16/08/2024 17:37 GMT+7

Mưa giảm, chất lượng và giá bán sầu riêng được kỳ vọng sẽ tăng

Với mùa vụ thu hoạch kéo dài đến hết tháng 9, thậm chí sang tháng 10, nhiều nhà vườn và doanh nghiệp kỳ vọng chất lượng sầu riêng vùng Tây Nguyên sẽ được cải thiện nhờ tình trạng mưa giảm, giá bán vì thế sẽ được cải thiện so với mức rẻ rề gần đây.

Giá trị xuất khẩu của sầu riêng năm nay có thể không đạt như kỳ vọng - Ảnh: N.TRÍ

Giá trị xuất khẩu của sầu riêng năm nay có thể không đạt như kỳ vọng - Ảnh: N.TRÍ

Diện tích sầu riêng vùng Tây Nguyên chiếm phân nửa cả nước, trong đó Đắk Lắk (được xem là thủ phủ sầu riêng Tây Nguyên) hiện chỉ mới thu hoạch được khoảng 30% sản lượng.

Mưa ít, cơm sầu riêng sẽ bớt sượng

Với hơn 3ha sầu riêng Thái, ông Nguyễn Anh Sơn (huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) cho biết nhờ xử lý tốt, cơm ít sượng nên giá bán xô tại vườn đang đạt 70.000 - 75.000 đồng/kg. Năm nay ông dự kiến thu được khoảng 80 - 90 tấn.

Tuy vậy, nhiều nhà vườn cho biết cũng giống như nhiều tuần qua, hiện lượng sầu Thái được thương lái mua với giá chỉ 20.000 - 40.000 đồng/kg vẫn còn phổ biến, giảm mạnh so với giá phổ biến 87.000 - 97.000 đồng/kg của năm ngoái. Giá sầu riêng thấp được cho do hàng bị sượng múi vì mưa nhiều nên phải bán dạng hàng kem, hàng chợ, khó xuất khẩu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 16-8, ông Ngô Văn Đức, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu tại TP.HCM, cho biết tỉnh Lâm Đồng và Gia Lai hiện đã thu hoạch được khoảng 70 - 80% sản lượng sầu riêng; còn vùng trồng trọng điểm nhất hiện nay là tỉnh Đắk Lắk, và một phần tỉnh Đắk Nông hiện chỉ mới thu hoạch được khoảng 30%, 70% còn lại được thu hoạch hết trong khoảng 1 - 1,5 tháng tới.

"Nếu thời tiết ổn định, ít mưa, những nhà vườn thu hoạch đợt sau có thể kịp thời xử lý để trái không bị sượng, lên cơm đẹp. Nếu chất lượng trái được cải thiện, giá bán có thể lên 70.000 - 80.000 đồng/kg, thậm chí hơn nhờ được xuất khẩu qua Trung Quốc", ông Đức nhận định.

Giá trị xuất khẩu có thể không như kỳ vọng

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online mới đây, ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Thái Lan đã hết vụ từ khoảng giữa tháng 7 (gần tương đồng mùa chính vụ vùng Tây và Đông Nam Bộ của Việt Nam), nên thời điểm từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 10, sầu riêng vùng Tây Nguyên sẽ nắm lợi thế lớn khi vào chính vụ gần như "một mình một chợ".

Tuy nhiên, việc cơm bị sượng, phải bán dạng hàng kem, hàng chợ nhiều khiến lượng sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc có thể không tăng nhiều như mong đợi.

"Với diện tích khoảng 75.000 ha, bằng phân nửa cả nước, sản lượng sầu riêng vùng Tây Nguyên hằng năm chiếm khoảng 40 - 50% của cả nước. Do đó, với lượng lớn hàng ở khu vực này phải bán với giá thấp thời gian qua, gặp khó khi xuất qua Trung Quốc, giá trị xuất khẩu sầu riêng năm nay có thể không như kỳ vọng", ông Nguyên nhận định.

Theo nhiều chuyên gia, mục tiêu xuất khẩu sầu riêng năm nay được dự đoán có thể đạt đến 3,5 tỉ USD (năm 2023 đạt 2,2 tỉ USD), nhưng nếu tình hình giá thấp còn kéo dài, kể cả có thêm hàng đông lạnh được xuất chính ngạch vào Trung Quốc thì giá trị xuất khẩu mặt hàng này khả năng khó đạt, kỳ vọng chỉ có thể vượt qua mốc 3 tỉ USD.

Theo Bộ NN&PTNT, trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt trên 3,8 tỉ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó sầu riêng đạt khoảng 1,7 tỉ USD. Ở chiều ngược lại, trong 7 tháng nhập khẩu rau quả ước đạt 1,2 tỉ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2023.

Vui buồn mùa sầu riêngVui buồn mùa sầu riêng

Hiện tại đang là cao điểm mùa sầu riêng, nhưng không phải ai cũng dư dả để thưởng thức loại "trái cây vua" này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên