm sô” do tiền vận chuyển đi và về rất tốn kém” - bà Yến nói. Vì vậy, Unispice chỉ còn cách làm việc trực tiếp với người dân để mua nguyên liệu tại chỗ thì mới đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Trần Hữu Thắng, chủ nhiệm Liên hiệp CLB trồng tiêu năng suất cao Xuân Lộc, cho biết xã Xuân Thọ là nơi trồng tiêu trọng điểm của huyện Xuân Lộc với sản lượng trên 1.000 tấn tiêu khô/năm. Trong những năm qua, người dân ở đây đầu tư làm tiêu với chất lượng rất tốt, không lạm dụng phân hóa học, không dư lượng thuốc trừ sâu. Thế nhưng trước đây chỉ có thương lái đến mua và nhân viên kinh doanh của các công ty phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giá bán tiêu hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái.
Đây là lần đầu tiên bà con nông dân được tiếp xúc, bàn bạc với doanh nghiệp về phương thức sản xuất, cách thức mua bán tiêu an toàn. “Bà con bán thẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu chứ không thông qua trung gian chắc chắn sẽ có lợi hơn” - ông Thắng cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận